Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ô nhiễm "tấn công" ngoại thành

Nguyễn Lê| 22/04/2016 06:44

(HNM) - Việc di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm từ nội thành ra ngoại thành mà TP Hồ Chí Minh thực hiện trong thời gian qua kéo theo nguy cơ ô nhiễm “tấn công” ngoại thành và đây thật sự là vấn đề nan giải.

Các cơ sở sản xuất, chăn nuôi ngoại thành là một trong những tác nhân gây ô nhiễm.


Thời gian qua, nhiều hộ dân phường Phú Hữu, Quận 9 liên tục phản ứng khi nghe thông tin Trạm nghiền Thủ Đức của Công ty CP Xi măng Hà Tiên 1 sẽ di dời về đây. Với sự phản ứng quyết liệt trên của người dân, UBND TP Hồ Chí Minh đã phải bác phương án di dời này, đồng thời yêu cầu Công ty CP Xi măng Hà Tiên 1 tìm địa điểm di dời mới cho phù hợp và phải hoàn thành việc di dời cuối năm 2015. Tuy nhiên, đến thời điểm này, Trạm nghiền Thủ Đức vẫn "án binh bất động", chưa biết sẽ về đâu.

Đây chỉ là một ví dụ điển hình, cho thấy bài toán giảm ô nhiễm môi trường (ÔNMT) tại TP Hồ Chí Minh hiện nay khá nan giải đối với cơ quan chức năng. Mới đây, tại cuộc họp đánh giá về kết quả thực hiện chương trình mục tiêu giảm thiểu ÔNMT giai đoạn 2011-2015 và kế hoạch triển khai chương trình này giai đoạn 2016-2020, trong số 6 chỉ tiêu giảm ÔNMT cần đạt thì chỉ có 2 chỉ tiêu là tuyên truyền tới 100% cộng đồng về thông tin môi trường và 15/15 khu chế xuất, khu công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt được. Chỉ tiêu về quản lý chất thải rắn, kiểm soát ô nhiễm chất lượng nguồn nước kênh rạch nội, ngoại thành chỉ đạt 50%. Còn lại các chỉ tiêu khác đều "phá sản".

Theo Sở Tài nguyên - Môi trường TP Hồ Chí Minh, sở dĩ nhiều chỉ tiêu giảm ÔNMT không đạt là do tốc độ đô thị hóa nhanh, cùng với đó là sự bùng nổ của các hoạt động sản xuất quy mô nhỏ, hộ gia đình ra đời. Thực tế thống kê cho thấy, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất bị phát hiện và liệt vào danh sách gây ô nhiễm mới phát sinh trong thời gian qua phần lớn có quy mô nhỏ và rất nhỏ.

Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất này thường chọn những khu vực ngoại thành, dân cư còn thưa thớt để xây dựng nhà máy và đa số không có điều kiện để đầu tư hệ thống xử lý chất thải, nước thải. Trong khi đó, việc cấp phép đầu tư cho các cơ sở này chưa được kiểm soát chặt chẽ. Khảo sát cho thấy, những quận, huyện như Quận 12, Bình Tân, Bình Chánh, Hóc Môn... hiện là những điểm nóng phát sinh hoạt động sản xuất gây ÔNMT. Tại khu vực này còn tồn tại rất nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đang hoạt động thuộc những ngành nghề "nhạy cảm" với môi trường như dệt, nhuộm, tái chế ni lông, tái chế nhựa, bao bì…

Bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường TP Hồ Chí Minh cho biết, Sở đã thành lập nhiều đoàn thanh kiểm tra môi trường các cơ sở sản xuất, tuy nhiên, cũng chỉ dừng lại ở việc xử phạt vi phạm hành chính nên chưa đủ sức răn đe khiến việc tái phạm diễn ra thường xuyên, khó ngăn chặn triệt để.

Về mục tiêu giảm ÔNMT trong 5 năm tới (2016 - 2020), ông Trần Nguyên Hiền, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên - Môi trường TP Hồ Chí Minh) cho biết, thành phố sẽ tập trung đẩy mạnh các giải pháp nhằm đạt được chỉ tiêu 100% nước thải công nghiệp và nước thải y tế, 55% tổng lượng nước thải sinh hoạt đô thị và 90% nguồn khí thải công nghiệp được xử lý đạt quy chuẩn môi trường; giảm 90% mức độ ô nhiễm nguồn nước mặt và 70% mức độ ô nhiễm không khí do hoạt động giao thông gây ra.

Đối với chỉ tiêu đã đạt được, thành phố tiếp tục kiểm tra, giám sát nhằm duy trì 100% khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung và hệ thống quan trắc nước thải tự động. Thành phố cũng yêu cầu những nơi này phải có đường truyền dữ liệu về cơ quan quản lý nhà nước để kiểm tra, giám sát. Bên cạnh đó, thành phố cũng đề ra mục tiêu bảo đảm 100% tổng lượng chất thải rắn thông thường ở đô thị, chất thải nguy hại, chất thải rắn y tế được lưu giữ, thu gom, vận chuyển, xử lý, tái chế và tái sử dụng đạt quy chuẩn môi trường.

Để đạt được các mục tiêu trên, UBND TP Hồ Chí Minh vừa yêu cầu các sở, ban, ngành liên quan tăng cường các đoàn kiểm tra đột xuất, nếu phát hiện phải xử lý mạnh tay. Không dừng lại ở đó, thành phố cũng đã chỉ đạo các đơn vị chức năng có hướng xử lý triệt để những doanh nghiệp, cơ sở sản xuất gây ô nhiễm nghiêm trọng, thường xuyên tái phạm như buộc phải di dời hoặc ngưng hoạt động, không loại trừ khả năng chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để xử lý hình sự. 

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Ô nhiễm "tấn công" ngoại thành

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.