Mức thuế lên tới 25% đối với tất cả ô tô do nước ngoài sản xuất mà chính quyền Mỹ áp đặt từ đầu tháng 4-2025 đồng nghĩa bất kỳ phương tiện nào được lắp ráp bên ngoài xứ Cờ hoa đều sẽ tăng giá khi tới tay người dùng.
Số xe tăng giá bao gồm cả những dòng sản phẩm được sản xuất ở Canada và Mexico. Việc phụ tùng do nước ngoài sản xuất cho xe lắp ráp tại Mỹ cũng sẽ phải chịu thuế quan, có nghĩa là tỷ lệ nội địa hóa càng cao, nguy cơ tăng giá càng thấp.
Câu hỏi đặt ra là xe và thương hiệu nào có thể được hưởng lợi nhiều nhất từ những mức thuế mới này và những loại xe nào sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất?
Bên được lợi…
Dựa trên số liệu của Trường Kinh doanh Kogod thuộc Đại học Mỹ (Washington D.C) và Cơ quan An toàn giao thông đường cao tốc quốc gia Mỹ (NHTSA) thống kê, dễ thấy Tesla được hưởng lợi nhiều nhất từ chính sách thuế mới khi hầu hết xe đạt tỷ lệ nội địa hóa hơn 80%.
Model 3 Performance đứng đầu danh sách, với 87,5% thành phần được sản xuất và chế tạo ngay trên đất Mỹ. Các mẫu khác của hãng xe điện Mỹ lần lượt là Model Y (85%), Cybertruck (82,5%), Model S (80%) và Model X (80%).
Đây cũng chính là lý do Giám đốc điều hành Tesla Elon Musk tự tin khẳng định, công ty "không bị tổn thương", dù thừa nhận một số xe vẫn chịu tác động từ thuế mới. Dù sản xuất mô tơ điện và pin tại Mỹ, Tesla vẫn nhập khẩu nhiều linh kiện từ Trung Quốc. Model 3 Long Range hiện có tới “40% hàm lượng Trung Quốc" - theo Kelley Blue Book. Xe có mô tơ điện và pin “Made in China”.
Cũng nằm trong khoảng "an toàn" là Rivian và Ford. Xe có tỷ lệ nội địa hóa cao nhất của Ford là Mustang với hộp số tự động, mẫu GT và GT Coupe Premium, đều đạt trên 80%. Mustang GT phiên bản số sàn có hộp số do Getrag ở Đức cung cấp chỉ đạt tỷ lệ nội địa hóa 73%. F-150, xe bán chạy nhất của Ford tại Mỹ, được sản xuất tại chỗ, nhưng SUV Bronco và bán tải hybrid Maverick - những chiếc xe đang nhận được sự quan tâm lớn - lại sản xuất tại Mexico.
Nhiều mẫu xe Honda bán ở Mỹ có xếp hạng tỷ lệ nội địa hóa cao, như: SUV Passport (76,5%); Odyssey, Ridgeline và Pilot đều đạt 74%. Volkswagen ID.4 sử dụng 75,5% phụ tùng nội địa.
Trong ba nhà sản xuất ô tô lớn ở Detroit, GM (sản xuất xe Chevrolet, Buick, GMC và Cadillac) ở vị trí tồi tệ nhất. Theo nhà phân tích Ryan Brinkman của JPMorgan, với gần 40% xe được sản xuất tại Canada hoặc Mexico, GM có thể suy giảm doanh thu tới 14 tỷ USD mỗi năm nếu không được miễn trừ.
Các thương hiệu Mỹ thuộc Stellantis như Jeep, Chrysler, Dodge vẫn phụ thuộc vào phụ tùng nhập khẩu. Jeep Wrangler sử dụng 76% các bộ phận nội địa, trong khi Chevrolet Colorado và GMC Canyon đạt 75,5%.
