Góc nhìn

Nước: Xin đừng lãng phí!

Bắc Vũ 06/06/2024 - 06:40

Tình trạng cạn kiệt nguồn nước đã không còn chỉ dừng ở mức nguy cơ. Cùng với hiện tượng El Nino, khô hạn, thiếu nước, xâm nhập mặn và ô nhiễm nguồn nước đã xảy ra ở nhiều vùng trong cả nước ta.

Điển hình là gần đây, ở các khu vực miền Trung, Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long, hiện tượng cây trồng khô héo vì thiếu nước thường xuyên xảy ra. Đáng lo hơn là, người dân ở những vùng này phải đối mặt với tình trạng thiếu nước sinh hoạt; ở nhiều vùng, người dân vẫn phải sử dụng nước nhiễm phèn, nhiễm mặn ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe, chất lượng cuộc sống.

Việt Nam là quốc gia nằm ở cuối các lưu vực sông lớn nên luôn đứng trước những thách thức về thiếu hụt nguồn nước. Hiện hơn 2/3 lượng nước trên các hệ thống sông của Việt Nam được hình thành bên ngoài lãnh thổ. Trong khi đó, tài nguyên nước nội địa của nước ta cũng không dồi dào khi nguồn nước ngầm đang suy giảm ở tốc độ rất nhanh. Đáng nói, nước thải sinh hoạt ở hầu hết đô thị, khu dân cư chưa được xử lý đã và đang làm gia tăng ô nhiễm nguồn nước tiếp nhận.

Lo ngại hơn, khi cả nước có 40.200 công trình khai thác sử dụng nước, với hơn 6.750 hồ thủy lợi, tuy nhiên phần lớn công trình được xây dựng từ những năm 1970 đến 1980 hiện đã xuống cấp nghiêm trọng.

Thiếu nước, suy kiệt nguồn nước là điều khó có thể nhìn thấy tận mắt nên ai cũng nghĩ nước là vô hạn, chưa thấy mất mát lớn của nguồn tài nguyên quý giá cho sự sống. Cảnh báo thực trạng này, trong phiên chất vấn về vấn đề an ninh nguồn nước, an toàn hồ đập tại kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV diễn ra ngày 4-6 vừa qua, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan đã chỉ rõ: “Chúng ta cần có “tuyên ngôn” với bà con nông dân rằng, chúng ta không phải là một quốc gia dư thừa nước, do vậy cần có cách tiếp cận ngắn hạn, vừa dài hạn, vừa có chiến lược tổng thể để chuyển đổi trạng thái nông nghiệp, từ tưới tràn, tưới xả sang tưới nhỏ giọt…”.

Nước là mẫu số chung cho sự phát triển trong bối cảnh tác động của biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng, các hoạt động phát triển kinh tế khác. Do vậy, quản lý tài nguyên nước, nhất là nước xuyên biên giới, phải có sự kết nối giữa các quốc gia trong khu vực. Quan trọng nhất là chia sẻ lợi ích sử dụng, phân bổ nguồn nước; giải quyết tình trạng thừa nước, thiếu nước, bảo đảm dòng chảy và bảo vệ hệ sinh thái, đa dạng sinh học.

Cùng với đó, các bộ, ngành, địa phương phải chủ động thích ứng, ứng phó với biến đổi khí hậu bằng cách triển khai hiệu quả Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) và hoàn thành các quy hoạch khu vực sông, điều hòa điều phối nước hợp lý; bảo đảm sử dụng tối ưu nước, dự báo, cảnh báo sớm cho người dân chuyển dịch cơ cấu kinh tế tại các địa phương để phòng, chống hạn hán. Đồng thời, quản lý các hoạt động khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên nước, an ninh nguồn nước, an toàn hồ đập phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; đẩy mạnh lối sống xanh và thân thiện với môi trường, thiên nhiên, phát triển bền vững.

Đặc biệt, cơ quan chức năng cần nghiên cứu, áp dụng các giải pháp để tăng cường khả năng trữ nước ngọt, giảm dần việc khai thác nước dưới đất; nghiên cứu áp dụng giải pháp lưu trữ nước mưa ở khu đô thị, dân cư tập trung nhằm giảm bớt tình trạng ngập úng, đồng thời bổ sung nhân tạo cho nước dưới đất.

Nước sạch là nguồn tài nguyên quý giá nhưng không phải là vô tận. Thiếu nước sẽ đe dọa sự sống của con người và các sinh vật khác. Vì thế, không lãng phí nước là trách nhiệm của mỗi người để bảo vệ nguồn tài nguyên quý giá cho hành tinh xanh của chúng ta.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nước: Xin đừng lãng phí!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.