Gần 7.000 hộ dân phải di dời; 23.500 căn nhà ngập chìm trong lũ *Lũ vẫn ở mức cao, đề phòng lũ quét, sạt lở đất *Lũ tại ĐBSCL đã làm 46 người chết
Mưa lũ làm hàng chục nghìn người dân đang phải sống trong cảnh màn trời chiếu đất, nhiều vùng rơi vào cảnh cô lập, giao thông đình trệ. Cơ quan khí tượng tiếp tục cảnh báo các địa phương lũ vẫn lên, nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất rất cao.
Người dân ở các xã vùng trũng huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị phải đi lại bằng thuyền, bè trong những ngày mưa lũ. Ảnh: Quốc Việt - TTXVN
Theo tổng hợp nhanh từ các địa phương, đến tối qua (17-10), mưa lũ đã làm 7 người chết (Quảng Bình 3 người, Quảng Trị 3, Phú Yên 1) và 4 người bị thương; 23.500 ngôi nhà ở Hà Tĩnh, Quảng Trị, Quảng Bình, Thừa Thiên - Huế bị ngập chìm trong lũ, hàng nghìn học sinh phải nghỉ học; gần 7.000 hộ dân phải di dời. Trên quốc lộ 1A, đường Hồ Chí Minh và nhiều tuyến tỉnh lộ chạy qua các tỉnh này bị ngập cục bộ, có nơi sâu hơn 1m, gây ách tắc giao thông. Trong ngày 17-10, các lực lượng cứu hộ đã tập trung lực lượng tổ chức khắc phục thông tuyến ngay nơi nước rút. Trên tuyến đường sắt Bắc-Nam qua tỉnh Quảng Trị, do mưa lũ làm ngập lụt hai đoạn đường sắt Đông Hà vào thị xã Quảng Trị và đoạn Mỹ Chánh - Phò Trạch nên 5 đoàn tàu với gần 2.000 hành khách đang mắc kẹt tại các ga ở Quảng Trị.
Tại tỉnh Quảng Bình, đến chiều 17-10, hơn 6.100 nhà dân còn bị ngập sâu, nặng nhất là các huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh, Quảng Trạch. Tỉnh này đã phải sơ tán hơn 1.300 hộ dân. Tại Quảng Nam, Quảng Ngãi, hơn 1.000 học sinh ở các huyện vùng cao phải nghỉ học. Còn ở Quảng Trị, 5.000 hộ dân đã phải sơ tán. Tại Hà Tĩnh, mực nước sông Ngàn Sâu chảy qua địa phận huyện Hương Khê dâng cao gây ngập lụt cục bộ ở các xã Phương Điền, Hương Đô, Hòa Hải… Đặc biệt, tại xã Phương Mỹ (nơi được coi là rốn lũ của Hà Tĩnh) lũ đã lên mức trên báo động 2, gần tương đương với đỉnh lũ lịch sử năm 2010, làm cô lập hoàn toàn gần 640 hộ dân với hơn 3.000 nhân khẩu với bên ngoài. Tại Thừa Thiên- Huế đã tổ chức di dời trên 500 hộ dân với hơn 1.000 người. Mưa lớn đã gây ngập úng cục bộ tại các phường thuộc nội thành TP Huế như Lê Hồng Phong, Đống Đa, Bến Nghé, Hùng Vương... có nơi nước dâng cao lên đến 1m. Nhiều xã của huyện Quảng Điền, Phong Điền đến chiều 17-10 vẫn bị cô lập do nước lũ chia cắt các tuyến đường giao thông.
Đến tối qua (17-10), cơ quan khí tượng nhận định, nước ở thượng nguồn các con sông vẫn đổ về, trong khi triều cường dâng cao, mưa vẫn chưa chấm dứt, lũ lụt vẫn diễn biến nghiêm trọng. Theo cơ quan KTTV trung ương, đến tối 17-10, lũ trên các sông ở Quảng Bình đến Thừa Thiên- Huế đã đạt đỉnh và đang xuống chậm nhưng vẫn ở mức cao. Tuy nhiên, lũ trên các sông ở Quảng Nam, Quảng Ngãi tiếp tục lên nhanh, phổ biến ở mức báo động 2 đến báo động 3, có nơi vượt báo động 3. Các tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi cần đề phòng sạt lở đất ở vùng núi, ngập úng ở vùng trũng và đồng bằng.
Lũ ở mức báo động 3 tại ĐBSCL còn kéo dài đến đầu tháng 11 Mưa lũ tại ĐBSCL tiếp tục gây thiệt hại lớn, đã có 46 người thiệt mạng; hơn 80 nghìn căn nhà ngập chìm trong nước; hơn 21 nghìn héc ta lúa bị ngập úng, hư hỏng... Theo cơ quan khí tượng, đến cuối tháng 10, sẽ xuất hiện một đợt triều cường cao hơn đợt triều cường cuối tháng 9-2011 nên mực nước đầu nguồn sông Cửu Long và vùng Đồng Tháp Mười, Tứ giác Long Xuyên còn duy trì trên mức báo động 3 đến đầu tháng 11. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.