(HNM) - Gặp Bích Ngọc lần đầu tiên, có lẽ ai cũng nghĩ chị là nghệ sĩ bởi khuôn mặt xinh đẹp, giọng nói dịu dàng và gu ăn mặc hợp thời trang. Nhưng, thật bất ngờ, chị là một nhà nghiên cứu khoa học và là nữ tiến sĩ đầu tiên của dân tộc Xơ đăng.
Rơ Đăm Thị Bích Ngọc là gương mặt trẻ tiêu biểu dân tộc thiểu số dự Đại hội tài năng trẻ Việt Nam lần thứ hai, tháng 12-2015. |
Cô gái giàu nghị lực
Bích Ngọc tên đầy đủ là Rơ Đăm Thị Bích Ngọc. Sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng, bố là người Xơ đăng, mẹ là người Kinh, ngay từ nhỏ, Bích Ngọc đã được bố mẹ định hướng phải học tập và rèn luyện thật tốt. Khi lên 10, Bích Ngọc đã vào học Trường Dân tộc nội trú huyện Đắc Tô và sau đó là Trường Dân tộc nội trú tỉnh Kon Tum. Ngày mới vào trường, Bích Ngọc gặp rất nhiều khó khăn do chưa hòa nhập được với lối sống tập thể cũng như những quy định ngặt nghèo ở trường. Bích Ngọc kể: "Xa gia đình, em phải tự lập trong hầu hết mọi việc.
Nhưng khó khăn nhất là chỉ khi nào nhà trường cho phép thì mới được về nhà thăm bố mẹ. Mà những lần trường cho phép thì vô cùng ít ỏi...". Những ngày đầu, Bích Ngọc đã định trốn về nhà nhiều lần nhưng rồi được bố mẹ, thầy cô giáo động viên, em đã gạt đi nỗi nhớ gia đình và học tập nghiêm túc. Những ngày đi học, được các cô đầu bếp ở trường nấu cho ăn, nhưng đến ngày cuối tuần, đến phiên lớp nào trực thì phải nấu ăn cho cả trường. Tuy vất vả nhưng chính công việc này đã mang lại nhiều niềm vui và giúp em cứng cỏi, tự lập hơn trong cuộc sống sau này.
Một bước ngoặt lớn trong quá trình học tập của Ngọc là khi nhập học Đại học Văn hóa Hà Nội. Khi đó, Bích Ngọc thực sự sốc. "Mọi thứ đều lạ lẫm vì Hà Nội khác hẳn với Tây Nguyên, từ thời tiết đến sinh hoạt, ăn uống. Chúng em nhịn miết, có khi nhịn một tuần liền vì không quen khẩu vị. Rồi việc giao tiếp cũng khó khăn bởi chưa quen giọng nói. Em như sống trong một môi trường hoàn toàn biệt lập", Ngọc nhớ lại. Việc tiếp thu kiến thức đối với Ngọc cũng không dễ dàng vì các thầy cô dạy tiếng Bắc, nếu nói nhanh quá thì Ngọc không hiểu. Ngọc cũng tiết lộ, lần đầu tiên thi môn tiếng Việt, thậm chí còn bị trượt.
Ngoài nỗi nhớ nhà, Ngọc còn ôm trong lòng nỗi tủi thân không nhỏ, bởi hầu hết sinh viên được bố mẹ đưa đến trường đại học để thi, rồi thi thoảng được người thân tới thăm, gửi quà cáp nhưng Ngọc thì không. "Ngày nhập học, em tự đi xe từ Tây Nguyên ra Hà Nội, tự tìm tới trường, rồi vào ký túc xá. Có lần, thấy bạn bè được bố mẹ mang cho vài cân khoai, em khóc òa, khóc không nín được vì nhớ nhà và tủi thân".
Điều kiện kinh tế gia đình có hạn, mỗi tháng bố mẹ chỉ gửi cho 200-300 nghìn đồng. Vào những năm đầu thập niên 2000, Ngọc phải tiết kiệm và tính toán rất kỹ lưỡng mới đủ mua phiếu ăn ở căng tin của trường. Khó khăn cả về vật chất lẫn tinh thần, nhưng với nghị lực của mình, Ngọc đã vượt qua tất cả để hoàn thành tốt chương trình học.
Nỗi niềm nhà rông
Khi được hỏi, tại sao lại lấy nhà rông làm đối tượng nghiên cứu và làm luận án tiến sĩ, Bích Ngọc cho biết, Tây Nguyên có nhiều điều thú vị nhưng yêu quý và trăn trở nhất với nhà rông, linh hồn của đồng bào Tây Nguyên bởi đang bị mai một nhiều. Bích Ngọc chia sẻ, khi lớn lên thì nhà rông truyền thống hầu như không còn. Bích Ngọc chỉ biết đến nhà rông và những tập quán sinh hoạt truyền thống của người dân qua lời kể của ông bà, cha mẹ. Điều đó thôi thúc chị tìm hiểu cho bằng được tại sao nhà rông lại khiến họ say mê đến thế.
