Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nữ bệnh nhân bị sùi loét một bên chân do bệnh nhiệt đới ''bị lãng quên''

Thu Trang| 28/12/2022 16:52

(HNMO) - Ngày 28-12, Bệnh viện Da liễu trung ương đưa ra cảnh báo về căn bệnh nấm da hiếm gặp khiến một nữ bệnh nhân bị sùi loét một bên chân. Đây là căn bệnh thường gặp ở vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới. Tuy nhiên, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã chính thức công nhận là bệnh nhiệt đới “bị lãng quên”.

Nữ bệnh nhân bị sùi loét một bên chân do bệnh nhiệt đới “bị lãng quên”.

Theo đó, nữ bệnh nhân người dân tộc Thái (47 tuổi, ở Lai Châu) nhập viện muộn khi tổn thương đã lan tỏa. Chân của bệnh nhân bị biến dạng, xuất hiện những khối sần sùi lớn chiếm toàn bộ vùng mu chân, cẳng chân trái và lan đến đùi bẹn. Một số tổn thương chảy dịch, bốc mùi hôi, bệnh nhân đi lại khó khăn và hạn chế.

Trước đây, bệnh nhân thường xuyên làm nương rẫy, tiếp xúc với môi trường đất, nước bẩn. Từ 3 năm nay, bệnh nhân có biểu hiện nhiễm bệnh. Ban đầu là một số tổn thương sần sùi ở mu chân trái, tổn thương không ngứa, không đau, tiến triển từ từ. Vì không quá ảnh hưởng đến chức năng cơ thể nên bệnh nhân chủ quan không đi khám ngay. Tuy nhiên, một năm trở lại đây, tổn thương trên cơ thể tiến triển nhanh, bệnh nhân đã đi khám tại bệnh viện tuyến huyện nhưng điều trị không có hiệu quả. 

Theo Thạc sĩ, bác sĩ Lê Thị Hoài Thu, Khoa Bệnh da phụ nữ và trẻ em (Bệnh viện Da liễu trung ương), bệnh nhân được chẩn đoán nhiễm nấm da Chromoblastomycosis. Đây là căn bệnh thường gặp ở vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới. Tuy nhiên, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã chính thức công nhận là bệnh nhiệt đới “bị lãng quên”.

Sau đó, nữ bệnh nhân này đã được điều trị với thuốc kháng nấm Itraconazole liều 400mg/ngày, áp lạnh bằng nitơ lỏng, đốt plasma tổn thương sùi to, đồng thời, chườm ấm hằng ngày bằng túi chườm, ngâm chân thuốc tím. 

Kết quả, sau 3 tuần được điều trị tích cực, tổn thương của bệnh nhân đã cải thiện rõ rệt. Bệnh nhân được xuất viện và hẹn tái khám sau một tháng.

“Đây là bệnh lý nấm sâu của da và tổ chức dưới da, tổn thương lớn gây biến dạng chi, nên cần thời gian điều trị và quản lý kéo dài. Các bác sĩ cũng tư vấn bệnh nhân trang bị đầy đủ trang phục phòng hộ lao động, tránh tiếp xúc trực tiếp với đất đá, nguồn nước không vệ sinh để không bị tái phát”, Thạc sĩ, bác sĩ Lê Thị Hoài Thu nói.

Các bác sĩ da liễu khuyến cáo, khi người bệnh có bất kỳ vấn đề về sức khỏe làn da cần đến khám kịp thời tại các cơ sở y tế có đủ phương tiện, trang thiết bị nhằm chẩn đoán và điều trị sớm. Những trường hợp đến khám quá muộn sẽ gây chậm trễ trong điều trị và rất khó để hồi phục hoàn toàn như trường hợp trên.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nữ bệnh nhân bị sùi loét một bên chân do bệnh nhiệt đới ''bị lãng quên''

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.