Kẻ đau đầu…
Ở “bên kia chiến tuyến”, không ít nhà sản xuất ô tô nước ngoài đang nín thở trước tác động to lớn tới hoạt động kinh doanh của họ ở Mỹ. Audi, BMW, Lexus, Mazda và thậm chí là Toyota, tất cả đều đang kinh doanh các loại xe có tỷ lệ nội địa hóa “bét bảng”.
Đáng chú ý, một số xe như Mazda Miata, Subaru BRZ, Toyota GR86 và GR Corolla chỉ đạt 1%. Nhiều mẫu xe hiệu suất cao của BMW như M3 Sedan, z4 và M8 sắp ra mắt cũng chỉ đạt 1%.
Với việc ô tô chiếm 28,3% tổng kim ngạch xuất khẩu của Nhật Bản sang Mỹ vào năm 2024, các nhà sản xuất ô tô đất nước Mặt trời mọc có thể chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi thuế quan mới.
Lexus/Toyota hiện nhập khẩu xe từ Nhật Bản, Canada vào Mỹ, còn Subaru, Mitsubishi chủ yếu sản xuất xe tại Nhật Bản để cung cấp cho thị trường xứ Cờ hoa. Trong khi đó, Nissan bán xe sản xuất tại Mexico cho thị trường Mỹ. Cũng vì lý do này, cổ phiếu của Nissan, Toyota và Honda đã giảm khoảng 3%.
Cổ phiếu Hyundai và KIA cũng giảm 4,0%, bởi xe KIA, Hyundai, Genesis (thuộc Hyundai) tại Mỹ hầu hết đến từ Hàn Quốc.
Từ châu Âu, xe Audi bán tại Mỹ hiện xuất xưởng từ Đức (S6, S7, e-tron GT…), Mexico (Q5, SQ5) hoặc Slovakia (Q7 45/55, Q8 55, SQ7, SQ8). Jaguar, Bentley có phần lớn xe đến từ Anh, trong khi BMW bán ra hầu hết xe từ Đức hoặc Mexico.
Tương tự, nguồn gốc xe của Porsche là từ Đức, Slovakia; Rolls-Royce là từ Anh, trong khi Volvo là từ Bỉ hoặc Trung Quốc. Riêng Mercedes-Benz hiện sản xuất động cơ và hộp số tại Đức, sau đó chuyển tới Alabama để lắp ráp xe hoàn thiện.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng chỉ ra, dù chi phí sản xuất tăng là tất yếu, nhưng số tiền người tiêu dùng phải trả thêm còn phụ thuộc vào việc mỗi hãng “chuyển” bao nhiêu chi phí tới giá bán xe.
Theo Wall Street Journal, Tổng thống Donald Trump từng đề nghị giám đốc điều hành “Big Three” (GM, Ford, Chrysler) không tăng giá xe trước làn sóng thuế mới, nhưng nhiều ý kiến phân tích vẫn tỏ ra bi quan, với dự báo giá tăng 15%-20% đối với xe lọt vào “tầm ngắm” của chính sách thuế, và tăng khoảng 5% với những xe được miễn trừ.
Hyundai Venue hiện có giá khoảng 24.000 USD tại Mỹ, có thể tăng lên 28.500 USD. Mức tăng 4.000 USD với các dòng xe giá rẻ là không nhỏ. Cá biệt, một số xe như bán tải RAM được dự báo có thể tăng giá lên mức 100.000 USD, cao hơn nhiều con số 80.000 USD hiện nay.
Nhà phân tích Abby Stamp (Oxford Economics) cho rằng, các hãng xe hoàn toàn có thể chuyển một phần dây chuyền sản xuất sang Mỹ để ứng phó diễn biến mới, nhưng cách làm này cũng sẽ rất tốn kém, nhất là khi hầu hết chuỗi cung ứng cho dòng xe bán ra tại Mỹ đều gắn bó chặt chẽ với hạ tầng sản xuất tại Mexico và Canada.
Theo NHTSA, JPMorgan, CBS
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.