Từ đầu năm 2006 đến nay, NXB Kim Đồng liên tục cho ra mắt bạn đọc 3 bộ truyện tranh dành cho lứa tuổi thiếu nhi là: “Bản tình ca mùa đông”, “Tình yêu học trò”, và “Shin - cậu bé bút chì”. Trái với điều mong đợi của NXB, bộ truyện tranh này đã gây phản ứng rất mạnh trong dư luận, đặc biệt là các bậc phụ huynh có con em ở độ tuổi thiếu niên.
Nhiều ý kiến cho rằng, hình ảnh minh họa trong “Shin - cậu bé bút chì” thiếu tính thẩm mỹ, nhiều chi tiết gợi dục không phù hợp với thuần phong mỹ tục và văn hóa đọc của người Việt Nam... Để làm rõ những thắc mắc trên, PV báo Hànộimới đã có buổi trao đổi với ông Phạm Quang Vinh, Giám đốc NXB Kim Đồng.
- Xin ông cho biết, từ ý tưởng nào NXB Kim Đồng cho ấn hành tập truyện tranh nêu trên ?
- Trong định hướng xuất bản sách phục vụ bạn đọc những năm gần đây, chúng tôi chú trọng đầu tư vào một số ấn phẩm có tính chất giáo dục về tìm hiểu tâm lý giới tính. Có 2 lý do để NXB Kim Đồng lựa chọn, ấn hành những bộ truyện tranh này. Một là, số đầu sách phục vụ nhu cầu đọc của thiếu nhi trong nước còn rất thấp. Hai là, theo số liệu thống kê của ủy ban Dân số gia đình và trẻ em Việt Nam thì trung bình mỗi năm ở nước ta có khoảng 300 nghìn ca nạo phá thai, trong đó có tới 30% phụ nữ chưa lập gia đình, ở lứa tuổi vị thành niên do không được trang bị những kiến thức tối thiểu về giáo dục giới tính. Xuất phát từ thực tế đó, NXB Kim Đồng hướng vào khai thác bản thảo truyện tranh của nước ngoài, mang nội dung tìm hiểu, giáo dục kỹ năng sống, đặc biệt là giáo dục giới tính lứa tuổi học đường.
- Chưa biết hiệu quả của 3 bộ truyện tranh kia đến đâu nhưng nhiều bậc cha mẹ đã thực sự sốc khi xem các hình minh họa trong những cuốn sách đó, ông lý giải thế nào về điều này ?
- Thực ra “người đi tiên phong” bao giờ cũng hay bị “vấp” trước những phản ứng của dư luận, có thể phản ứng đó là tốt hay xấu. Trước kia, khi NXB Kim Đồng khai thác bản thảo truyện tranh Đô-rê-mon, Bảy viên ngọc rồng hay một số truyện kinh dị cũng đã từng bị dư luận phê phán. Thế nhưng, sau một thời gian làm quen, những cuốn truyện đó đã thực sự đứng vững trong lòng bạn đọc, đặc biệt là lứa tuổi thanh thiếu niên. Trong quá trình lựa chọn bản thảo, chúng tôi xác định sách giáo dục giới tính là vấn đề nhạy cảm, không dễ để giới thiệu tuyên truyền. ở một số nước như Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Trung Quốc... ba cuốn truyện tranh này được đánh giá rất cao, thu hút một số lượng lớn độc giả. Như mọi người đều biết, đã là sách giáo dục giới tính thì không thể tránh hết được những hình ảnh “mang tính chất của người lớn”. Tôi nêu ví dụ trong truyện Shin - cậu bé bút chì chẳng hạn. Đây là cậu bé mới 5 tuổi nhưng rất hiếu động, tò mò, ưa khám phá. Có nhiều câu hỏi cậu đặt ra rất ngây ngô khiến người lớn đôi khi phải đỏ mặt như: “Con trai, con gái khác nhau thế nào hả mẹ ?”. Có thể nói, phần đông các bậc cha mẹ thường né tránh trả lời những câu hỏi đó, thậm chí là nói dối con trẻ, dẫn tới việc trẻ hiểu sai và gây ra hàng loạt rắc rối sau này. Thực chất, bức thông điệp mà tác giả của cuốn truyện tranh gửi gắm tới các bậc cha mẹ là nên nhìn thẳng vào sự thật, chấp nhận sự phát triển tâm sinh lý của con em mình, giúp các em có được kiến thức đúng đắn ngay từ lúc nhỏ.
