Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nữ chiến sĩ Tiểu đoàn Trưng Trắc Một thời và mãi mãi

Nguyên Hoa| 22/12/2010 07:02

(HNM) - Những cơn gió mùa Đông Bắc trong đợt rét đậm của mùa đông Hà Nội dường như không làm nhụt chí của những nữ chiến sĩ Tiểu đoàn Trưng Trắc năm xưa trong ngày gặp mặt. Những ánh mắt tìm nhau, những cái bắt tay nồng ấm và cả những giọt nước mắt xúc động.


Giữ được mối liên hệ suốt hơn 30 năm qua giữa 500 phụ nữ tóc đã pha sương, mỗi người mỗi phương, mỗi cảnh ngộ là một điều không dễ nếu họ không có một thời cùng vào sinh ra tử bên nhau…

"Vui sao nước mắt lại trào…"

Những giọt nước mắt, tiếng nấc nghẹn ngào xen lẫn những câu nói không tròn tiếng của hai người đàn bà nay đã lên chức bà nội, bà ngoại ở phía dưới hội trường đã khiến nhiều đồng đội của họ không cầm được lòng. Đó là cuộc hội ngộ của hai người bạn chiến đấu trong Tiểu đoàn Trưng Trắc xa nhau vừa tròn 36 năm, nay mới có dịp gặp lại. Cùng sinh ra ở huyện Ứng Hòa nhưng mãi đến khi vào bộ đội chị Ngô Thị Hợi và chị Nguyễn Thị Lan Hương mới biết nhau. Đi cùng nhau khắp chiến trường Trường Sơn, từng ngủ chung một hầm, cùng giữ nhiều kỷ niệm đẹp, trở thành bạn thân của nhau tự lúc nào. Năm 1972 chị Hương ra quân, lập gia đình rồi theo chồng về Phú Thọ và từ đây họ mất liên lạc. Những năm trước, tiểu đoàn đã tổ chức gặp mặt nhưng lần thì người này đi lại không có người kia và ngược lại, run rủi thế nào lần này hai người bạn thân đã kịp gặp lại nhau.


Các chiến s Tiu đoàn Trưng Trc năm xưa gp li nhau trong dp k nim 66 năm Ngày thành lp Quân đi nhân dân Vit Nam. nh: Linh Ngc


Lẫn trong niềm vui ngày hội ngộ ấy, tôi vẫn bắt gặp ánh mắt buồn vời vợi của một người phụ nữ ngoài 60 tuổi, chị Nguyễn Thị Hò. Đưa tay gạt dòng nước mắt đang chực rơi xuống má, chị nói nhỏ nhẹ: "Gặp lại nhiều bạn cũ thấy ai cũng khỏe mạnh, nhiều người đã làm nên chức này, chức nọ, tôi lại thương một đồng đội cùng quê Thạch Thất với tôi. Mấy lần trước, Ban liên lạc tổ chức gặp mặt chị cũng đi được nhưng lần này ốm nặng quá không đi nổi. Hoàn cảnh của chị đáng thương lắm, cả huyện có 60 người tham gia tiểu đoàn này thì có mỗi mình chị ấy bị nhiễm chất độc da cam nên không có con, lập gia đình rồi lại chia tay. Chị cứ dặn tôi đi về rồi kể lại cho chị nghe gặp những ai, nghe những gì, nghĩ mà thương".

Mệnh lệnh trái tim


Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước càng lùi xa, lịch sử càng chói ngời chiến công của những người lính. Năm 1971, khi cuộc chiến tranh đang trong giai đoạn ác liệt, hơn 500 nữ thanh niên Hà Nội tuổi đời từ 17 đến 20 rời tay cuốc, tay cày lên đường nhập ngũ. Họ là những nữ thanh niên đầu tiên của miền Bắc được chi viện cho chiến trường miền Nam. Sau 3 tháng huấn luyện, các chị nhận được lệnh hành quân vào chiến trường và bổ sung cho Mặt trận Trường Sơn thuộc Đoàn 559.

