Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ở nơi giúp con người phục thiện

Ghi chép của Nguyên Hoa| 01/07/2010 06:57

(HNM) - Không tường cao rào kín, không có sự ngăn cách nào với xã hội, nơi các học viên của Trung tâm Giáo dục lao động xã hội số 1 (TTGDLĐXH) (thuộc Sở LĐ-TB&XH Hà Nội) đóng tại xã Yên Hòa, Ba Vì đang học tập và lao động là không gian thoáng đãng.

Nhiều năm nay, người dân trong vùng không nghe chuyện học viên của trung tâm bỏ trốn hoặc lén lút đưa thuốc từ bên ngoài vào. Nhìn các học viên mặc trang phục màu xanh lao động trong buổi sáng sớm thấy ai nấy đều khỏe khoắn. Làn da bủng beo của kẻ nghiện ngập hôm nào giờ đã hồng, săn trở lại và nụ cười của họ khiến người ta tin rằng nơi đây mới đích thực là chỗ giúp những người lầm lỗi hoàn lương, phục thiện…

Lớp học nghề gắn đá của các học viên tại Trung tâm cai nghiện số 1.

Mái nhà chung

Phó Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội Nguyễn Trọng Hiền kết thúc giờ giảng bài về tác hại của ma túy trước gần 100 học viên của TTGDLĐXH số 1 bằng điệu hát ví dặm của người dân Hà Tĩnh "Giận thương" trong tiếng vỗ tay hân hoan hưởng ứng. Thời gian hơn một giờ đồng hồ lên lớp hôm nay dường như là quá ngắn, các học viên còn nấn ná chưa muốn chia tay người cán bộ đã gần 30 năm nay gắn bó với công tác phòng chống tệ nạn để được nghe anh tâm sự, sẻ chia và cảm thông với họ - những người đã không may vướng vào nghiện ngập. Những lời khuyên dù đã được nghe từ người thân và bạn bè không biết bao nhiêu lần nhưng sao hôm nay lại chân thành và "ngấm" thế.

Anh Nguyễn Văn Triệu, Giám đốc TTGDLĐXH số 1 cho biết: "Phục hồi nhân cách cho học viên là nhiệm vụ quan trọng trong quy trình giáo dục học viên của trung tâm chúng tôi. Thầy Hiền là người rất tâm huyết với công việc, không chỉ là cán bộ của Sở LĐ,TB&XH Hà Nội mà đã nhiều lần anh còn trực tiếp giảng bài tại trung tâm. Lần nào cũng vậy, các học viên chăm chú nghe như nuốt từng lời trong bài giảng của anh".

