Theo dõi Báo Hànộimới trên

NSND Nguyễn Thiếu Hoa: Âm nhạc luôn là niềm cảm hứng dồi dào, bất tận

Bảo Ngọc| 30/05/2023 06:26

(HNMCT) - Nối tiếp thế hệ nhạc trưởng đàn anh như Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) Trọng Bằng, NSND Quang Hải, NSND Trần Quý..., PGS.TS.NSND Nguyễn Thiếu Hoa (nguyên Trưởng khoa Lý luận - Sáng tác - Chỉ huy, Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam) là gương mặt nổi bật trong chỉ huy dàn nhạc giao hưởng ở Việt Nam. Riêng trong lĩnh vực sáng tác, ông là tác giả của 2 bản concerto nổi tiếng “Thăng Long” (cho sáo trúc) và “Thăng Long ngàn năm hội ngộ” (cho đàn nhị).

1. Một ngày cuối tháng 5, tôi về thành phố Bắc Ninh thăm NSND Nguyễn Thiếu Hoa. Căn bệnh ung thư làm ông yếu đi nhiều nhưng nó không làm giảm tinh thần lạc quan và sự say mê của ông với nghệ thuật. Nhắc đến âm nhạc, đôi mắt nghệ sĩ sáng lên, lấp lánh niềm vui. Ông bảo, hằng ngày ông vẫn chơi đàn, coi đó như một cách chữa bệnh và cũng là để đỡ nhớ nghề. Với tay lấy chiếc máy tính bảng, ông giới thiệu một số tác phẩm được ông đưa lên trang YouTube cá nhân, ở đó tôi được chứng kiến một Nguyễn Thiếu Hoa điêu luyện cầm đũa chỉ huy trước hàng trăm nhạc công với đủ loại nhạc cụ, hết mỗi tiết mục là tiếng vỗ tay rào rào của khán giả.

Nguyễn Thiếu Hoa sinh ra trong một gia đình có truyền thống âm nhạc bên dòng sông Mã (Thanh Hóa). Cha của ông là Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) tuồng Nguyễn Văn Ốn, mẹ là một nghệ nhân chèo có tiếng trong vùng. Bởi thế, việc ông theo con đường âm nhạc là điều dễ hiểu, thế nhưng, khác với cha mẹ và hai người em (NSND đàn nhị Thế Dân và NSƯT tuồng Mạnh Đức) theo âm nhạc dân tộc, Nguyễn Thiếu Hoa lại đi theo âm nhạc phương Tây. “Năm 1962, tôi là một trong 18 học sinh miền Bắc được chọn vào học tại Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam). Quá trình học liên tục bị gián đoạn do chiến tranh. Đến năm 1970, tôi được cử sang học kèn cor và chỉ huy giao hưởng ở Nhạc viện Tchaikovsky (Liên Xô cũ) và ở lại làm công tác giảng dạy, nghiên cứu, chỉ huy dàn nhạc, đến năm 1995 mới về nước” - ông nhớ lại.

2. NSND Nguyễn Thiếu Hoa đã chỉ huy nhiều chương trình hòa nhạc lớn ở trong nước, trong các dịp đại lễ, phục vụ nhiệm vụ chính trị của Đảng và Nhà nước. Tháng 9-2002, ông được mời sang Busan (Hàn Quốc) chỉ huy chương trình hòa nhạc chào mừng Đại hội Thể thao châu Á - ASIAD XIV với tác phẩm giao hưởng số 9 của Beethoven, và với sự kiện này, ông được coi là người Việt Nam đầu tiên được mời chỉ huy một dàn nhạc giao hưởng lớn ở nước ngoài.

Theo NSND Nguyễn Thiếu Hoa, chỉ huy dàn nhạc giao hưởng là công việc rất khó: “Có thể hiểu chỉ huy dàn nhạc như một nghề tổng hợp, cần tư duy quan sát nhanh nhạy, sắc bén, có cái nhìn tổng thể, bao quát. Khi chỉ huy một buổi biểu diễn ballet thì phải có kiến thức về ballet, phải hiểu được từng bước múa của nghệ sĩ. Khi chỉ huy buổi hòa nhạc có ca sĩ hát thì phải giúp ca sĩ thể hiện được năng lượng của mình qua những phần trình diễn. Người chỉ huy phải “giao tiếp” được với tác giả để hiểu ý nghĩa sâu xa của tác phẩm rồi truyền được cảm xúc, tinh thần ấy tới cả dàn nhạc gồm hàng trăm người” - ông nhấn mạnh.

