Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ở nơi ông Gióng về Trời

Vân Hạ| 01/02/2014 18:24

(HNM) - Đến đền Sóc một chiều cuối năm, ngỡ ngàng trước vẻ đẹp của những con dốc quanh co lên núi ngút ngàn lau xám hai bên đường. Sao phải đi đến tận vài trăm cây số mới tận hưởng được một không gian thi vị của núi rừng?


Người dân Việt Nam có ai không biết đến nhân vật Thánh Gióng sau khi nhổ tre giết giặc đã lên đỉnh núi Sóc Sơn cưỡi ngựa bay về trời. Qua những câu chuyện kể từ bà từ mẹ, Thánh Gióng đã trở thành một huyền thoại trong tâm thức của biết bao nhiêu thế hệ Việt. Đến Sóc Sơn hôm nay, vẫn nghe người dân nơi đây nói chuyện nhớ ơn ông Gióng, kể cho nhau nghe về lễ hội xưa nay, dạy thế hệ sau cách vót hoa tre, đan voi... chuẩn bị hội. Thông qua các hoạt động vui chơi, những nghi thức hành lễ, thông điệp của lễ hội Gióng chính là gửi gắm mong ước về một đất nước thái bình no ấm, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.



Lễ hội đền Gióng Sóc Sơn được tổ chức vào 3 ngày, mùng 6, 7, 8 tháng Giêng. Nhưng để chuẩn bị cho lễ hội, người dân xã Phù Linh, Sóc Sơn đã chuẩn bị từ trước Tết Nguyên đán. Mỗi thôn được “giao” một việc, nơi “kiếm” trầu cau, nơi lo cỏ voi, nơi chuyên vót hoa tre, nơi lại chuẩn bị hành lễ rước tướng. Từ các lễ vật, lễ phẩm, kiệu rước đến lời văn tế, trang phục và nhân sự trong các đoàn rước đều được chuẩn bị kỹ lưỡng và chu đáo. Các xã trong vùng phân công người dọn dẹp, làm sạch đền Sóc. Khắp nơi tràn đầy không khí háo hức mong chờ ngày khai hội. Kế thừa từ thế hệ này sang thế hệ khác, những người dân Sóc Sơn đóng vai trò của các nghệ sỹ trong Hội Gióng nhằm tái hiện lại lịch sử.

Từ ngày được vinh danh là Di sản Văn hóa phi vật thể thế giới, Hội Gióng càng được quan tâm, lưu giữ và phát triển. Không chỉ các cơ quan chức năng quan tâm đến Hội Gióng mà qua lễ hội còn thấy rõ vai trò của cộng đồng trong việc bảo tồn di sản thông qua việc người dân tự nguyện đóng góp sức người, sức của để tổ chức lễ hội. Chính người dân cũng là kho lưu giữ và truyền lại lễ hội cho đời sau. Theo ông Phạm Văn Hiến, Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý khu Du lịch - Di tích đền Sóc Sơn, “để tổ chức lễ hội thành công, năm nào Sóc Sơn cũng phải lập kế hoạch chi tiết và cụ thể. Nhờ có sự chỉ đạo vào cuộc quyết liệt của cấp ủy Đảng và chính quyền các cấp, sự chuẩn bị chu đáo từ mỗi làng xã, sự tận tâm của các cán bộ trung tâm quản lý di tích, tinh thần trách nhiệm ứng trực 24/24h của các thành viên trong Ban tổ chức lễ hội, và đặc biệt là ý thức của người dân tham gia, lễ hội mới thành công rực rỡ”.

Mỗi một lễ hội thành công sẽ là một đòn bẩy phát triển cho mùa lễ hội năm sau, trở thành một bộ phim quảng cáo để thu hút khách thập phương và quảng bá du lịch.

