Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nước Mỹ, 8 năm sau cuộc khủng bố 11-9: Vết thương chưa lành

TUANPHONG| 11/09/2009 06:19

(HNM) - Hôm nay, nước Mỹ kỷ niệm 8 năm cuộc khủng bố gây chấn động toàn cầu vào Trung tâm Thương mại thế giới và Bộ Quốc phòng Mỹ (11/9/2001-11/9/2009). 8 năm đã trôi qua, nhưng những tổn thất to lớn mà nước Mỹ phải hứng chịu trong vụ 11-9 vẫn còn đó. Hơn thế, hai cuộc chiến tại Áp-ga-ni-xtan và I-rắc vẫn là những

(HNM) - Hôm nay, nước Mỹ kỷ niệm 8 năm cuộc khủng bố gây chấn động toàn cầu vào Trung tâm Thương mại thế giới và Bộ Quốc phòng Mỹ (11/9/2001-11/9/2009). 8 năm đã trôi qua, nhưng những tổn thất to lớn mà nước Mỹ phải hứng chịu trong vụ 11-9 vẫn còn đó. Hơn thế, hai cuộc chiến tại Áp-ga-ni-xtan và I-rắc vẫn là những "vũng lầy" hình thành từ sự kiện 11-9 mà Mỹ chưa thể rút chân ra.

Trung tâm thương mại thế giới vẫn đang trong quá trình xây dựng lại.

Sau vụ khủng bố đẫm máu ở Mỹ ngày 11-9-2001, chính quyền G.Bu-sơ và phần lớn người Mỹ lúc bấy giờ đã lên tiếng ủng hộ cuộc tấn công nhằm vào Áp-ga-ni-xtan, để tiêu diệt mạng lưới khủng bố quốc tế Al-Qaeda và chính quyền Ta-li-ban. Cuộc tấn công này mang tên chiến dịch "Tự do bền vững". Tổng thống G. Bu-sơ tuyên bố mục tiêu của cuộc tấn công là "nhằm loại bỏ việc sử dụng Áp-ga-ni-xtan như một căn cứ hoạt động của chủ nghĩa khủng bố và đánh bại khả năng quân sự của chế độ Ta-li-ban - bắt sống hoặc giết chết Ô-xa-ma Bin La-đen". Quân Mỹ và Anh dựa vào liên minh miền Bắc gồm những đội quân thuộc các bộ tộc miền Bắc Áp-ga-ni-xtan chống đối Ta-li-ban, mau lẹ đánh bật được quân Ta-li-ban và tiến hành truy quét các đồn lũy của lực lượng khủng bố Bin La-đen. Năm 2003, chính quyền Bu-sơ tuyên bố "chiến thắng" ở Áp-ga-ni-xtan, điều động phần lớn lực lượng, kể cả lực lượng đặc biệt sang tiến công và bình định I-rắc khiến tình hình ở nước này trở nên ngày càng tồi tệ. Chế độ Ta-li-ban và chế độ của Tổng thống Sa-đam Hút-xen sụp đổ nhanh chóng, nhưng đến nay, cuộc chiến của Mỹ tại hai nước này chưa biết đến bao giờ kết thúc.

Nay đã bước sang năm thứ 9 sau cuộc khủng bố, nhưng Ta-li-ban và Al-Qaeda không hoàn toàn bị triệt tiêu như kế hoạch của Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), ngược lại nó đang là hiểm họa cho chính quyền Ca-bun và đồng minh. Những vụ nổi dậy chống chính quyền và tấn công khủng bố do Ta-li-ban thực hiện ngày càng gia tăng. Lính Mỹ và NATO chết trận tăng liên tục… Vậy mà, trùm khủng bố Bin La-đen không những vẫn ung dung vô sự trước những cuộc truy lùng của Mỹ mà còn luôn đưa ra lời kêu gọi Thánh chiến chống Mỹ và phương Tây. Trong khi đó, tàn quân Ta-li-ban ngày càng phát triển và đang trở thành đối trọng với Mỹ và NATO... Do vậy, Mỹ và NATO phải tính chuyện tăng quân, tăng thiết bị chiến tranh để đối phó với Ta-li-ban và Al-Qaeda.