TTGDLĐXH số 1 là đơn vị trực thuộc Sở LĐ,TB&XH Hà Nội thực hiện chức năng cai nghiện, điều trị phục hồi, quản lý giáo dục, tổ chức dạy nghề, lao động, sản xuất và tái hòa nhập cộng đồng cho người nghiện ma túy là nam giới trên địa bàn thành phố Hà Nội. Trung tâm có cơ ngơi tương đối khang trang, đầy đủ tiện nghi, quy mô tiếp nhận học viên đang được xếp hàng đầu trong số 8 trung tâm mà Sở LĐ,TB&XH quản lý. Anh Triệu cho biết thêm: "Mỗi năm TTGDLĐXH số 1 được giao nhiệm vụ tiếp nhận trên 1.000 học viên. Ngoài việc điều trị cắt cơn nghiện, phục hồi sức khỏe (trong vòng khoảng 2 tuần), công tác giáo dục phục hồi nhân cách và lao động, sản xuất để tái hòa nhập cộng đồng là yêu cầu được cán bộ trung tâm rất coi trọng". Vẫn biết rằng nếu không được lao động, học viên sẽ rất mệt mỏi, lúc nào cũng nghĩ đến trốn trại để đi tìm ma túy. Có việc làm là đồng nghĩa với việc sẽ không còn thời gian để nghĩ đến chất gây nghiện. Nhưng tìm việc làm cho đối tượng nghiện hút chẳng phải dễ dàng gì. Bằng nhiều cách, vận động nhiều mối quan hệ, ban lãnh đạo trung tâm đã "bắt tay" được với hơn 20 công ty, doanh nghiệp để bao tiêu đầu ra cho sản phẩm mà học viên của mình làm ra. Bằng hình thức chấm công, chấm sản lượng, sau 2 năm cai nghiện nhiều học viên không chỉ có nghề trong tay mà còn tích cóp được chút ít vốn liếng mang về. "Cũng nhờ có việc làm ổn định, có thu nhập nên bữa ăn của học viên được cải thiện rất nhiều. Quy định của nhà nước là 8.000 đồng/ngày/người nhưng Trung tâm đã tăng thêm tiền để cải thiện chất lượng thêm bữa ăn, ngày 3 bữa cơm, mùa đông học viên còn được tắm nước nóng", Giám đốc Triệu cho biết thêm. Ngoài việc sản xuất theo đơn hàng cho các công ty, TTGDLĐXH số 1 còn tận dụng diện tích khuôn viên rộng rãi để học viên trồng khoảng 1ha rau, 2ha hồ nuôi cá và chăn nuôi 200 lợn thịt phục vụ bữa ăn hằng ngày, nuôi 2.400 lợn sữa xuất khẩu mỗi năm.

Ngoài thời gian lao động và sau những lúc cơm nước, nghỉ ngơi, các học viên lại được tham gia sinh hoạt tại "câu lạc bộ niềm tin" đều đặn 4 buổi/tuần, tham gia tập luyện thể dục thể thao. Tiếng đàn, lời ca của họ đã làm cho các buổi sinh hoạt thêm sinh động và hấp dẫn. Trên sân khấu của trung tâm trong những đêm văn nghệ đã thấy quen cảnh khán giả lên tặng hoa và có khi cao hứng còn hát cùng… Chứng kiến không gian đầm ấm này khó mà hình dung nổi những mảnh đời tưởng như bỏ đi khi bị gia đình ruồng rẫy, xã hội né tránh lại được cán bộ của TTGDLĐXH số 1 giúp họ lao động và sống có ích... "Cảm ơn trung tâm đã cho tôi được lao động và sống cuộc sống tập thể với những người cùng cảnh ngộ để chúng tôi vượt qua mặc cảm. Vì tương lai gia đình, tôi phải trở về để làm người con tốt và sống có ích cho xã hội. Tương lai của tôi đang ở phía trước…". Lời tâm sự của học viên Nguyễn Duy Cường, nhà ở quận Đống Đa trong buổi giao lưu thể thao mà trung tâm vừa tổ chức có lẽ là sự thức tỉnh của lương tâm khi con người ta nhận ra rằng: Gia đình mới là cái đích, là bến đỗ suốt đời của mình…

Học viên của trung tâm biểu diễn văn nghệ nhân Ngày toàn dân Phòng chống ma túy.

Ngã từ cây, đứng lên từ cỏ

Trong không gian rộng rãi của Trung tâm, tôi đã gặp rất nhiều gương mặt rạng rỡ của các học viên, nếu không được giới thiệu trước không mấy ai biết rằng, họ đã từng là nô lệ của "nàng tiên nâu". Mới hôm nào những con người này còn quằn quại trong cơn thèm khát ma túy, bằng nhiều cách khác nhau họ đã đến được với TTGDLĐXH số 1, để rồi chính các thầy giáo nơi đây đã đưa họ đi trên con đường tìm lại cuộc đời đích thực…