Và một miền du lịch


Nằm cách trung tâm thủ đô không xa, nên từ nhiều năm nay đền Sóc Sơn luôn là địa điểm thu hút khách thập phương. Nếu đầu xuân năm mới là những ngày nô nức, rộn ràng không khí lễ hội của một trong những lễ hội lớn và đặc sắc, thì vào các tuần rằm sau đó, đền Sóc liên tục đón khách dâng hương, trong những ngày bình thường khách tham quan cũng không hề vắng.



Cũng giống như hầu hết các lễ hội khác ở Việt Nam, mùa lễ hội ở đền Sóc lúc nào cũng tấp nập khách. Những ngày chính hội, lưu lượng xe đông, mật độ người đổ về nhiều nên có đôi khi gây nên tình trạng ùn tắc cục bộ do khu trông giữ xe chưa được quy hoạch. Các hoạt động dịch vụ cũng chưa có mặt bằng quy hoạch riêng nên đôi khi còn có tình trạng bán hàng rong gây sự lộn xộn, mất trật tự. Đây là những điểm tồn tại mà lãnh đạo Trung tâm Quản lí khu Du lịch - Di tích đền Sóc Sơn luôn trăn trở mỗi khi nhắc đến lễ hội. Tuy nhiên, những tồn tại này hoàn toàn “biến mất” khi du khách đến đền Sóc vào mùa không lễ hội.

Nằm dưới chân núi Vệ Linh giữa một vùng rừng hồ rộng lớn và thoáng đãng, quần thể di tích đền Sóc là một thắng cảnh nổi tiếng đã được xếp hạng từ năm 1962 với những mái đền cổ kính, thâm nghiêm ẩn mình dưới tán cổ thụ xanh tươi bốn mùa. Quần thể di tích gồm đền Hạ (còn được gọi là đền Trình, thờ vị thần đã cho phép Thánh Gióng chọn nơi đây để bay về trời), đền Mẫu (nơi thờ mẹ Thánh Gióng), đền Thượng (nơi thờ Thánh Gióng và 6 vị tướng đã giúp ông đánh giặc, theo truyền thuyết đền có từ thời Hùng Vương, được dựng trên nền nhà cũ của mẹ Gióng); chùa Đại Bi, chùa Non, khu vực hành lễ và tiếp khách, hòn đá Trồng tương truyền là áo giáp của Thánh Gióng để lại trước khi bay về trời; Nhà bia đá ghi lại lịch sử và hội đền Sóc. Năm 2010, quần thể di tích đền Sóc càng trở nên hút du khách khi bức tượng Thánh Gióng uy nghi vươn cao trên đỉnh núi Đá Chông được khánh thành. Lối lên tượng Gióng có hai cách, hoặc nhẩn nha leo bộ theo những bậc thang thâm niên từ khuôn viên đền, hoặc theo đường ô tô “cua” theo những con dốc men sườn núi.

Không có lợi thế về suối thác như một số vùng du lịch núi rừng khác của Hà Nội, tuy nhiên Sóc Sơn lại có thế mạnh về hồ và đường giao thông khá thuận tiện. Gìn giữ di sản để phát huy du lịch tâm linh chính là điều mà Sóc Sơn đã và đang cố gắng thực hiện để thu hút hơn nữa khách du lịch đến với địa chỉ này. Xung quanh quần thể di tích đền Sóc hiện nay đã hình thành ngày càng nhiều hơn những khu du lịch vệ tinh như vườn sinh thái Hương Tràm, Việt phủ Thành Chương, Ngọc Linh Eco garden, Lương Sơn quán... Nếu ưa thích cắm trại hay du lịch khám phá thì hệ thống rừng hồ ở nơi đây đặc biệt thích hợp. Khi mỏi mệt với bốn bức tường thành phố chật chội, Sóc Sơn là địa điểm lựa chọn lý tưởng vì trọn trong một ngày mà có thể trải nghiệm cả du lịch tâm linh, du lịch sinh thái hay nghỉ ngơi cuối tuần trong cảnh sông nước hữu tình, không gian mát mẻ thoáng đãng và rất nên thơ.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Ở nơi ông Gióng về Trời

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.