Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nữ kiện tướng ba lần được gặp Bác

Dương Linh| 16/09/2018 07:39

(HNM) - Khi mới 19 tuổi, bà Vũ Thị Mực đã nhận danh hiệu “Kiện tướng thủy lợi”, nhưng vinh dự lớn nhất trong cuộc đời bà là được gặp Bác Hồ ba lần và được nhận Huy hiệu của Người. Hơn 55 năm trôi qua, nhưng những kỷ niệm ấy vẫn vẹn nguyên trong ký ức của bà Mực như chỉ mới ngày hôm qua…

Bà Vũ Thị Mực chăm sóc vườn cây ăn quả của gia đình.


Dấu ấn không phai

Tiếp khách trong căn nhà cấp 4 nép bóng dưới vườn cây xanh mát, nữ kiện tướng thủy lợi Vũ Thị Mực năm xưa nay đã ở tuổi 74. Mắt đã mờ, mái tóc bạc trắng, vậy mà trong bà vẫn còn vẹn nguyên những ký ức về một thời lao động tập thể vất vả, nhưng rất đỗi tự hào.

Sinh năm 1944, bà Mực là con cả trong một gia đình có truyền thống cách mạng ở xã Phúc Tiến, huyện Phú Xuyên. Ngay từ khi còn trẻ, cô thôn nữ Vũ Thị Mực đã hăng hái tham gia các hoạt động ở địa phương. Sau thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ, miền Bắc được giải phóng hoàn toàn và thực hiện công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, làm nhiệm vụ hậu phương cho miền Nam cả về vật chất và nhân lực. Cũng như nhiều địa phương khác, huyện Phú Xuyên đã thực hiện các phong trào thi đua sôi nổi, rộng khắp.

Lúc đó, thanh niên ai cũng tự nguyện thi đua, động viên nhau lao động, làm thêm giờ, bất kể ngày đêm, phấn đấu vượt năng suất, chỉ tiêu. Đặc biệt, Đội thủy lợi xã do bà Mực làm Đội trưởng luôn dẫn đầu, với năng suất lao động vượt trội so với các đội khác. Riêng nữ thanh niên Vũ Thị Mực miệt mài, hăng say làm việc trên hệ thống thủy lợi, hết đợt này đến đợt khác, quên cả tháng, ngày. "Ngày đó còn trẻ, nhiệt huyết lắm! Tinh thần thanh niên chúng tôi lúc bấy giờ cứ có lời kêu gọi là lại xung phong đi làm ngay, chỉ khi hoàn thành nhiệm vụ mới về" - bà Mực nhớ lại.

Khi được hỏi về những lần vinh dự được gặp Bác Hồ, bà Mực chỉ vào bức ảnh chụp chung với Bác treo ở vị trí trang trọng nhất trong nhà, xúc động nói: “Đây là bức ảnh chụp lần thứ ba tôi được gặp Bác tại xã Nghiêm Xuyên (huyện Thường Tín). Lần đầu tôi gặp Bác trong dịp Bác Hồ về thăm và nói chuyện với nhân dân ở huyện Mỹ Đức. Lần thứ hai tại Đại hội liên hoan anh hùng chiến sĩ thi đua toàn quốc lần thứ III, năm 1962”.

Nói đến đây, bà Mực như trở về cái thời sôi nổi ấy: “Lần thứ ba là lần ghi đậm dấu ấn trong tôi. Hôm đó là chiều mùng 3 Tết, khi đang cùng các thanh niên trong xã khẩn trương làm việc trên cánh đồng, tôi nhận được thông báo ngày mai (tức mùng 4 Tết, ngày 30-1-1963) được đi dự một hội nghị quan trọng với hai kiện tướng thủy lợi khác cùng huyện, tổ chức tại xã Nghiêm Xuyên (huyện Thường Tín). Hôm sau, càng bất ngờ hơn khi chúng tôi được thông báo là hội nghị sẽ được đón Bác Hồ đến thăm và nói chuyện. Mọi người ai nấy đều phấn khởi, riêng tôi, dù đã hai lần được gặp Bác nhưng vẫn hồi hộp vô cùng”.

