Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nữ văn sĩ Mỹ Lady Borton: “Tôi ấn tượng với vai trò của thi ca...”

Nguyễn Thu Thủy| 24/01/2010 05:14

(HNM) - Nữ nhà văn Mỹ Lady Borton, người đã dành nhiều năm tháng sống cùng bà con nông dân ở các làng quê Việt Nam, đi đi về về và làm việc ở Việt Nam từ năm 1969 với tư cách một nhà báo, nhà văn, dịch giả, nhà nghiên cứu và hoạt động từ thiện.

Hồi ký "Tiếp sau nỗi buồn" là những câu chuyện thực cảm động của bà về số phận những người phụ nữ Việt Nam trong và sau hai cuộc chiến. Bà cùng các dịch giả Việt Nam, Mỹ và Ôtxtrâylia hoàn thành tuyển tập song ngữ Anh - Việt "Thơ nữ Việt Nam từ xưa đến nay". Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với bà về thi ca Việt Nam.

- Thưa nhà văn, là người đã dịch nhiều bài thơ Việt Nam từ cổ điển đến hiện đại ra tiếng Anh, bà có ấn tượng gì nhất đối với thi ca Việt Nam?

- Lịch sử thành văn một nghìn năm của Việt Nam ghi chép những cuộc xâm lăng của Trung Quốc, Mông Cổ, Xiêm, Pháp, Nhật, rồi lại Pháp, Mỹ, Trung Quốc. Chiều dài lịch sử của những cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc của dân tộc Việt Nam còn được khắc họa một cách sắc nét và đầy hình tượng trong các bài thơ của các thi sĩ - anh hùng dân tộc. Tôi ấn tượng với vai trò của thi ca trong cuộc đấu tranh vệ quốc của Việt Nam. Đất nước Việt Nam nổi tiếng với truyền thống lâu đời có nhiều danh tướng là nhà thơ, nhưng ít ai biết rằng phương pháp kết hợp võ với văn bắt đầu từ một phụ nữ. Năm 40 sau Công nguyên, Trưng Trắc bước lên đài tế cờ trước khi ra trận chống Trung Quốc. Trước mặt các tướng lĩnh, bà rút gươm đọc "Lời thề Sông Hát", một khổ thơ lục bát bốn câu: "Một xin rửa sạch giặc thù/Hai xin dựng lại nghiệp xưa họ Hùng/Ba kẻo oan ức lòng chồng/Bốn xin toàn vẹn sở công lênh này.". Bà cũng là tác giả của vần thơ đầy khí thế thượng võ: "Ải bắc quân thù kinh vó ngựa/Giáp vàng khăn trở lạnh đầu voi".

Nữ văn sĩ Lady Borton.

Một nguồn lực lớn của Việt Nam chống kỹ thuật quân sự hiện đại của Mỹ là truyền thống văn hóa kháng chiến toàn dân và các nhà chiến lược kiêm nhà thơ. Một câu thơ của Hồ Chí Minh trong bài Chúc mừng năm mới dương lịch được viết vào năm Người qua đời (1969) - "Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào" - cũng là chiến lược hai bước mà người Việt Nam dùng trong suốt sáu năm sau để kết thúc chiến tranh. Một chiến lược được trích dẫn cả trong chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ là hai câu của bài "Bình Ngô đại cáo" mà nhà chiến lược và nhà thơ Nguyễn Trãi (1380-1442), một trong bốn nhà thơ hàng đầu của Việt Nam, đã viết năm 1428: "Lấy yếu chống mạnh, thường đánh bất ngờ/Lấy ít địch nhiều, hay dùng mai phục". Qua nhiều thế kỷ, các tướng lĩnh Việt Nam hạ lệnh bằng thơ để quân lính ra trận dễ nhớ và truyền miệng từ người này sang người khác. Trong hai cuộc kháng chiến, nhiều bài thơ được phổ nhạc thành các bài hát rất hay, đi vào quần chúng rộng rãi. Khó có thể tính hết được các bài hát, bài thơ đã được các chiến sĩ và dân quân đọc và hát cùng nhau dưới các chiến hào, trên đường hành quân, những người tù cộng sản truyền nhau dưới xà lim. Sức mạnh tinh thần của dân tộc Việt Nam được gửi gắm trong thi ca vừa trữ tình vừa sục sôi ý chí chiến đấu. Ngày 7 tháng 4 năm 1975, ba tuần trước khi kết thúc cuộc chiến tranh Mỹ - Việt, Tướng Võ Nguyên Giáp hạ lệnh cho quân đội đánh trận cuối cùng ở miền Nam và lệnh ấy cũng công bố thành thơ: "Thần tốc, thần tốc hơn nữa,/Táo bạo, táo bạo hơn nữa,/Tranh thủ từng giờ từng phút/Xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam.". Thật đáng thán phục!

- Đúng là ở Việt Nam, thi ca đóng một vai trò quan trọng trong công cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc và thời bình xây dựng đất nước. Bà có cảm nhận và cảnh báo gì về việc giữ gìn và phát huy vai trò này của thi ca hiện nay?

- Văn hóa truyền thống mà người Việt Nam tìm cách bảo vệ từ thời cổ xưa là một nền văn hóa giàu tính văn học nghệ thuật, và là nền văn hóa trong đó các nhà thơ đại diện cho một nghề được dân tộc quý trọng nhất. Việt Nam là mảnh đất của thơ ca. Người dân thường làm thơ tặng bạn vào những dịp đặc biệt. Trong khi trò chuyện, họ thường trích dẫn những câu ca dao và thơ ca đã thành văn. Các nhà thơ trẻ Việt Nam ngày nay tiếp tục truyền thống đàm thoại cổ xưa trong thơ ca bằng cách viết cả những câu thơ ứng tác trên điện thoại di động. Những người nước ngoài ngạc nhiên khi mời các nhà thơ Việt Nam trình bày tác phẩm ở những buổi ngâm thơ. Người Việt Nam bước lên với tay không. Không có văn bản, vậy mà những nhà thơ này vừa ngâm thơ vừa giới thiệu cả một di sản từ mấy nghìn năm, giọng nói của họ làm cho chất nhạc tự nhiên của ngôn ngữ Việt Nam càng thêm phong phú. Tuy nhiên, hiện nay trong nền kinh tế thị trường khi đại đa số người dân, nhất là lớp trẻ bị cuốn hút vào những công việc có hiệu quả kinh tế, nhiều khi coi sự giàu có cho bản thân là mục đích chủ yếu của đời sống. Chính điều này sẽ làm mất đi dần tính thi vị và truyền thống yêu thơ vốn rất mạnh trong quá khứ và thời kháng chiến.

- Xin cảm ơn bà về cuộc trò chuyện!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nữ văn sĩ Mỹ Lady Borton: “Tôi ấn tượng với vai trò của thi ca...”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.