- Ông cũng biết nền văn hóa của mỗi nước khác nhau, vậy tại sao trước khi ấn hành NXB Kim Đồng không chỉnh sửa một số chi tiết trong tập truyện để phù hợp với thuần phong, mỹ tục và văn hóa đọc của người Việt Nam ?
- Trong quá trình biên tập, xử lý kỹ thuật, chúng tôi đã cố gắng chỉnh sửa một số lời thoại và tranh vẽ trong các tập truyện để phù hợp văn hóa đọc của người Việt, nhưng cũng không thể cắt gọt tùy tiện được. Sở dĩ như vậy vì đây là bộ sách của NXB Futabasha (Nhật Bản) chuyển nhượng bản quyền cho NXB Kim Đồng. Muốn chỉnh sửa nội dung, hình ảnh, cốt truyện, chúng tôi phải thương thảo với phía đối tác để lược đi một số chi tiết không phù hợp, nhưng vẫn phải giữ nguyên bản tác phẩm. Đó là lý do vì sao trên các cuốn truyện vẫn còn một số hình ảnh mà nhiều người cho là phản cảm, thiếu thẩm mỹ.
- Xin ông cho biết quan điểm và hướng xử lý đối với những bộ truyện tranh này ?
- Ngay sau khi có những phản hồi từ phía bạn đọc, NXB Kim Đồng đã họp và nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm trong khâu dịch thuật, biên tập và xử lý kỹ thuật. Chúng tôi cũng đã có văn bản báo cáo Cục Xuất bản, Thanh tra Bộ VHTT, cơ quan An ninh văn hóa... về một số vấn đề liên quan tới các tập truyện trên. Mặc dù chưa có ý kiến chính thức từ phía các cơ quan quản lý nhưng với những góp ý nghiêm khắc của độc giả, NXB Kim Đồng quyết định tạm dừng ấn hành các tập tiếp theo của cuốn truyện tranh Shin - cậu bé bút chì. Vì là sách giáo dục giới tính có nhiều vấn đề nhạy cảm, khá mới mẻ nên trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tổ chức hội thảo, thăm dò dư luận, lấy ý kiến của các nhà tâm lý, đồng thời tiến hành thương thảo với phía đối tác để có thể lược bỏ một số chi tiết không phù hợp, hoàn chỉnh bộ sách trước khi tái ngộ bạn đọc.
- Xin cảm ơn ông.
Bài, ảnh: Tống Ngọc Thanh
Ông Lý Bá Toàn, Phó Cục trưởng Cục Xuất bản (Bộ VHTT): Nhà xuất bản Kim Đồng cần có định hướng cho bạn đọc... Ngay sau khi Cục Xuất bản nhận được thông tin trên cuốn truyện tranh Shin - cậu bé bút chì có một số hình ảnh và lời thoại chưa thực sự phù hợp với lứa tuổi thiếu nhi, chúng tôi đã cử một tổ công tác xuống làm việc trực tiếp với lãnh đạo NXB Kim Đồng. Về cơ bản, những bộ truyện tranh này có nội dung tốt cả về giáo dục lẫn giải trí. Tuy nhiên, tại một số trang truyện có hình ảnh và lời thoại chưa phù hợp với thuần phong, mỹ tục và văn hóa đọc của người Việt Nam. Đã là sách giáo dục giới tính, NXB Kim Đồng nên in lời giới thiệu để định hướng cho bạn đọc, chẳng hạn như đối tượng phục vụ là ai, lứa tuổi bao nhiêu thì phù hợp... vì thiếu định hướng nên dễ gây phản ứng từ phía dư luận. Tôi cho rằng đây là điều đáng tiếc khi NXB Kim Đồng ấn hành bộ sách này. Cục Xuất bản đồng ý với đề nghị của NXB Kim Đồng về việc tạm dừng xuất bản bộ truyện tranh Shin- cậu bé bút chì từ tập 6 để tiếp tục thương thảo với phía đối tác, chấn chỉnh lại khâu biên tập cho phù hợp với lứa tuổi và văn hóa Việt Nam.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.