Ngay sau khi nhậm chức, Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma đã đưa ra chính sách mới của Mỹ với Áp-ga-ni-xtan và Pa-ki-xtan. Theo đó, ngày 8-3, Mỹ tuyên bố rút 12.000 binh sĩ khỏi I-rắc vào tháng 9-2009. Theo chân Mỹ, khoảng 4.000 quân Anh cũng sẽ rút khỏi chiến trường này. Đây là một phần trong kế hoạch của Tổng thống B.Ô-ba-ma rút lính chiến đấu Mỹ khỏi I-rắc vào cuối năm 2010, để chuyển trọng tâm quân sự sang Áp-ga-ni-xtan với quyết định tăng 17.000 lính Mỹ tại chiến trường này.

Hình ảnh gây chấn động thế giới ngày 11-9-2001.

Trong cuốn sách nhan đề "Cuộc chiến 3.000 tỉ USD", nhà kinh tế được Giải thưởng Nô-ben Giô-giép E.Sting-lít của Trường Đại học Cô-lôm-bi-a và đồng tác giả Li-da J.Bi-lơ-mi của Trường Đại học Ha-vớt đã nêu rõ, với đà chi phí leo thang như trong vài năm vừa qua, trong vòng 10 năm nữa, tổng chi phí của Mỹ cho hai cuộc chiến tại I-rắc và Áp-ga-ni-xtan có thể từ 1.700 tỉ USD đến 2.700 tỉ USD. Nếu cộng cả những thiệt hại khác về kinh tế và xã hội, tổng chi phí thậm chí lên tới 5.000 tỉ USD.

Người cứu hộ ở Mỹ vẫn chờ bồi thường

Theo Sở Y tế TP Niu Yoóc, hiện có gần 19.000 người cứu hộ ngày 11-9 (gồm khoảng 50.000 nhân viên cứu hỏa, cảnh sát, công nhân xây dựng, nhân viên y tế, nhân viên vệ sinh và người tình nguyện) đang gặp trục trặc về sức khỏe và cứ 8 người từng tham gia cứu hộ tại Trung tâm Thương mại thế giới thì có 1 người bị chấn thương tâm lý. Theo thống kê của Mỹ công bố ngày 6-9, từ đó đến nay đã có 817 người chết. Trong số đó, 1/3 chết do các chứng bệnh ung thư (dạ dày, ruột kết, gan, cơ quan tiêu hóa, phổi, họng, ung thư máu). Hơn 30 người tự tử, hầu hết do bế tắc về sức khỏe và tài chính.

Bên cạnh những thiệt hại về vật chất có thể đếm được, những tổn thương về mặt tinh thần đối với người dân Mỹ và phương tây nói chung không thể kể hết. Hai cuộc chiến, đặc biệt là cuộc chiến tại I-rắc, đã gây chia rẽ và bất an không chỉ trong xã hội Mỹ mà còn làm rạn nứt cả mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương giữa Mỹ với Đức và Pháp. Đa số người dân Mỹ cho rằng, cuộc chiến I-rắc đang trở thành gánh nặng lớn với người đóng thuế Mỹ, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế lớn nhất thế giới này bị chao đảo và rơi vào thời kỳ suy thoái trầm trọng nhất kể từ sau cuộc Đại suy thoái (1930) tới nay. Trong một cuộc trưng cầu dân ý do kênh truyền hình CNN thực hiện tuần trước, 57% số người được hỏi phản đối cuộc chiến tại Áp-ga-ni-xtan, trong khi 40% cho rằng không thể chiến thắng cuộc chiến này. Trong khi đó, chính phủ các nước phương Tây có binh sĩ tham chiến ở Áp-ga-ni-xtan cũng đang phải đối mặt với làn sóng phản đối gay gắt của dân chúng khi ngày càng có nhiều binh sĩ bỏ mạng mà vẫn chưa thấy dấu hiệu chiến tranh kết thúc.