Theo nghiên cứu của Bích Ngọc, trước đây, nhà rông phổ biến ở vùng đồng bào các dân tộc ở Tây Nguyên, Kon Tum và dọc dãy Trường Sơn, thế nhưng hiện nay chỉ còn lác đác ở tỉnh Bắc Tây Nguyên mà chủ yếu là ở Gia Lai và Kon Tum. Nhà rông có ý nghĩa vô cùng quan trọng, nó đại diện cho uy quyền tâm linh đồng thời thể hiện sự hùng mạnh về vật chất của làng. Làng mà không có nhà rông thì bị coi là làng yếu kém. Nhà rông cũng là nơi người dân gửi gắm khát vọng của mình vào Giàng.
Người Tây Nguyên quan niệm, tại các nhà rông, bao giờ cũng có các Giàng ngự để nghe ngóng, chở che cho dân làng. Mỗi khi có việc, dân làng lại cúng tại nhà rông và các Giàng tại nhà rông có chức năng thông tin tiếp cho Giàng trên trời biết để che chở, phù hộ dân làng. Không chỉ là nơi diễn ra tất cả các hoạt động tâm linh, tín ngưỡng, nhà rông còn là nơi diễn ra các hoạt động sinh hoạt cộng đồng. Nó được thanh niên trong buôn làng chọn làm nơi giao lưu, tập đánh chiêng, đánh trống, ngủ đêm, đan lát... mỗi ngày. Chính vì lẽ đó, nhà rông trở thành nơi kết nối của tất cả các thành viên trong buôn làng.
Thế nhưng, ngày nay, nhà rông truyền thống cũng như những sinh hoạt cộng đồng gắn liền với nó gần như đã mất đi hoàn toàn. Ngay cả khi đi vào vùng sâu, vùng xa là xã Ngọc Yêu, huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum thì nhà rông truyền thống cũng không còn nữa, chỉ còn nhà rông văn hóa mà thôi. Loại nhà này có mái tôn, bê tông hóa, bà con không thích nên chỉ khi có các hoạt động dành cho cơ quan, đoàn thể, ví dụ các ngày sinh hoạt hội phụ nữ hay hội nông dân, bà con mới lên nhà rông. Vì lẽ này, có người còn gọi nhà rông văn hóa là nhà ma, nhà ghẻ tức là nhà bỏ không vì nó thường xuyên bị khóa cửa để đó.
So sánh nhà rông truyền thống ngày xưa với nhà rông văn hóa ngày nay, Bích Ngọc cho biết, ngày xưa nhà rông là nơi tổ chức các lễ cúng Giàng, cúng máng nước, múa hát, đâm trâu..., còn bây giờ ăn mừng nhà rông mới, người ta cầm loa đài lên hát, nhảy disco. "Vừa rồi em dẫn một số bạn bè về thăm, các bạn ngỏ ý muốn vào thăm nhà rông nhưng không được. Ngày xưa, nhà rông lúc nào cũng mở cửa để bà con buôn làng vào sinh hoạt, bây giờ giao cho một người quản lý. Người này đi vắng là khóa cửa nên muốn vào cũng không đơn giản", Bích Ngọc chia sẻ.
Tuy nghiên cứu của Bích Ngọc được đánh giá cao vì đây là công trình khoa học đầu tiên không chỉ nêu lên được một cách đầy đủ thực trạng biến đổi của nhà rông truyền thống mà còn đưa ra nhiều giải pháp hữu hiệu để bảo tồn, phát huy những giá trị tốt đẹp của nó nhưng Bích Ngọc vẫn chưa hết trăn trở. Chị cho biết, trong thời gian tới, chị sẽ tiếp tục nghiên cứu về nó, để những di sản văn hóa giá trị của dân tộc Tây Nguyên được bảo tồn và gìn giữ cho muôn đời sau.
TS Rơ Đăm Thị Bích Ngọc sinh năm 1981 tại xã Ngọc Yêu, huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum. Sau khi tốt nghiệp khoa "Văn hóa Dân tộc thiểu số", Đại học Văn hóa Hà Nội, chị về công tác tại Viện Tâm lý học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam. Lĩnh vực nghiên cứu chính của chị là văn hóa các dân tộc Tây Nguyên, đặc biệt là người Xơ đăng. Ngoài tài năng khoa học, chị còn có năng khiếu về ca hát và chính công việc này đã giúp chị thực hiện ước mơ làm khoa học. Cố nhạc sĩ An Thuyên đã từng rất tiếc khi chị không đi theo con đường nghệ thuật. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.