Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ở nơi bóng đá là hơi thở

Thùy An| 27/12/2011 06:15

(HNM) - Ở Anh, bóng đá như là tôn giáo dễ cảm nhận nhưng thật khó miêu tả đến tận cùng. Chỉ biết "túc cầu giáo" ở đây có những tín đồ tuyệt vời. Chính họ đã khiến đời sống bóng đá sôi sục và làm nên cả một ngành công nghiệp. Những chuyện trông và nghe thấy ở London ít nhiều đã làm tôi vỡ ra điều này.

Mua vé khó như hái sao trên trời

Không khó để tìm một fan bóng đá ở London. Chỉ hơn chục phút từ sân bay Gatwick vào trung tâm thành phố, Harry - người lái xe của Hãng Easybus đã tỏ ra là một fan bóng đá thứ thiệt. Câu chuyện về thời tiết giá lạnh ở London những ngày giữa tháng 12, chuyện học tiếng Anh ở Việt Nam của chúng tôi với Harry cũng chỉ được dăm ba phút rồi chuyển sang ngay chuyện bóng đá. Harry vốn là fan của CLB Fulham, đội bóng hàng xóm của Chelsea. Fulham hiện không nổi tiếng như Chelsea nhưng với Harry, đấy không phải vấn đề. Anh yêu thích CLB Fulham từ bé và bây giờ vẫn thế. Vậy thôi!

Xếp hàng mua những tấm vé cuối trận Tottenham - Sunderland.

Về chuyện mua vé xem các trận đấu ở Giải Ngoại hạng Anh, Harry kể rằng khó như hái sao trên trời, nhất là những trận cầu có các đội bóng lớn trong nhóm "ngũ đại gia" là Manchester United, Manchester City, Chelsea, Arsenal, Liverpool… tham gia. Trên sân nhà, Fulham cũng như nhiều đội khác đều dành cho nhóm này một mức giá vé cao hơn. Như CLB Tottenham - CLB cùng thành phố London với Fulham chẳng hạn. Đội bóng này đánh giá sức hấp dẫn của các đội khác ở Giải Ngoại hạng theo các nhóm A, B, C và tương ứng là giá vé. Nhóm A gồm Arsenal, Chelsea, Liverpool, Manchester City, Manchester United với giá vé vào sân từ 24 bảng đến 80 bảng (khoảng 2,6 triệu đồng) dành cho các đối tượng, già, trẻ, các vị trí trên sân.

Tương ứng là nhóm B (Aston Villa, Blackburn Rovers, Bolton Wanderers, Everton, Fulham, Newcastle United, Norwich City, Queens Park Rangers, Sunderland) với giá vé từ 18 bảng đến 57 bảng. Nhóm C gồm Stoke City, Swansea City, West Bromwich Albion, Wigan Athletic, Wolves với giá vé từ 16 bảng đến 46 bảng. Sự chi tiết, tính toán kỹ lưỡng như vậy càng cho thấy sự nghiệp của bóng đá xứ sở Sương mù trong khi ở Việt Nam, đây vẫn là điều xa xỉ.

Khi biết tôi mua được vé trận Tottenham - Sunderland ở vòng 16 vào ngày 18-12 trên mạng chỉ 4 ngày trước khi trận đấu diễn ra, Harry bảo tôi là người may mắn. Thường thì những trận cầu như vậy sớm hết vé trên mạng dù bao giờ người mua cũng phải bỏ ra thêm 4 bảng để CLB chuyển vé đến nhà hoặc nơi làm việc. Anh bạn đang làm việc ở London, người mua vé hộ tôi trước đó cũng phải xuýt xoa rằng tôi thuộc diện "số đỏ". Còn không thì chỉ còn cách đến SVĐ xếp hàng mua vé với nguy cơ hết vé luôn thường trực. Còn muốn mua vé chợ đen (như Harry nói là "blackmarket") thì bạn phải có rất nhiều tiền. Harry ngạc nhiên khi biết rằng ở Việt Nam mua vé xem các CLB thi đấu dễ như trở bàn tay, thậm chí có nơi còn cho vào không (hay nói cách khác là "mời vào") mà khán giả vẫn thưa thớt.

Đến ngày Tottenham thi đấu với Sunderland (18-12), cách trận đấu độ 10 phút, trước phòng vé của sân White Hart Lane (sân nhà của Tottenham) có hàng trăm người xếp hàng mua vé. Một lát sau, vé hết sạch. Hôm đó, BTC thông báo có 36.201 khán giả trong khi sức chứa tối đa của sân là 36.230. "Số người không đến sân có thể là những người mua vé dài hạn, bận việc khác nên không đến được hoặc có thể là số ghế của cổ động viên đội khách Sunderland không được sử dụng hết"- anh bạn ở London giải thích. Dường như khủng hoảng kinh tế toàn cầu không ảnh hưởng đến các fan bóng đá ở Anh. Không kể, Anh không thuộc nhóm đồng tiền chung Châu Âu nên nền kinh tế cũng bớt bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Điều này ít ra cũng có lợi cho bóng đá.

"Ăn bóng đá…"

Hai giờ trước trận đấu Tottenham - Sunderland, khán giả từ mọi nơi nườm nượp đổ về sân White Hart Lane. Con đường từ ga tàu điện ngầm Seven Sister dẫn đến phía tây sân đầy bóng đàn ông quàng khăn, đội mũ có biểu tượng của CLB Tottenham. Cái cách họ đến sân chẳng khác nào con chiên đến nhà thờ làm lễ vào mỗi sáng chủ nhật. Người chọn cách đi bộ, người chọn cách đi xe buýt mà hầu như chuyến nào cũng chật cứng cổ động viên của Tottenham.