Nhiệm vụ chính của họ là y tá, hậu cần, giữ kho, thông tin, văn thư, bảo mật, tổng đài, giao liên, san lấp hố bom… Dù phải dầm mưa, dãi nắng, phải chịu những trận sốt rét kéo dài, cuộc sống thiếu thốn và bom đạn luôn đe dọa tính mạng nhưng bất cứ nhiệm vụ nào, những nữ thanh niên trong Tiểu đoàn Trưng Trắc cũng đều hoàn thành. Vũ khí trong tay nhiều khi chỉ là quang gánh, cuốc xẻng nhưng với lòng gan dạ sắt của tuổi trẻ thời đại Hồ Chí Minh, họ đã làm nên những chiến tích thần kỳ. Các chị luôn bảo đảm cho dòng người, dòng xe ngày đêm nối nhau ra trận, bảo đảm cho đường dây thông tin được thông suốt, kịp thời cấp cứu thương binh… Suốt 5 năm chiến tranh ác liệt (1971-1975), 500 nữ chiến sỹ Tiểu đoàn Trưng Trắc có mặt làm nhiệm vụ trên 2 mái Đông - Tây Trường Sơn, là phà Gianh (Quảng Bình), A Sầu, A Lưới (Thừa Thiên Huế). Chiến tranh kết thúc, nhiều chị lại nhận nhiệm vụ sang giúp đỡ nước bạn Lào. Năm 1977, hầu hết các nữ chiến sỹ Tiểu đoàn Trưng Trắc ra quân, đã có 7 người hy sinh, 30 người hiện là thương binh.

Vai không súng,chí vẫn bền

Sau khi rời chiến trường, nhiều chị phấn đấu trở thành giám đốc các công ty đang ăn nên làm ra hoặc đã và đang giữ chức vụ cao trong các cơ quan nhà nước. Đó là chị Ngô Ngọc Thanh, Giám đốc Công ty Bóng đèn Phích nước Rạng Đông; chị Vũ Thị Thúy Lành, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cát Tường; chị Nguyễn Thị Thịnh, nguyên Chủ tịch huyện Mỹ Đức; chị Ngô Thị Tuyết, nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Hoài Đức… Nhưng vẫn còn không ít trường hợp có hoàn cảnh thương tâm, đó là các chị bị nhiễm chất độc da cam, các chị quá lứa lỡ thì không lập gia đình hoặc có gia đình nhưng đã chia tay bởi không còn khả năng làm mẹ và có đến 70% bị nhiễm chất độc da cam nhưng mới chỉ 30 người được hưởng chế độ.

Buổi gặp mặt càng có ý nghĩa hơn khi các chị truyền tay nhau tờ kê khai thành tích chiến đấu và lý lịch trích ngang để những ai chưa được hưởng chế độ gì, Ban liên lạc sẽ có trách nhiệm đề nghị lên các cơ quan chức năng. Trước khi những chiến sỹ của Tiểu đoàn Trưng Trắc chia tay, chị Đồng Thị Mai, Trưởng ban liên lạc cho biết: "Mấy tháng trước, Ban liên lạc đã tự đóng góp kinh phí tổ chức một chuyến về nguồn và tìm được 4 ngôi mộ đồng đội. Ngay sau buổi gặp mặt này, chúng tôi sẽ về quê đồng đội ở Ba Vì để dự lễ truy điệu bạn và từ năm nay, chúng tôi sẽ phát động "Quỹ nghĩa tình đồng đội" để có thêm điều kiện làm việc nghĩa với những đồng đội đã khuất và còn sống nhưng đang gặp khó khăn".

Dẫu biết rằng trở về với đời thường, nhiều CCB vẫn mang nỗi đau thể xác khi trái gió, trở trời vết thương tái phát. Vẫn còn đó, nhiều gia đình mòn mỏi ngày đêm mong ngóng tìm mộ người thân. Và cũng không ít trường hợp phải chịu thiệt thòi. Dẫu cho cuộc sống của những con người ấy vẫn còn gian khó nhưng họ vẫn mãi mãi tự hào là chiến sỹ Tiểu đoàn Trưng Trắc - những người đã hy sinh tuổi thanh xuân, góp mồ hôi, xương máu viết nên thiên anh hùng ca ngàn năm sáng chói lưu danh đến muôn đời…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nữ chiến sĩ Tiểu đoàn Trưng Trắc Một thời và mãi mãi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.