(HNM) - “Chúng tôi là những người dân hằng ngày phải đi làm qua Ngõ 1 Yên Xá (xã Tân Triều, huyện Thanh Trì) ra đường Chiến Thắng (phường Văn Quán, quận Hà Đông). Con đường nhỏ hẹp nhưng lưu lượng người và phương tiện rất đông.
Lòng đường nhỏ hẹp, lưu lượng phương tiện qua lại lớn là nguyên nhân gây ùn tắc trên tuyến đường. |
Tìm hiểu phóng viên được biết, tuyến đường này nối từ trục đường chính Trần Phú - Nguyễn Trãi (Hà Đông - Thanh Xuân) tới phố Chiến Thắng, chạy qua Khu đô thị Văn Quán (quận Hà Đông) vào làng Yên Xá thuộc xã nghề Tân Triều (huyện Thanh Trì). Đây cũng là tuyến đường đi vào Khu đô thị mới Tổng cục 5 (Bộ Công an), Khu tập thể Phát Tín. Nếu như phố Chiến Thắng lòng đường khá rộng, bảo đảm cho lưu lượng người và phương tiện lưu thông thuận lợi, thì khi chạy qua Khu đô thị Văn Quán, đến chợ đầu mối Văn Quán (đoạn đường này được người dân địa phương gọi là đường Chiến Thắng kéo dài) lòng đường đã bị thu hẹp lại một nửa. Đặc biệt, đoạn nối từ đầu khu nhà ở cán bộ chiến sĩ Tổng cục 5 đến phố Yên Xá (huyện Thanh Trì) kéo dài khoảng 100m trở thành "nút cổ chai", thường xuyên là điểm nóng giao thông khi ùn tắc đường xảy ra như cơm bữa. Ông Trịnh Quang Sáng (Ngõ 1 Yên Xá, xã Tân Triều, Thanh Trì) cho biết: Ngày nào cũng vậy, sáng từ 6h30 đến 7h30; chiều từ 17h30 đến 19h, "nút cổ chai" này ở trong tình trạng kẹt cứng phương tiện. Người tham gia giao thông vô cùng khổ cực, đặc biệt các cháu nhỏ hít phải khói bụi ô nhiễm. Ngoài ra, ở nút thắt cổ chai này, do hai bên đường đều là nhà dân nằm sát mặt đường, một số hộ buôn bán, khách đến dựng xe máy ngay dưới lòng đường; cộng với việc ngay đầu các nút thắt, mặt đường lồi lõm, xuất hiện "ổ trâu" choán đến 1/3 lòng đường, gây ảnh hưởng đến việc đi lại của các phương tiện.
Nỗi khổ cực vì ùn tắc đường diễn ra triền miên chưa được "giải tỏa" thì mới đây (từ đầu tháng 7-2015), khi Trường phổ thông dân lập Lương Thế Vinh chuyển về Dự án khu nhà ở cán bộ chiến sĩ Tổng cục 5 - Bộ Công an (tại làng Yên Xá, xã Tân Triều) bước vào năm học mới, nỗi lo lắng của người dân càng thêm chồng chất khi lượng người và phương tiện qua lại tăng lên đột biến. Nạn tắc đường xảy ra thường xuyên và trầm trọng hơn. Nhiều lần, người dân khu vực phải đứng ra điều tiết giao thông.
Phản ánh với phóng viên, người dân bày tỏ: Đây thực sự là "điểm đen" giao thông. Tuy nhiên phải chăng đây là khu vực giáp ranh giữa hai quận, huyện nên không được quan tâm giải quyết?
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.