Ngay cửa kiểm soát vé, khán giả xếp hàng trật tự. Ở đây, có máy kiểm tra vé để phân biệt vé giả, vé thật. Cửa kiểm soát chỉ đủ một người lách qua. Giống như ở các ga tàu, các cửa vào sân được thiết kế bằng inox theo dạng xoay tròn được chia làm bốn phần đều nhau nên chỉ có một người lọt vào. Nếu là vé thật thì cửa tự động xoay để khán giả đi qua. Còn ai không có vé hoặc vé giả thì chịu chết, không thể lọt vào nổi. Qua cửa soát vé, khán giả lại phải chờ kiểm soát túi xách. Chai nước được mang vào sân thoải mái nhưng phải bỏ nắp ra chứ không như ở Việt Nam, phải để ngoài sân. Chỉ cần như vậy thì dù khán giả có ném chai nước xuống sân cũng không thể gây thương tích cho người khác vì trọng lượng chai không nắp bị giảm đáng kể.

Khán đài sân White Hart Lane luôn có đông đảo khán giả trong đó có nhiều CĐV trung thành lớn tuổi. Ảnh: Minh Quang

White Hart Lane là sân bóng lâu đời ở Anh, thiết kế trong sân có phần xưa cũ, nhưng lại khoa học. Nếu đứng ngoài sân, không phải là ở phía sau cầu môn, người ta sẽ không nghe thấy tiếng khán giả hò hét, cổ vũ. Điều này bảo đảm không gây ồn ào cho những người xung quanh. Ngồi trên sân, dù ở tầng 2 nhưng người ta vẫn nhìn rõ cầu thủ thi đấu dưới sân. Hành lang trước các cửa vào khán đài khá nhỏ nên vào giờ nghỉ, khi khán giả ùa ra mua đồ lưu niệm, ăn uống là chật ních. Đồ ăn thức uống trong sân hết vèo vèo, nhất là khi giá cả phải chăng, không quá chênh so với bên ngoài. Chẳng bù so với sân Mỹ Đình ở ta, cái gì cũng đắt gấp đôi, gấp ba.

Cả trận đấu Tottenham - Sunderland, hơn 36.000 con người xem thi đấu trong trật tự, văn minh. Số khán giả là người lớn tuổi khá nhiều và đều là cổ động viên trung thành của CLB. Cả trận đấu, khu vực sau cầu môn rộn tiếng hát bài ca truyền thống của CLB. Những tiếng hô "Mr"! "Mr"!- quen thuộc luôn vang lên mỗi khi Tottenham đứng trước một quả phạt. Không một chai nước hay vật thể lạ nào bị ném xuống dù những phút cuối trận, trọng tài luôn có những quyết định bất lợi cho cầu thủ Tottenham. Khán giả đứng dậy bức xúc một lát rồi lại ngồi xuống. Được xem những Modric, Van der Vaart, Paker, Gallas, Adebayor, Ekotto, Pavlyuchenko (Tottenham), O'Shea, Brown, Bardsley; Larsson, Richardson (Sunderland) thi đấu kể cũng bõ tiền vào sân xem trực tiếp để tận mắt thấy được hết những phẩm chất đã làm nên tên tuổi họ.

Hôm ấy Tottenham thắng 1-0. Cổ động viên Tottenham vui như mở hội. Kết thúc trận đấu, họ đứng cả dậy vỗ tay hồi lâu rồi ra về trong trật tự.

Trận đấu vẫn chưa kết thúc…

Trận đấu kết thúc nhưng đến lúc này các cửa hàng bán đồ lưu niệm trong và ngoài sân White Hart Lane mới hoạt động hết công suất. Khán giả, nhất là lớp trung niên, thanh, thiếu niên lại xếp hàng lũ lượt để mua đồ lưu niệm. Mà đồ lưu niệm không đơn giản chỉ là mấy bộ quần áo. Ở đây, người ta có thể tìm thấy đủ các loại khăn, dép đi trong nhà, đồng hồ, dây chuyền, bóng thi đấu đủ các cỡ và đủ các vật dụng của người lớn, trẻ em có nhãn mác CLB… với giá không hề rẻ. Một chiếc áo đấu dài tay cũng có giá đến 54 bảng, áo đấu cộc tay - 46 bảng. Một chiếc móc khóa giá 5 bảng, chiếc khăn len 10 bảng, bộ khăn len - găng tay - mũ len trẻ em giá 12 bảng. Quả bóng in chữ ký của các thành viên CLB cũng lên đến 10 bảng. Tấm ảnh chân dung cầu thủ cỡ 15-20 cũng được định giá 2 bảng… Thế mà quầy thanh toán của cửa hàng lưu niệm hôm ấy chật ních người. Người mua phải chia làm 5 hàng, dài cả chục mét, chờ thanh toán. Ngày hôm sau, khi đến các quầy lưu niệm ở các sân Stamford Bridge của Chelsea, Emirates của Arsenal, tôi cũng bắt gặp những cảnh gần tương tự dù hôm đấy, Chelsea hay Arsenal không thi đấu.

Bảo sao, các ông chủ nước ngoài đầu tư không tiếc tay vào các đội bóng, nhất là các đội bóng lớn ở Anh. Bởi ở đó, bóng đá tự nuôi được bản thân nó chứ không chỉ trông vào mỗi túi tiền của các ông bầu như ở Việt Nam.

Lại ước, bao giờ bóng đá Việt Nam mới được vậy?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ở nơi bóng đá là hơi thở

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.