(HNM) - Đến Trung tâm Giáo dục và chữa bệnh số 4 Yên Bài, huyện Ba Vì, Hà Nội, chúng tôi được chứng kiến không khí đầm ấm, tình nghĩa của thầy giáo và học viên thân thiện khi sinh hoạt, vui chơi, làm việc.
Tất cả vì học viên
Tính đến tháng 4-2014, Trung tâm Giáo dục và chữa bệnh số 4 Yên Bài vừa tròn 12 năm xây dựng và trưởng thành. Trung tâm được quy hoạch trên diện tích 24ha, với số lượng học viên được giáo dục và chữa bệnh tới 995 người, cán bộ công nhân viên chức 139 người. Nhìn những tấm bằng khen, giấy khen mà Trung tâm được Thủ tướng Chính phủ, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, UBND TP Hà Nội trao tặng, mới thấy hết thành tích ghi nhận những tấm lòng và sự nhiệt tình của cán bộ và nhân viên nơi đây.
Khu sản xuất của các học viên. |
Với nụ cười thân thiện, cởi mở, Giám đốc Nguyễn Tây Nam và Phó Giám đốc Hoàng Văn Luật dẫn chúng tôi "mục sở thị" và giới thiệu những hoạt động đang làm hồi sinh những con người một thời u mê, lạc lối, đánh mất chính bản thân mình, gây đau khổ cho những người thân. Dẫn chúng tôi đến khu y tế, nơi các thầy giáo cố giành giật lấy phần "người" và đẩy phần "con" ra khỏi mỗi học viên, Giám đốc Nguyễn Tây Nam cho biết: "Khu y tế được bố trí 14 y, bác sĩ. Thời gian đầu các cán bộ y tế phải thay nhau trực và canh chừng học viên 24/24h. Tất cả các cán bộ y tế ở đây đều có chuyên môn, nghiệp vụ vững vàng và được tập huấn thường xuyên việc phục vụ cắt cơn. Đây là thời gian đầu vất vả khó khăn nhất của các cán bộ y tế, là thử thách lớn nhất để chiến thắng chính mình của mỗi học viên".
Y sĩ Lê Thanh Hùng, người đã làm việc ở khu y tế từ khi Trung tâm mới thành lập đến nay, dẫn chúng tôi vào thăm nơi các học viên vừa xong giai đoạn cắt cơn. Mọi người đang xem tivi vui vẻ cất tiếng cười chào lễ phép: "Chúng em chào các thầy, cô ạ". Nói về đặc thù công việc khó khăn này, y sĩ Lê Thanh Hùng cho biết: "Nếu không kiên trì, không có tấm lòng cảm thông, đặc biệt là sự nhẫn nại thì không thể làm được những việc này. Những học viên nghiện nặng, lúc lên cơn họ không chịu nổi cơn vật vã đã tự hủy hoại thể xác mình, cấu xé bản thân và chửi bới thậm tệ. Lúc đó, cán bộ y tế vừa cho dùng thuốc, vừa động viên vỗ về an ủi, vừa phải bảo vệ tính mạng của mình và lo cứu học viên. Khi mới vào đây có học viên còn không tự chủ được, chuyện vệ sinh cá nhân, đi ngoài, đi tiểu bừa bãi cả ra quần áo, thân thể. Khi chúng tôi đến gần tiêm thuốc, học viên còn bốc cả phân ném vào cán bộ y tế; và phải sau từ 5 đến 7 ngày, học viên mới tạm ổn định tinh thần. Khi cắt được cơn, chúng tôi lại thân mật chuyện trò, chia sẻ để học viên hiểu được tác hại của ma túy và yên tâm ở lại Trung tâm chữa bệnh. Nhìn những học viên vừa cắt được cơn nghiện, vui vẻ bên nhau xem tivi, càng thấy cảm kích sự tận tụy với nghề của những y, bác sĩ nơi đây".
Đến Trung tâm, chúng tôi mới thấy hết ý nghĩa của câu "Thầy thuốc như mẹ hiền". Sau khi cắt được cơn nghiện, Trung tâm tiến hành phân loại để giáo dục, chữa bệnh. Ai chưa biết chữ, Trung tâm dạy chữ; ai chưa có nghề sẽ được học nghề; người có bệnh được điều trị bệnh. Tất cả những đối tượng này đều được Nhà nước hỗ trợ kinh phí. Hiện nay, Trung tâm có 10% học viên đang học ở lớp xóa mù chữ. Trung tâm có 8 chuyên đề giáo dục phục hồi nhân cách cho tất cả các học viên tại đây. Giám đốc Trung tâm Nguyễn Tây Nam đang tâm huyết với đề án "Xây dựng môi trường thân thiện đối với thầy giáo - học viên" cho biết: "Học viên ở đây cũng là một con người, họ đều có khát khao được tôn trọng. Tôi muốn xây dựng Trung tâm có môi trường thân thiện để phát huy được năng khiếu và cá tính của học viên. Khi hết nghiện họ sẽ giúp ích được nhiều cho bản thân và xã hội".
