(HNM) - Theo công bố của Bộ Tài chính Mỹ, ngày hôm nay nợ công của nền kinh tế lớn nhất thế giới này đã đạt mức "kịch trần" là 14.290 tỷ USD mà Quốc hội phê chuẩn. Nếu như giới hạn nợ không được nâng lên, nước Mỹ sẽ lần đầu tiên vỡ nợ và hậu quả thật sự khó lường.
Nếu Mỹ vỡ nợ, thị trường chứng khoán nước này sẽ là một trong những “nạn nhân” bị tác động nhiều nhất. |
Cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008 và chính sách tài chính bị thâm hụt trong nhiều năm đã khiến tổng số nợ công của Mỹ không ngừng tích tụ. Năm 1940, trần nợ công Mỹ chỉ có 43 tỷ USD, nhưng tính đến năm 2011 con số này đã phình to khoảng 300 lần. Hiện trong 1 USD mà Chính phủ Mỹ chi tiêu có đến 42 cent là tiền đi vay. Vì vậy, khi nợ công Mỹ chạm mức nguy hiểm 14.290 tỷ USD mà Quốc hội không thể nâng mức nợ trần, toàn bộ nền kinh tế sẽ gánh chịu tổn thất rất lớn. Việc Mỹ vỡ nợ sẽ châm ngòi cho sự hoảng loạn trong lĩnh vực tài chính như năm 2008 và đẩy nền kinh tế rơi vào suy thoái trở lại trong lúc tỷ lệ thất nghiệp vẫn cao và tình hình thị trường nhà ở còn rất xấu. Thị trường chứng khoán Mỹ sẽ lao dốc, cướp đi xấp xỉ 50% tài sản của các hộ gia đình hay cá nhân tại Mỹ có nắm giữ cổ phiếu. Cuối cùng không chỉ từng người dân Mỹ bị ảnh hưởng mà toàn bộ thị trường trên toàn cầu sẽ bị chao đảo. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Timothy Geithner từng cảnh báo, nếu Mỹ vỡ nợ vì nợ công đụng trần thì sẽ dẫn đến những hậu quả thảm khốc đối với nền kinh tế toàn cầu. Quả thực, lúc đó dễ dàng xảy ra một hiệu ứng domino và một cuộc vỡ nợ lan rộng sẽ là thảm họa của thế giới.
Trên thực tế, kể từ năm 1962 đến nay, Quốc hội Mỹ đã 75 lần điều chỉnh ngưỡng an toàn với nợ công. Tần suất điều chỉnh tăng cao trong những năm từ 2002 và điều này đang trở thành chủ đề tranh cãi gay gắt trong Quốc hội Mỹ. Các nghị sĩ đảng Cộng hòa đã từ chối nâng giới hạn nợ trừ phi Nhà Trắng và đảng Dân chủ đồng ý với các khoản cắt giảm chi tiêu lâu dài trên phạm vi lớn. Đảng Con voi đề nghị cắt giảm chi tiêu hàng nghìn tỷ USD trong ngân sách chứ không chỉ dừng ở hàng tỷ USD và kiên quyết phản đối việc tăng thuế nhằm giúp lập lại bộ máy tài chính của Washington với lập luận rằng điều này sẽ bóp nghẹt quá trình phục hồi kinh tế của Mỹ vốn đã mong manh. Trong khi đó, chính quyền của Tổng thống Barack Obama cho biết họ có thể đồng ý với các khoản cắt giảm, nhưng đồng thời phải tăng thuế để tăng thu ngân sách. Đảng Dân chủ cũng cho rằng nợ liên bang của Mỹ phình to như hiện nay là kết quả của các chương trình cắt giảm thuế ồ ạt mà đảng Cộng hòa đưa ra vào các năm 2001 và 2003, chi phí cho hai cuộc chiến ở Iraq và Afghanistan, cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008 khiến nguồn thu thuế giảm và nhiều người xin trợ giúp từ Chính phủ Mỹ. Cuộc tranh cãi giữa hai đảng chưa có hồi kết trong khi hạn chót cho việc giải quyết vấn nạn nợ nần của nước Mỹ đã cận kề.
Để ngăn chặn nguy cơ vỡ nợ, Nhà Trắng đã tiến hành các bước nhằm bảo đảm nước Mỹ sẽ không lâm vào cảnh vỡ nợ từ nay đến ngày 2-8 tới, kể cả việc "câu giờ" bằng các cuộc thương lượng chính trị về vấn đề giảm nợ nhằm tìm kiếm một thỏa hiệp giữa hai đảng Dân chủ và Cộng hòa. Bộ Tài chính Mỹ sẽ có một số biện pháp để kéo dài thời gian như đình chỉ phát hành trái phiếu chính quyền địa phương và chính quyền bang, khai thác nguồn tiền từ quỹ hưu trí và sử dụng quỹ bình ổn giá. Các biện pháp trên có thể giúp giải tỏa thêm được khoảng 230 tỷ USD, trong khi mức tăng nợ hàng tháng khoảng 125 tỷ USD, tức kéo dài thêm được tối đa khoảng 8 tuần. Như thế, nhiều khả năng phải tới tháng 7 này Tổng thống B.Obama và Quốc hội mới có thể đạt được thỏa thuận nâng giới hạn nợ.
Như vậy, các cuộc đàm phán về nợ là phép thử mới nhất cho sự chung sống giữa đảng Dân chủ của Tổng thống B.Obama và đảng Cộng hòa chiếm đa số tại Hạ viện kể từ sau cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ tháng 11-2010. Không còn nhiều thời gian để đổ lỗi cho nhau, giờ đây các nghị sỹ của hai chính đảng cần dẹp bỏ những bất đồng để vực dậy nền kinh tế đầu tàu thế giới, tránh một cuộc suy thoái toàn cầu trở lại.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.