TCty Công nghiệp ô tô Việt Nam vừa xuất khẩu lô số 1, 40 xe ô tô loại 29 chỗ và 46 chỗ sang Cộng hòa Đô-mi-ni-ca. Đây là những chiếc xe “Made in Vietnam” được xuất khẩu đầu tiên kể từ khi TCty đưa ra thị trường ô tô khách mang thương hiệu Transinco.
Hoàn thiện nội thất ô tô tại Nhà máy ô tô 1/5
Ông Từ Văn Hùng, Phó tổng giám đốc TCty Công nghiệp ô tô Việt Nam cho biết, lần đầu tiên đưa xe xuất khẩu nên quá trình từ tiếp xúc, thương thảo hợp đồng đến sản xuất và đưa 40 chiếc ô tô xuống tàu để sang Đô-mi-ni-ca mất trọn 1 năm. Lâu nhất là bàn đến việc vận chuyển từ Việt Nam sang Đô-mi-ni-ca và dịch vụ hậu mãi. Còn để có được các sản phẩm thương hiệu Transinco cũng như lô xe xuất khẩu trị giá 1,6 triệu USD này, TCty phải đầu tư dây chuyền thiết bị, công nghệ, lao động, nhà xưởng từ hơn 5 năm trước tại hai đơn vị nổi tiếng tại Hà Nội.
Nhà máy ô tô 1-5 và Nhà máy ô tô 3-2 là hai đơn vị chế tạo lô xe xuất khẩu đầu tiên này. Nhà máy ô tô 1-5 là đơn vị Anh hùng lao động, mỗi năm sản xuất vài ngàn chiếc xe buýt, xe khách cỡ lớn. Đã có bề dày truyền thống với những dây chuyền sản xuất được Bộ Công nghiệp kiểm tra kết luận bảo đảm tiêu chuẩn nên việc sản xuất xe xuất khẩu ở 1-5 có nhiều thuận lợi.
Còn Nhà máy ô tô 3-2 mấy năm trước vẫn được biết đến là cơ sở sửa chữa ô tô, lắp ráp xe máy.Ông Trần Nguyên Hồng, Giám đốc Nhà máy ô tô 3-2 cho biết: Được TCty quyết định đầu tư xây dựng dây chuyền chuyên sản xuất phụ tùng và lắp ráp ô tô khách cỡ nhỏ 29 - 35 chỗ, nên từ năm 2002 đến nay nhà máy đã có bước phát triển rất nhanh chóng. Sản lượng từ chỗ 4,4 tỷ đồng năm 2000 đã tăng lên 200 tỷ đồng năm 2004. 9 tháng đầu năm đạt xấp xỉ 200 tỷ đồng và dự kiến cả năm đạt 260 tỷ đồng. Đến nay Nhà máy đã có thể tái đầu tư 50 - 60 tỷ đồng xây dựng thêm hệ thống nhà xưởng mới tại Hưng Yên mà không phải vay ngân hàng.
- Lô xe xuất khẩu chắc có chất lượng “đặc biệt”? - chúng tôi hỏi ông Hùng.
- Không có gì đặc biệt cả - ông Hùng trả lời - chất lượng cũng như những chiếc xe Transinco khác tiêu thụ ở thị trường trong nước thôi.
Để gây dựng được thương hiệu ô tô Transinco, TCty Công nghiệp ô tô Việt Nam, Nhà máy ô tô 1-5 hay Nhà máy ô tô 3-2 và nhiều đơn vị khác đã phải đầu tư hàng trăm, hàng ngàn tỷ đồng để tiếp nhận công nghệ, thiết bị, tiếp nhận kỹ thuật sản xuất ô tô tiên tiến của nước ngoài. Khác với các liên doanh sản xuất ô tô khác, chủ yếu nhập linh kiện về lắp ráp, Transinco từng bước đầu tư hình thành các cụm công nghiệp về ô tô, chuyên môn hóa và nâng tỷ lệ nội địa hóa, từ những chi tiết nhỏ đến bộ phận khung gầm. Hiện tại, mỗi chiếc xe Transinco xuất xưởng có tỷ lệ nội địa hóa 30% - 40%.
“Sau lô số 1, đối tác nước ngoài sẽ xem xét nhu cầu, khả năng thị trường để tiếp tục hợp đồng với ta - ông Hùng nói - có thể xem đây là một tín hiệu vui với công nghiệp sản xuất ô tô trong nước, đồng thời cũng là kinh nghiệm quý cho doanh nghiệp khi bước ra thị trường nước ngoài”. Để chuẩn bị cho việc hội nhập, tiếp cận thị trường, kể cả trong nước và xuất khẩu, TCty đã xây dựng chiến lược nâng tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm lên 60% trong những năm tới, đồng thời đầu tư chiều sâu về công nghệ, quản lý và nguồn nhân lực... Bởi nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, DN Việt Nam sẽ bị đánh bật ngay trên sân nhà; Việt Nam mãi chỉ là thị trường tiêu thụ cho DN nước ngoài mà thôi.
HNM
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.