Dù theo học âm nhạc phương Tây nhưng nghệ sĩ Nguyễn Thiếu Hoa luôn trăn trở về việc đưa âm nhạc dân tộc vào trong mỗi tác phẩm để dù là tác phẩm giao hưởng của phương Tây thì vẫn mang nét riêng, bản sắc của Việt Nam. Ông đã tôn vinh đàn nhị trong concerto “Thăng Long ngàn năm hội ngộ” để người em trai của ông là nghệ sĩ Thế Dân biểu diễn cùng dàn nhạc giao hưởng; tôn vinh sáo trúc trong concerto “Thăng Long” khi để NSƯT Hoàng Anh biểu diễn cùng dàn nhạc giao hưởng. Trong “Thăng Long ngàn năm hội ngộ”, ông đã sử dụng giai điệu của các bài dân ca “Lý ngựa ô”, “Lý cướp bông” để khẳng định Thăng Long - Hà Nội là nơi hội tụ của con người, văn hóa và của những gì tinh túy nhất trên dải đất hình chữ S. Cùng với đó, ông đã sáng tác nhiều tác phẩm khác, như “Ba Preludes” viết cho piano, “Khúc hồi tưởng” viết cho cello và piano, “Tứ tấu” cho kèn gỗ và cor, “Khúc mở đầu - Overture - Hội làng” viết cho dàn nhạc và nhị solo... Những sáng tác của ông góp phần tôn vinh giá trị văn hóa dân tộc, làm phong phú thêm bản hợp xướng châu Âu, tạo nên hơi thở mới cho tác phẩm.

3. Nhiều năm công tác cùng NSND Nguyễn Thiếu Hoa ở Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, GS.TS.NSND Ngô Văn Thành (nguyên Giám đốc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam) nhận xét: “Phải khẳng định, âm nhạc bác học Việt Nam có dấu ấn của NSND Nguyễn Thiếu Hoa. Đối với Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, ông có công lao lớn trong việc đặt nền móng xây dựng bộ môn chỉ huy của nhà trường”. Còn NSND Quốc Hưng (Phó Giám đốc Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam) khẳng định: “Toàn bộ mảng hợp xướng của khoa Thanh nhạc đều do NSND Thiếu Hoa vừa dàn dựng và trực tiếp giảng dạy. Nhờ có bàn tay dìu dắt tận tình, tâm huyết của thầy Nguyễn Thiếu Hoa, đến nay, dàn hợp xướng của khoa Thanh nhạc phát triển rất mạnh, đã biểu diễn trong nhiều chương trình lớn và biểu diễn được những tác phẩm kinh điển của nước ngoài”.

Luôn cho mình may mắn khi được Nhà nước cho đi học ở trường đại học danh tiếng của thế giới, vì thế, NSND Nguyễn Thiếu Hoa ý thức được trách nhiệm của mình. Ông khẳng định: “Công tác đào tạo chỉ huy dàn nhạc hiện nay có lỗ hổng lớn vì ngành này quá khó, yêu cầu cao, học tốn thời gian, công sức và tiền bạc. Để theo đuổi nghề chỉ huy dàn nhạc thì cần có nền tảng tốt, đòi hỏi không chỉ có năng khiếu mà cần sự đam mê, thông minh, sáng tạo, kiên trì, bền bỉ. Nghề chỉ huy dàn nhạc luôn có đòi hỏi khắt khe và đôi khi là rất khắc nghiệt.

Hơn nửa thế kỷ theo đuổi âm nhạc, NSND Thiếu Hoa đã hoàn thành xuất sắc 4 vai trò: Đào tạo, sáng tác, chỉ huy và nghiên cứu khoa học. Ông đã góp tên mình vào lịch sử Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, khẳng định phẩm chất của một người chỉ huy dàn nhạc tài năng, một người thầy giáo đức độ, hết lòng vì học trò. Giờ đây, khi nằm trên giường bệnh, ông hồi tưởng về những phút giây thăng hoa trên sân khấu và coi đó là điểm tựa giúp ông vượt qua sự mệt mỏi. Dường như với người nhạc trưởng xứ Thanh, âm nhạc luôn là niềm cảm hứng dồi dào, bất tận để ông mãi yêu, say mê cống hiến.

PGS.TS.NSND Nguyễn Thiếu Hoa sinh năm 1952 tại xã Hoằng Quỳ, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Ông được Nhà nước phong danh hiệu NSƯT năm 2007, phong danh hiệu NSND năm 2015.

Bên cạnh những tác phẩm lớn đã nêu, ông còn sáng tác một số ca khúc như “Hà Nội đón xuân”, “Anh nhớ em”, “Non xanh huyền thoại”, “Thanh Hóa quê tôi”, “Đồng quê”...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
NSND Nguyễn Thiếu Hoa: Âm nhạc luôn là niềm cảm hứng dồi dào, bất tận

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.