(HNMO) - Chiều 15-2, Ban Tuyên giáo Thành ủy TP Hồ Chí Minh đã tổ chức lễ trao tặng căn nhà cho đạo diễn NSND Huỳnh Nga. Đây là mơ ước cuối đời của người nghệ sĩ nghèo lâm bệnh ung thư trực tràng.
NSND Huỳnh Nga được nhận căn hộ mơ ước vào những năm tháng cuối đời. |
UBND TP Hồ Chí Minh đã vận động nhà tài trợ giúp NSND Huỳnh Nga có nhận căn hộ có giá trị hơn 2 tỷ đồng thuộc chung cư Khánh Hội 1, quận 4, TP Hồ Chí Minh. Trước Tết Nguyên đán, Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng đã đến thăm sức khỏe đạo diễn NSND Huỳnh Nga tại chung cư cũ trên đường Trần Đinh Xu quận 1. Tại đây, người nghệ sĩ già, hoàn cảnh khó khăn đã bày tỏ nguyện vọng cuối đời mong ước được đổi 1 căn hộ để ở, thay thế căn hộ cũ nát.
Sau khi nghe nguyện vọng này, Bí thư Đinh La Thăng đã chỉ đạo Ban Tuyên giáo Thành ủy, Sở Văn hóa- Thể thao Thành phố xem xét, vận động các nhà tài trợ vào cuộc giúp đỡ nghệ sĩ khó khăn. Khi biết được thông tin và hoàn cảnh khó khăn của NSND Huỳnh Nga, công ty cổ phần Đức Khải đã đồng ý trao tặng một căn hộ cho ông. Căn hộ rộng 72m2, tọa lạc tại đường Bến Vân Đồn, quận 4, TP Hồ Chí Minh vừa gần trung tâm, vừa gần bệnh viện thuận lợi cho ông tái khám sau khi điều trị căn bệnh ung thư.
Tại buổi lễ giao nhận nhà, NSND Huỳnh Nga đã xúc động khi ước mơ ấp ủ bao nhiêu năm qua của gia đình ông đã thành hiện thực. NSND Huỳnh Nga cho biết: “Tôi rất cám ơn sự quan tâm của chính quyền thành phố, của các nhà tài trợ đã giúp đỡ tôi thực hiện được tâm nguyện cuối cuộc đời. Căn hộ này là niềm mơ ước lớn lao của cả gia đình tôi, sẽ là nơi tôi vui sống đến cuối đời”.
Đạo diễn, NSND Huỳnh Nga sinh năm 1932, là một đạo diễn bậc thầy của sân khấu cải lương. Trong suốt cuộc đời theo đuổi nghệ thuật, ông đã dàn dựng, sáng tác gần 300 tác phẩm cải lương, kịch nói. Những tác phẩm do ông đạo diễn đã đi sâu vào tiềm thức của người dân miền Nam như: “Đời cô Lựu”, “Tấm Cám”, “Khách sạn hào hoa”, “Người giữ mộ”. NSND Huỳnh Nga có công lao to lớn đối với ngành sân khấu.
Ông là 1 trong 8 nghệ sĩ đã thành lập Đoàn Kịch nói Nam Bộ năm 1957. Sau đó ông ra miền Bắc xây dựng và hình thành kịch nói Nam Bộ trên đất Bắc. Ngoài lao động nghệ thuật, ông trực tiếp đào tạo hàng trăm học trò tham gia vào bộ môn nghệ thuật cải lương, kịch nói.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.