Theo dõi Báo Hànộimới trên

Núi Cấm - ''Đà Lạt của miền Tây''

Bài và ảnh: Cao Minh| 09/08/2020 05:41

(HNMCT) - Núi Cấm (hay Thiên Cấm sơn) thuộc xã An Hảo (huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang) là ngọn núi cao nhất của Thất Sơn - dãy núi uy nghi, hùng vĩ nằm giữa Đồng bằng sông Cửu Long. Với độ cao 705m so với mực nước biển, khí hậu quanh năm mát mẻ, núi Cấm được mệnh danh là “Đà Lạt của miền Tây”, hằng năm thu hút đông đảo khách hành hương, chiêm bái và nghỉ dưỡng...

Du khách thăm hồ Thủy Liêm trên núi Cấm.

Bức tranh thủy mặc độc đáo

Với địa thế nhìn ra sông Cửu Long, ngay ngã ba sông Hậu và sông Châu Đốc, núi Cấm cùng dãy Thất Sơn huyền bí tạo nên bức tranh thủy mặc độc đáo “Tiền tam giang, hậu thất lĩnh” cho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Trên núi Cấm có nhiều chùa, điện, hang, động, rừng cây... Điều kiện tự nhiên ấy tạo nên phong cảnh hữu tình, khiến núi Cấm trở thành một khu du lịch khác biệt. Hằng năm, cùng với Lễ hội vía Bà chúa Xứ núi Sam, Khu du lịch núi Cấm đón 1,4 triệu lượt khách đến tham quan, hành hương, nghỉ dưỡng.

Từ Bồ Hong - đỉnh cao nhất của núi Cấm nhìn xuống khu vực chùa Phật Lớn, một khung cảnh nên thơ hiện ra trước mắt du khách. Nơi đây giống như một lòng chảo lớn được bao quanh bởi các chóp núi thuộc Thiên Cấm sơn mà người ta gọi là “vồ”. Thất Sơn có 5 vồ đều nằm ở núi Cấm như vồ Đầu, vồ Bồ Hong, vồ Thiên Tuế... Lòng chảo này là một vùng đất trù phú, có khí hậu tương tự như cao nguyên Đà Lạt (Lâm Đồng), nhiệt độ trung bình khoảng 25oC, độ ẩm 80% nên cây trái quanh năm xanh tốt.

Ở khu vực trung tâm của đỉnh núi Cấm là chùa Phật Lớn uy nghi soi bóng hồ Thủy Liêm rộng 60.000m2 nằm giữa đỉnh núi, cùng pho tượng phật Di Lặc cao 33,6m được Sách kỷ lục Guiness công nhận là “Tượng phật cao nhất trên đỉnh núi ở châu Á”. Trên hồ Thủy Liêm có cây cầu sơn đỏ bắc qua chùa Phật Lớn. Vào những buổi sớm mai, sương bay trắng mặt hồ tạo nên khung cảnh huyền ảo khiến du khách có cảm giác như đi trong cõi tiên bồng. Chùa Phật Lớn được xây dựng năm 1912. Cuối năm 2007, chùa được xây lại trên nền cũ rộng gần 6.000m2, gồm các hạng mục: Chính điện, tả điện, hữu điện, độ đường, hộ tháp, khu phục vụ khách hành hương, sân đường và tháp Thủy tạ.

Soi bóng mặt hồ Thủy Liêm còn có chùa Vạn Linh, xưa gọi là chùa Lá, nằm dưới chân vồ Bồ Hong với tháp Quan Âm Các 9 tầng, cao 35m. Chùa Lá được xây dựng năm 1918 bằng tre lá đơn sơ. Năm 1995, chùa được xây mới trên nền cũ rộng 3.000m2 với lối kiến trúc hiện đại mang tính Á đông. Bà Nguyễn Thị Bảy, du khách đến từ thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ sau chuyến tham quan núi Cấm: “Việc tham quan núi Cấm hiện nay khá dễ dàng nhờ hệ thống cáp treo. Tôi rất thích không khí trong lành, khung cảnh thơ mộng và những ngôi chùa thiêng ở đây. Ngoài ra, tôi còn được thưởng thức các loại trái cây và đặc biệt là món bánh xèo với hàng chục loại rau rừng sạch chỉ khu vực núi Cấm mới có”.

Tạo cú hích để phát triển

Đánh giá cao tiềm năng thu hút khách tại Khu du lịch núi Cấm, Giám đốc Công ty Du lịch Tiên Phong Phùng Xuân Khánh cho rằng: “Núi Cấm có phong cảnh và khí hậu lý tưởng. Tuy nhiên, để thu hút khách nhiều hơn, đặc biệt là khách từ vùng xa như Hà Nội và các tỉnh phía Bắc, An Giang cần đầu tư nhiều hơn cho công tác quảng bá, xúc tiến, hệ thống cơ sở hạ tầng du lịch; chú trọng đến vấn đề vệ sinh môi trường cũng như bảo đảm môi trường du lịch an toàn cho du khách”. Thực tế nhiều năm nay, tại Khu du lịch núi Cấm, tình trạng hàng quán lộn xộn, vệ sinh môi trường chưa bảo đảm hay các hoạt động mê tín dị đoan, chèo kéo du khách vẫn xảy ra.

Để khắc phục những hạn chế này, ông Nguyễn Thành Huân, Chủ tịch UBND huyện Tịnh Biên cho biết, huyện đã xây dựng kế hoạch cụ thể về xử lý rác, nước thải và nhà vệ sinh công cộng trong Khu du lịch núi Cấm. Cùng với đó, huyện cũng yêu cầu các hộ kinh doanh thực hiện niêm yết giá, không chèo kéo du khách.

“Chúng tôi xác định Khu du lịch núi Cấm là khu vực trọng điểm để đầu tư toàn diện, tạo cú hích cho sự phát triển du lịch. Hiện nay, núi Cấm đã được quy hoạch thành 5 khu phục vụ du lịch với diện tích 1.050ha. Cùng với đó, huyện cũng sắp xếp, bố trí lại các hộ dân sinh sống trên núi, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch, hoàn thiện hệ thống giao thông; xây dựng các sản phẩm du lịch phù hợp với từng đối tượng, từng thời điểm nhằm tăng mức chi tiêu và giữ chân du khách lưu trú qua đêm...”, ông Nguyễn Thành Huân chia sẻ. 

Những giải pháp đồng bộ nói trên sẽ là cú hích để Khu du lịch núi Cấm trở thành một trong những điểm đến thu hút khách của tỉnh An Giang và Đồng bằng sông Cửu Long trong tương lai.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Núi Cấm - ''Đà Lạt của miền Tây''

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.