Nguyễn Ngọc Quang, người đàn ông mới ngoài 40 tuổi nhưng râu tóc đã bạc gần hết khiến ai nhìn cũng đoán anh đã gần 60. Như đọc được ý nghĩ của tôi, anh nói "Tôi ở quận Hai Bà Trưng, đã có vợ và hai con. Trước đây tôi đi làm nhà nước nhưng nghỉ chế độ từ năm 1989 về nhà làm thêm nghề phụ. Cùng gia đình 3 năm vướng vào nghiện ngập, nhiều khi không có tiền mua thuốc tôi đã bắt chẹt cả khách hàng làm ảnh hưởng đến công việc và uy tín gia đình. Mấy lần tôi tự cai ở nhà rồi nhưng chỉ qua được 1 tháng lại tái nghiện. Gần 1 năm nay cai ở Trung tâm tôi thấy đã có chuyển biến nhiều, tuy những hôm trở trời trong người vẫn còn cảm giác khó chịu mà những người nghiện như anh em chúng tôi gọi là "vật lại" nhưng được các thầy và anh em động viên nên tôi đều cố gắng để vượt qua. Vợ tôi lên thăm lúc nào cũng mong hết nghiện để trở về với các con". Tôi hỏi anh liệu có hết nghiện được không vì có nhiều người từng cai, từng hứa hẹn từ bỏ nhưng rồi đâu lại vào đấy, Quang trả lời: "Gần 50 tuổi rồi, trước còn trẻ thì thích chơi bời, nay phải quyết tâm bỏ bằng được vì đến giờ tôi đã nhận ra rằng gia đình là trên hết. Tôi còn hai con nhỏ đang tuổi ăn, tuổi học nhiều thứ phải lo lắm. Mình là đàn ông đáng ra phải gánh trách nhiệm này, nhưng bao nhiêu năm nay tôi nghiện ngập đã để vợ phải khổ, nay chỉ mong được về để đỡ đần cho vợ bởi nói cho cùng vợ con là quý giá nhất. Tôi suýt đánh mất một lần giờ phải giữ gìn chứ…".

Khác với tâm sự của anh Quang, Lê Minh Hiếu, nhà ở quận Thanh Xuân lại đang có tâm trạng rất vui vì chỉ còn chưa đầy 3 tháng nữa là Hiếu được về với gia đình. Hiếu mới 32 tuổi nhưng "thâm niên" nghiện ngập đã tròn 10 năm, từ khi còn là sinh viên đại học. Ra trường đi làm Hiếu vẫn không cai được, làm ra bao nhiêu "nướng" vào thuốc hết, gia đình lắm phen điêu đứng vì thằng con hư hỏng. Được bố mẹ và các anh công an phường động viên, Hiếu đã đến cai tại TTGDLĐXH số 1. Đã 20 tháng ở trung tâm, Hiếu không chỉ cai được nghiện mà còn được học thêm nghề hàn, một công việc khá phù hợp bởi gần với chuyên ngành Hiếu đã học ở đại học. "Em chỉ mong sớm được làm người có ích cho gia đình vì bố mẹ đã vất vả lo cho em ăn học bao nhiêu năm nay và rồi em còn phải lập gia đình nữa, em còn trẻ mà"…

Ngoài Quang, Hiếu tôi đã gặp thêm rất nhiều gương mặt khác nữa, người trẻ tuổi có, người ở tuổi 60, 70 cũng có, với đủ ngành nghề khác nhau. Người mới vào trung tâm được mấy tháng đang còn ngổn ngang tâm trạng, người đã gần đến ngày về đang dệt cho mình một tương lai và gần như tất cả đều tin tưởng rằng những năm tháng ở đây đủ để họ quyết tâm nói không với ma túy. Tôi tin vào sự quyết tâm của Nguyễn Ngọc Quang, Lê Minh Hiếu và hơn 1.000 học viên đang được cai nghiện và học tập tại trung tâm, rằng họ đang từng bước tìm lại cho mình cuộc sống lương thiện và có ích. Chắc hẳn đó cũng là tâm trạng của những gia đình có người thân mắc nghiện, một ngày nào đó họ sẽ được đón chồng, cha, con, em của họ trở về lành lặn cả thể xác lẫn tâm hồn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ở nơi giúp con người phục thiện

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.