(HNM) - Giao thông là một trong những nguồn gây ô nhiễm không khí nghiêm trọng ở các đô thị hiện nay. Đặc biệt ô nhiễm do các phương tiện tham gia giao thông gây ra tác động trực tiếp lên người đi đường, mang đến những hậu quả không nhỏ cho sức khỏe.
Trong khi đó, với mật độ phương tiện giao thông lớn nhưng chất lượng các loại phương tiện kém, cộng với hệ thống đường giao thông chưa tốt làm thải lượng ô nhiễm không khí từ giao thông đang có xu hướng gia tăng.
Xe cũ không đạt chất lượng gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tại TP Hồ Chí Minh. |
Khói, bụi trùm đô thị
TP Hồ Chí Minh nói riêng và các đô thị lớn nói chung đều tập trung rất nhiều phương tiện lưu thông cá nhân mà mô tô, xe gắn máy là chủ lực. Theo số liệu thống kê từ Sở GTVT, toàn TP hiện có khoảng 4,5 triệu xe gắn máy và hơn 400 ngàn xe ô tô. Bên cạnh đó là hàng vạn xe từ các tỉnh lưu thông vào TP hằng ngày. Số lượng xe gắn máy sẽ còn tiếp tục tăng lên để đáp ứng nhu cầu đi lại, nhưng đường sá thì không phát triển theo kịp nên xảy ra ùn tắc triền miên càng làm gia tăng ô nhiễm. Mặt khác, hiện có số lượng xe cũ, xe đã sử dụng nhiều năm không đạt tiêu chuẩn môi trường chiếm tỷ lệ lớn. Ông Chu Mạnh Hùng, Vụ trưởng Vụ Môi trường (Bộ GTVT) cho biết, ước tính có khoảng 50-60% mô tô, xe gắn máy không đạt tiêu chuẩn khí thải, là nguồn gây ô nhiễm không khí chính ở các đô thị lớn.
Theo Vụ Môi trường, kết quả phân tích ở nhiều báo cáo đánh giá tác động môi trường cho thấy, hiện hầu hết các đô thị lớn của Việt Nam đều bị ô nhiễm bụi, nhiều nơi bị ô nhiễm trầm trọng, ở mức báo động. Tại các TP lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ… bụi trong không khí trung bình gấp từ 200 tới 300% lần tiêu chuẩn cho phép. Thống kê của Bộ GTVT năm 2010 cũng cho thấy, ô nhiễm không khí ở đô thị do các hoạt động giao thông vận tải chiếm tỷ lệ khoảng 70%.
Vụ trưởng Vụ Môi trường nhận định, suy thoái chất lượng môi trường không khí là nguy cơ dễ nhận thấy trong thời gian ngắn sắp tới, đặc biệt là ở các đô thị, dọc các tuyến giao thông quan trọng và trong các cảng biển lớn. Tỷ lệ phương tiện giao thông cá nhân quá cao khiến thực trạng giao thông ở các đô thị ngày càng xấu, biểu hiện qua sự gia tăng ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường và tai nạn. "Sự phát triển của GTVT dẫn đến ô nhiễm không khí, tiếng ồn, gia tăng lượng nhiên liệu cũng như diện tích đất sử dụng… Điều này đặt ra sự cần thiết phải có những điều chỉnh tạo ra định hướng mới cho ngành GTVT để đạt sự phát triển bền vững", ông Hùng nói.
Trên 750 tỷ đồng kiểm soát ô nhiễm
Một đề án kiểm soát ô nhiễm trong hoạt động GTVT vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với tổng kinh phí chỉ trong giai đoạn 2011-2015 đã lên đến 752 tỷ đồng. Theo ông Hùng, chiến lược kiểm soát ô nhiễm trong giao thông vừa được duyệt xác định nêu rõ mục tiêu kiểm soát, hạn chế gia tăng ô nhiễm, thực hiện hoàn nguyên môi trường trong hoạt động giao thông và hướng tới xây dựng hệ thống giao thông vận tải thân thiện môi trường. Chiến lược xác định phải thực hiện nghiêm túc về lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải các loại phương tiện giao thông nhằm hạn chế ô nhiễm không khí; đầu tư trang thiết bị thu gom, xử lý chất thải từ hoạt động giao thông vận tải gây ra. Cụ thể đến năm 2015 ít nhất có 25% số toa xe khách đường sắt đóng mới, 80% bến xe khách loại 1 có thiết bị thu gom, xử lý rác thải, nước thải sinh hoạt; 30% cảng biển quốc tế có phương tiện thu gom, xử lý rác thải, dầu thải từ tàu biển... Trước mắt sẽ áp dụng một loạt các giải pháp về kỹ thuật, khoa học công nghệ để giảm thiểu ô nhiễm như nghiên cứu, xây dựng lộ trình nâng tiêu chuẩn khí thải đối với xe ô tô lên các mức Euro 3, 4, 5; kiểm tra khí thải lần đầu, định kỳ đối với các loại mô tô, xe gắn máy… Rõ ràng, đề án đặt ra nhiều nhiệm vụ nhưng đòi hỏi một nguồn kinh phí khá lớn. Vấn đề nan giải là tìm kiếm nguồn vốn từ các nguồn ngân sách, nguồn tài trợ quốc tế, nguồn xã hội hóa và áp dụng triệt để nguyên tắc, cơ sở, cá nhân gây ô nhiễm phải chịu chi phí kiểm soát, bảo vệ môi trường để bảo đảm giảm tối đa tình trạng ô nhiễm môi trường từ hoạt động giao thông vận tải gây ra.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.