(HNMO)- Tuyển tập truyện ngắn “Nụ cười Gioconda” là một tập hợp hoàn hảo những mảng màu đa diện của cuộc sống thành thế giới thu nhỏ đầy chiêm nghiệm.Tập truyện gồm 7 tác phẩm xuất sắc của những nhà văn nổi tiếng nhất thế giới và là những tác phẩm hay nhất của văn học Anh - Mỹ thế kỷ XX.
(HNMO)- Tuyển tập truyện ngắn “Nụ cười Gioconda” là một tập hợp hoàn hảo những mảng màu đa diện của cuộc sống thành thế giới thu nhỏ đầy chiêm nghiệm.Tập truyện gồm 7 tác phẩm xuất sắc của những nhà văn nổi tiếng nhất thế giới. Với sự đồ sộ về nội dung và dung lượng, cùng với bút pháp điêu luyện của các tác giả, những truyện ngắn trong tuyển tập này đều là những tác phẩm hay nhất của văn học Anh - Mỹ thế kỷ XX.
Có cốt truyện là những diễn biến của đời sống thường ngày, ba truyện ngắn “Bức thư” (William Somerset Maugham), “Nụ cười Gioconda” (Aldous Leonard Huxley), “Trở lại Babylon” (F. Scott Fitzgerald) thể hiện những khía cạnh của cuộc sống và xã hội một cách sâu sắc. “Bức thư” là câu chuyện đậm tính chế giễu về một người đàn bà ngoại tình giết chết tình nhân ngay trong nhà mình được trắng án với lý do tự vệ. Sự im lặng của người chồng khi dùng tiền để mua lại bức thư vạch trần tội giết người của ả và sự thản nhiên đến đáng sợ của người đàn bà có bộ mặt giả dối này chính là sự giả dối của cả xã hội.
“Nụ cười Gioconda” cũng mang giọng châm biếm, thể hiện khả năng biết cô đọng, rút rất gọn những vấn đề chỉ có trong cấu trúc của một cuốn tiểu thuyết đồ sộ của nhà văn. Câu chuyện về mối quan hệ giữa một tay địa chủ Henry Hutton luôn tỏ ra hào nhoáng, sống giả dối và đùa giỡn trong chuyện tình cảm với 3 người phụ nữ: Emily - người vợ ốm yếu của anh ta, Janet Spence - một trinh nữ ba mươi sáu tuổi, có những nét quyến rũ riêng và đặc biệt là điệu cười mà Hatton âu yếm một cách mỉa mai gọi là nụ cười Gioconda, và Doris - một cô nàng yêu anh ta đến chết mê chết mệt. Cái chết đột ngột của người vợ cũng không khiến anh ta thay đổi và sống tốt hơn. Anh ta lấy Doris, qua lại với Spence. Khi cái chết của người vợ bị đưa ra điều tra, đó là một vụ đầu độc. Anh ta trở thành nghi phạm giết vợ. Thực ra, chính Spence, người đàn bà có nụ cười bí hiểm kia mới là chủ mưu của tất cả. Câu chuyện kết thúc ở đó với những dư âm không thể quên. Còn Trở lại Babylon lại là câu chuyện đầy tinh thần nhân văn về quyết tâm của Charlie, một người cha, người chồng có quá khứ bất hảo, nay quyết định sống tốt và đấu tranh chống lại những định kiến và cám dỗ của xã hội để nhận nuôi lại đứa con gái yêu quý của mình từ gia đình cô em vợ đầy thành kiến về anh.
Với cảm hứng của những chuyến phiêu lưu, ba truyện ngắn “Con thuyền không mui” (Stephen Crane), “Cuộc hành trình lên phương Bắc” (Jack London) và “Tuyết trên đỉnh Kilimanjaro” (Ernest Hemingway) mang đến cho chúng ta những góc nhìn mới. Con thuyền không mui, là một câu chuyện, kể theo sự thực. Bằng lời văn nhẹ nhàng, nhà văn đã tái hiện lại cuộc hành trình của sự sống: bốn con người (người đầu bếp, người thợ dầu, chàng phóng viên, viên thuyền trưởng) trở thành bạn, họ cùng nhau vật lộn với sự dữ dội của biển để cùng sống sót. “Con thuyền không mui” là một truyện ngắn tuyệt vời nhất viết về biển cả. Bởi vì “Lòng nhân đạo giản dị và sâu sắc được trình bày trong câu chuyện về bốn con người trong một con thuyền rất nhỏ dường như đã phác lên những yếu tố cần thiết nhất của cuộc đời” (Theo Jôdip Cônrat).
Ngược lại, Jack London say mê với chuyến du hành với “Cuộc hành trình lên phương Bắc”. Ông kể vể chuyến hành trình của những con người trong bão tuyết, thể hiện một suy tư triết học về đấu tranh giành sự sống, chống áp bức bóc lột tàn bạo, bảo vệ phẩm giá con người. Truyện thu hút người đọc ở sự bất ngờ của tình tiết, ở chiều sâu của những chi tiết.
Hemingway thì tìm đến một không gian xa xôi và hùng vĩ ở tận châu Phi với “Tuyết trên đỉnh Kilimanjaro”. Chỉ trình bày một lát cắt rất mỏng trong cuộc đời nhân vật Harry - những giờ khắc sống cuối cùng của một nhà văn với cái ý thức sâu sắc về sự thất bại không thể cứu vãn được trong văn nghiệp mình, tác giả đã nói được rất nhiều điều. Và hình ảnh núi Kilimanjaro tuyết phủ là một biểu tượng mang cảm hứng thẩm mỹ dồi dào mà tác giả đã gửi gắm vào đó những ước vọng một đời của nhà văn. Trong các truyện ngắn của Ernest Hemingway thường xuất hiện một thứ “ngôn ngữ đối thoại” nổi tiếng - ngắn gọn, cô đọng, chỉ viết những gì tinh chất nhất. Hemingway thật sự là một nhà văn lớn vì sự giản dị của ông đã được sắp xếp cẩn thận lạ lùng.
Xứ sở của người mù của Herbert George Wells có một cốt truyện khác hẳn. Tác giả dựng lên một câu chuyện giả tưởng về một anh chàng có tên Nunezơ lạc vào xứ sở của những người mù. Anh ta tưởng rằng “trong xứ mù thằng chột làm vua”, anh ta sẽ đồng hóa và khai sáng văn minh cho những người ở đó. Nhưng cuối cùng chính anh ta lại bị chính những kẻ mù “giáo hóa”. Anh trở về với cuộc sống của mình khi nhận ra “cả anh và cả thế giới mù lòa trong thung lũng, cùng tình yêu của anh nữa, hết thảy chỉ là một địa ngục của tội lỗi”. Cuộc sống của đôi mắt mới là cuộc sống đích thực.
Sách do dịch giả Nguyễn Tuấn Khanh biên dịch, NXB Văn học và Công ty Sách Bách Việt ấn hành và xuất bản vừa ra mắt độc giả Việt vào tháng 8/2010.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.