Khoa Tiêu hóa Bệnh Viện Nhi Đồng 1 vừa tiếp nhận bé N. H. A. , 4 tuổi, nhập viện vì đau bụng, hậu môn viêm loét, mót rặn nhưng không đi cầu được.
Qua khai thác bệnh sử, các bác sĩ phát hiện bé đã ăn sơ ri 3 ngày liên tiếp trước khi phát bệnh…và nuốt luôn cả hạt.
Các hạt sơ ri kết khối lại, tạo thành một khối cứng ở phần bụng dưới của bệnh nhân. Hậu môn viêm loét, trực tràng lồi ra ngoài do bé cố rặn đi cầu…Khối hạt sơ ri chỉ lấp ló chứ không ra được.
Bé N.H.A. là trường hợp thứ 4 bán tắc ruột do hạt sơ ri mà Khoa Tiêu Hóa BV Nhi Đồng 1 nhận điều trị từ đầu năm đến nay.
Theo Bác sĩ Phạm Trung Dũng, Khoa Tiêu hóa, hạt sơ ri nhỏ chưa gây biến chứng tức thì nên cha mẹ ít quan tâm đề phòng. Đến khi trẻ đau bụng, tiêu ra máu, gia đình phát hiện thì có trẻ đã ăn hơn 1 kg sơ ri cả hạt.
Do cấu tạo nhiều khía và nhám, khối hạt sơ ri kết chặt và dính vào thành ruột của trẻ. Việc lấy khối hạt này ra rất khó khăn, thường làm trẻ đau đớn. Đôi khi hạt đã nảy mầm khi được lấy ra. Có trường hợp các bác sĩ của khoa Tiêu hóa BV Nhi Đồng 1 phải dùng biện pháp gây mê, nội soi để gắp ra.
Ngoài hạt sơri là thủ phạm gây bán tắc ruột, các bậc cha mẹ cần chú ý khi cho trẻ ăn các loại quả có hạt, như: hạt nhãn, hạt mãng cầu… Đây là những loại hạt hay làm trẻ bị sặc đường thở.
Theo VNN
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.