Tạo môi trường thân thiện
Xuống các xưởng sản xuất của học viên, chúng tôi mới thấm thía ý tưởng mang tính nhân văn của Ban giám đốc. Trung tâm có 4-5 xưởng sản xuất quy mô, trong đó có 200 học viên làm hàng điện tử, 40 học viên làm ở xưởng cơ khí, 20 học viên làm chiếu trúc. Các học viên còn lại làm nghề khác như: Mộc, đồ chơi trẻ em, hàng thủ công mỹ nghệ. Nhìn những sản phẩm thủ công mỹ nghệ đẹp mắt, tinh xảo, những khu vườn thanh long tươi tốt, rộng bát ngát mới thấy hết sự cần cù, sáng tạo, yêu lao động vẫn vẹn nguyên trong mỗi học viên, được Trung tâm đánh thức và vun đắp. Học viên Nguyễn Văn Ngọc ở Hà Nội vừa thoăn thoắt làm việc vừa cười rạng rỡ: "Vào đây chúng em mới hiểu rõ ý nghĩa: Lao động là vinh quang, là nguồn sống cho con người".
Trung tâm Giáo dục và chữa bệnh số 4 luôn đối xử với học viên bằng niềm tin với những con người thực thụ. Những cụm từ như: Con nghiện, trộm cắp, lừa gạt, chích hút ở nơi đây sẽ không bao giờ nhắc tới. Tất cả cán bộ từ Ban giám đốc đến công nhân viên đều tuân thủ theo ý tưởng thay đổi cách nhìn về một con người để giúp họ thay đổi cuộc đời. Vì thế, tất cả các học viên tại Trung tâm đều được học tập, vui chơi, giải trí như ở ngoài cộng đồng. Trong khuôn viên Trung tâm có một sân bóng đá rộng rãi, một sân khấu ngoài trời được trang trí rất đẹp để phục vụ cho các đợt liên hoan văn hóa, văn nghệ, những ngày kỷ niệm của ngành, của đất nước. Chúng tôi thật sự thán phục bàn tay tài hoa của các học viên khi nhìn các bức phù điêu lớn trong Trung tâm do họ đắp vẽ. Đúng là nơi đây đã thực sự làm cho phần người của họ tỏa sáng.
Điểm dừng chân cuối cùng của chúng tôi chính là khu vực sinh hoạt hậu cần. Ai cũng thấy ngỡ ngàng trước sự khang trang, gọn gàng, ngăn nắp ở khu bếp ăn tập thể dành cho học viên. Bếp ăn của Trung tâm rộng hơn 1.000m2, có nhà ăn rộng rãi, thoáng mát, nhà chế biến, nhà kho riêng biệt. Đặc biệt là tất cả các thức ăn, đồ uống đều được nấu bằng hệ thống nồi hơi, khẩu phần ăn của các học viên bảo đảm đủ cân đối chất đạm, chất xơ, vitamin và được thay đổi thực đơn hằng ngày, công khai ở bảng thực đơn. Ngoài khẩu phần chính do Nhà nước tài trợ (30.000 đồng/ngày), học viên được ăn bổ sung bằng chính đồng tiền từ bàn tay lao động do họ làm ra và có sự đóng góp của gia đình học viên. Hiện nay, Trung tâm đang quản lý giáo dục học viên ở 31 tỉnh, thành trong cả nước; xa nhất là Tây Nguyên, gần nhất là Hà Nội chiếm 81%.
Bắt đầu từ năm 2013, Trung tâm có kế hoạch hướng các gia đình có con em mắc nghiện đến cai nghiện tự nguyện - với phương châm: "Hãy đến với Trung tâm để tìm lại niềm tin và hướng tới tương lai". Những người một thời lầm lỗi đến với Trung tâm cai nghiện tự nguyện, họ đều được hưởng những quyền lợi như: Điều trị, học tập, vui chơi văn hóa thể thao. Hằng tuần, học viên được liên lạc với gia đình tối đa 5 phút bằng điện thoại của Trung tâm. Chỗ ăn, ở, sinh hoạt rộng rãi 4m2/người, 4 người/1 phòng. Trong phòng có tivi riêng và các đồ dùng thiết yếu như bình nước nóng, tủ lạnh, điều hòa nhiệt độ. Ngoài ra học viên được phép mang thêm một số đồ dùng cá nhân vào sử dụng, khi hết hạn được mang về. Học viên được ăn uống theo chế độ thỏa thuận, được tham gia hoạt động trị liệu phù hợp với khả năng, sở thích, sức khỏe (không bắt buộc phải lao động). Trung tâm bố trí 1 phòng sinh hoạt tập thể, 2 lần/tuần tổ chức sinh hoạt văn hóa, văn nghệ tại khu vực riêng. Đặc biệt, Trung tâm cho phép và hỗ trợ học viên tổ chức sinh nhật, kỷ niệm ngày cưới. Tổng chi phí phải đóng góp vào Trung tâm cai nghiện tự nguyện là 1.436.000 đồng/tháng/học viên. Thời gian ký hợp đồng cai nghiện tự nguyện từ 3 tháng trở lên.
Chia tay với Ban giám đốc và các học viên tại Trung tâm Giáo dục và chữa bệnh số 4, lòng chúng tôi như nhẹ hẳn khi nghĩ về tương lai của những con người một thời lầm lỡ. Ai cũng tin rằng, nếu mọi người trong cộng đồng hiểu rõ những công việc thầm lặng mà cán bộ, công nhân viên đã làm cho học viên thì sẽ yên tâm khi gửi người thân của mình đã trót mắc nghiện vào đây. Có như vậy thì hiểm họa ma túy, HIV sẽ không có cơ hội phát tác, hoành hành. Mong rằng, Trung tâm mãi là nơi tìm lại niềm tin cuộc sống, nơi tìm lại nụ cười cho những người lầm lỡ để họ có cơ hội làm lại cuộc đời.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.