Dừng lời một chút, bà tiếp mạch ký ức: “Bác Hồ đến, mọi người ai nấy đều ùa ra vây quanh Bác. Khi đó, Bác hỏi lớn: “Cháu nào là Vũ Thị Mực, Vũ Văn Dễ và Vũ Thị Hồng Bậu đứng lên đây cho Bác nói chuyện”. Khi chúng tôi đến gần, Bác ân cần thăm hỏi và khích lệ, biểu dương những thành tích sản xuất của địa phương, nhất là thành tích về chống hạn, phòng lụt: “Bác đã nghe nói về thành tích làm thủy lợi, chống hạn của các cháu. Bác mong, các cháu đây cũng như tất cả bà con chúng ta tích cực hăng say lao động sản xuất, mọi người cần phải tìm mọi cách để đưa bằng được nước vào cứu sống cây trồng, bảo đảm cung cấp lương thực cho bà con và chi viện cho chiến trường miền Nam”. Lúc đó, tôi cũng như hai anh chị trong lòng đều trào dâng cảm xúc, đồng thanh nói: “Vâng ạ!”. Tôi là kiện tướng thủy lợi trẻ tuổi nhất nên càng thấy tự hào và vinh dự hơn bội phần. Vì tôi đứng gần Bác nhất nên Bác còn hỏi thêm: “Cháu làm việc nhiều vậy có mệt không?”. Tôi rụt rè trả lời Bác: “Không ạ. Cháu không mệt đâu ạ!. Với tôi, kỷ niệm về những lần được gặp Bác là niềm hạnh phúc vô bờ bến, sẽ mãi không bao giờ quên"!

Động lực phấn đấu

Sau khi được gặp Bác, bà Mực thấy mình càng phải nỗ lực hơn nữa, học tập, phấn đấu để trở thành đảng viên. Và năm 1964, bà vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Năm 1965, bà Mực vừa tham gia công tác Đoàn, vừa học sư phạm và trở thành giáo viên tiểu học. Tôi luôn ghi nhớ lời Bác nói: “Những người đã biết chữ hãy dạy cho những người chưa biết chữ...” - Lời Bác thật giản dị nhưng thấm thía biết nhường nào, bà Mực nhớ lại.

Khắc ghi lời dạy của Bác, nữ kiện tướng thủy lợi không ngừng cố gắng vươn lên. Với trách nhiệm của người giáo viên đứng trên bục giảng, dìu dắt các thế hệ học trò, bà Mực luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, được phụ huynh và học sinh yêu mến, kính trọng. Với những đóng góp trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ cứu nước, bà Mực đã được tặng thưởng Huy chương Kháng chiến hạng Nhì.

Vừa giỏi việc nước, vừa đảm việc nhà, trong thời gian chồng bà - ông Vũ Trung Hiếu - vì nhiệm vụ công tác ở Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an), thường xuyên vắng nhà dài ngày, một tay bà Mực vun vén, nuôi dạy các con trưởng thành. Mấy năm nay, ông Hiếu bị tai nạn giao thông, đi lại khó khăn, cũng một tay bà Mực chăm lo. “Các con tôi khôn lớn, gia đình ấm êm như ngày hôm nay, tất cả đều nhờ bà ấy. Con cả tôi giờ là bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn, các con khác đều có cuộc sống ổn định” - ông Hiếu cảm động nói về công lao của vợ với gia đình. Đó cũng chính là những điều mà người dân trong xã luôn ngưỡng mộ bà Mực, người đã tạo dựng nên nền nếp gia đình từ chính tấm gương của mình.

Sau 25 năm công tác, bà Mực về nghỉ hưu nhưng vẫn tiếp tục tham gia các phong trào tại địa phương. Bà là nòng cốt trong Chi hội Phụ nữ thôn và cũng là hội viên tích cực của Chi hội Người cao tuổi... Nói về bà Mực, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Phúc Tiến Lê Thị Mai trân trọng: “Trong suốt cuộc đời, bà Mực luôn sống mẫu mực, giản dị và đôn hậu nên được mọi người quý mến, hàng xóm coi bà là tấm gương sáng giữa đời thường”.

Với riêng mình, bà Mực luôn lấy những lời dạy của Bác Hồ làm lẽ sống và vận động con cháu cùng mọi người học tập và làm theo gương Bác. Chiếc Huy hiệu Bác Hồ trao tặng vẫn được nữ kiện tướng thủy lợi Vũ Thị Mực gìn giữ, nâng niu như báu vật. Với bà, đó là kỷ vật thời thanh xuân đầy sôi nổi và ý nghĩa, đồng thời còn nhắc nhở bà tiếp tục phấn đấu, sống có ích hơn nữa, xứng đáng với lời dạy của Người.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nữ kiện tướng ba lần được gặp Bác

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.