Rõ ràng sự kiện 11-9 để dẫn đến cuộc chiến ở Áp-ga-ni-xtan cũng như cuộc chiến tại I-rắc đang là thách thức nghiêm trọng trên nhiều phương diện cả quân sự, chính trị, ngoại giao và kinh tế của nước Mỹ. Hơn thế, đây còn là vấn đề mang tính sắc tộc, tôn giáo rất sâu sắc, nếu không được xử lý thấu đáo sẽ khiến vết thương chưa lành lại nảy sinh hàng loạt biến cố khôn lường.

Thùy Dương

Tuyên bố của Tổng thống G.Bu-sơ sau vụ khủng bố

Sau cuộc tấn công khủng bố ngày 11-9-2001, Tổng thống G.Bu-sơ đã phát biểu: “Tự do sáng hôm nay đã bị những kẻ hèn nhát giấu mặt tấn công. Và tự do sẽ được bảo vệ”. Toàn thể Quốc hội Mỹ đứng lên vỗ tay khi Tổng thống Mỹ G.Bu-sơ tuyên bố nước nào không ủng hộ Mỹ thì sẽ là nước thù nghịch ở phía quân khủng bố và Mỹ sẽ trừng trị cả bọn khủng bố lẫn những quốc gia nào chứa chấp chúng.

Nhiệm kỳ của ông Bu-sơ khởi đầu bằng vụ “11-9”, cuộc tấn công đẫm máu nhất trong lịch sử nước Mỹ. Trước khi kết thúc nhiệm kỳ, ông Bu-sơ khẳng định đã bảo vệ sự an toàn của nước Mỹ: “Sẽ có tranh cãi về nhiều quyết định, nhưng không thể có tranh cãi về kết quả, nước Mỹ đã trải qua hơn bảy năm mà không có một vụ tấn công khủng bố nào nữa. Chúng ta đã làm cho thế giới tự do hơn”.

Giới truyền thông quốc tế chỉ trích cuộc chiến chống khủng bố của Mỹ dưới thời G.Bu-sơ

Tờ báo thiên tả Liberation của Pháp ví von: “Chính quyền Bu-sơ đã phung phí thiện chí của thế giới và làm cho thế giới ngày càng nguy hiểm hơn.”

Tờ Financial Times của Anh nhận xét: Cách thức mà chính quyền Bu-sơ dẫm chân lên công pháp quốc tế và Hội nghị Giơ-ne-vơ không những làm mất thanh danh của Mỹ mà còn gây tác hại cho cả những giá trị phương Tây.

Tờ nhật báo Handelsblastt của Đức bình luận cuộc chiến tại I-rắc trên căn bản đã sai lầm khi nhân danh biến cố 11-9 ngay từ lúc bắt đầu.

Cùng một hướng như trên, tờ El Pais của Tây Ban Nha lên tiếng cho rằng, chính quyền Bu-sơ đã sử dụng biến cố 11-9 để bào chữa cho chính sách đối ngoại theo chủ nghĩa tân bảo thủ của mình.

Gay gắt nhất có lẽ là những bài viết từ những quốc gia Ả Rập. Tờ Lebanon’s Daily Star phê bình: Thay vì cô lập và tiêu diệt Al-Qaeda, chính quyền Bu-sơ đã dựng lên một danh sách dài ngoằng của những tên khủng bố.

Tờ Al Ghad của Jordan thì ngắn gọn hơn: Mỹ đã biến thế giới thành chiến trường khi rắp tâm trả thù cho biến cố 11-9.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nước Mỹ, 8 năm sau cuộc khủng bố 11-9: Vết thương chưa lành

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.