(HNM) - Từng được coi là cổ phiếu
"Sốt" cổ phiếu "vua"
Cách đây gần 10 năm, khi "cơn sốt" cổ phiếu bắt đầu tràn vào, cổ phiếu ngân hàng được đẩy lên mức giá "ngất ngưởng". Những cái tên như MB, Techcombank, VPBank, ABBank... đều được giao dịch trên sàn không chính thức (OTC) với giá gấp cả chục lần mệnh giá. "Cơn sốt" này thậm chí kéo dài đến khi thị trường chứng khoán bắt đầu "rơi" xuống "đáy". Không còn giữ vị thế là "họ" cổ phiếu được lựa chọn nhiều nhất, các mã cổ phiếu ngân hàng "rớt" giá liên tiếp, một số mã chỉ còn 1/10 giá trị giao dịch của thời kỳ "đỉnh", xuống dưới 10.000 đồng/cổ phiếu. Ngay cả thời điểm thị trường chứng khoán dần hồi phục, cơ hội tăng giá cho các mã "họ" ngân hàng cũng không có khi cả hệ thống ngân hàng rơi vào khủng hoảng nợ xấu và tái cơ cấu. Ám ảnh về các khoản nợ xấu khiến không ít nhà đầu tư tìm cách bán tháo cổ phiếu ngân hàng. Khi đó, cổ phiếu được mua với giá ưu đãi của ngay cả những tên tuổi lớn trên hệ thống ngân hàng cũng bị coi là "ngược đãi", vì giá "rơi" xuống mức thấp kỷ lục.
Nhiều ngân hàng hoạt động hiệu quả khiến cổ phiếu “họ” này trở nên hấp dẫn. Ảnh: Hải Anh |
Nhưng, cùng với sự hồi phục mạnh của thị trường chứng khoán, cũng như con số lãi "khủng" của các ngân hàng, các mã cổ phiếu "họ" này đã trở lại với vị trí số 1 trong danh sách lựa chọn của các nhà đầu tư. Sau VietinBank, Vietcombank, MB... mới đây, hàng loạt tên tuổi hấp dẫn đã lên sàn chứng khoán như LienVietPostBank, VPBank, HDBank. Theo đánh giá của các nhà đầu tư, bên cạnh sự ổn định của nền kinh tế, yếu tố khiến giới đầu tư nhắm đến cổ phiếu "vua" là sự bảo đảm về "sức khỏe" của ngân hàng. Đây cũng là yếu tố giúp các mã cổ phiếu ngân hàng tăng giá mạnh trong thời gian qua, góp phần tăng điểm cho các chỉ số chứng khoán.
Chị Nguyễn Thị Thúy (phố Nguyễn Lương Bằng, Hà Nội) cho biết, đã đầu tư toàn bộ vốn vào cổ phiếu ngân hàng. Theo chị, đây là thời kỳ “vượng” đối với cổ phiếu ngân hàng, khi vào “mùa” đại hội cổ đông, hàng loạt báo cáo tài chính được công bố, khiến các mã cổ phiếu "họ" này trở nên “nóng” hơn. Các ngân hàng đã trải qua thời kỳ khủng hoảng, các khoản nợ xấu đã được xử lý, ngân hàng cũng không còn phải trích lập nhiều cho dự phòng rủi ro. Những ngân hàng thuộc diện tái cơ cấu đã hoàn thành công việc này, nên “sức khỏe” được cải thiện đáng kể. Điểm hấp dẫn đặc biệt đối với nhóm cổ phiếu này chính là lợi nhuận “khủng” mà các ngân hàng công bố, những ngân hàng mang danh “nghìn tỷ” đã được công khai, minh bạch.
Không riêng chị Thúy, nhiều nhà đầu tư cũng chọn các mã cổ phiếu ngân hàng cho cơ hội đầu tư trên sàn chứng khoán. Với họ, các cổ phiếu ngân hàng không chỉ mang đến khả năng sinh lời cho dòng vốn, mà còn có thể gửi gắm dòng tiền lâu dài vì tỷ lệ cổ tức mà các ngân hàng chi trả cho cổ đông khá cao, hơn mức lãi suất gửi tiết kiệm hiện nay.
Vẫn cần thận trọng
Theo chuyên gia tài chính, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, cổ phiếu ngân hàng đã tăng quá mạnh. Gần đây, cổ phiếu ngân hàng và dầu khí dẫn dắt thị trường, đưa chỉ số VN-Index lên “đỉnh” lịch sử hơn 1.200 điểm. Thời gian qua, mặc dù ngành ngân hàng bộc lộ những thiếu sót, yếu kém trong hệ thống của mình nhưng cổ phiếu ngân hàng vẫn tăng mạnh, đây là điều không hoàn toàn phù hợp với thị trường. Bởi, với tình trạng hệ thống có nhiều lỗi như vậy, lẽ ra cổ phiếu ngân hàng bị tác động mạnh theo chiều đi xuống, trong khi ngược lại cổ phiếu này lại được xem là dẫn đầu thị trường.
Trên thực tế, bức tranh lợi nhuận của hệ thống ngân hàng đã tác động mạnh tới tâm lý nhà đầu tư, mang lại sự tăng giá liên tiếp của các cổ phiếu "họ" này. Cũng theo Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, hệ thống ngân hàng năm 2017 chứng tỏ có mức lợi nhuận cao, phản ánh vào giá trị cổ phiếu và đưa giá trị cổ phiếu đi lên. Nhưng, nhà đầu tư nên nắm rõ kết quả kinh doanh của ngân hàng trên sổ sách để kiểm chứng sự minh bạch của các thông tin về nợ xấu, các khoản phải thu…
Mặc dù có cách nhìn thận trọng song các chuyên gia vẫn dự báo những tín hiệu lạc quan về tương lai của hệ thống ngân hàng, với đánh giá ngành ngân hàng từ năm 2018 trở đi sẽ tốt hơn so với thời kỳ trước kia. Tất nhiên, ngay cả khi như vậy, nhà đầu tư không nên đầu tư cổ phiếu ngân hàng theo kiểu ăn xổi. Đầu tư vào cổ phiếu ngân hàng phải là đầu tư dài hạn, mua cổ phiếu để đóng góp cho ngân hàng, hỗ trợ ngân hàng phát triển, từ đó hưởng lợi cùng ngân hàng qua việc chia cổ tức. Nếu chỉ “lướt sóng”, đầu tư cổ phiếu ngân hàng cũng như nhiều mã cổ phiếu khác cũng dễ gặp rủi ro trong thời kỳ này, bởi thị trường chứng khoán đang tăng điểm “nóng”, dễ có những bước điều chỉnh giảm mạnh.
Trên thực tế, sau khi đạt ngưỡng 1.200 điểm, chỉ số VN-Index đã giảm 2 phiên liên tiếp, thậm chí rớt điểm mạnh trước làn sóng bán tháo của giới đầu tư. Ngoài ra, trước khi quyết định đầu tư vào cổ phiếu ngân hàng, nhà đầu tư nên tìm hiểu báo cáo tài chính mới nhất để xem ngân hàng có thực sự lành mạnh, có
cơ hội phát triển không (?). Nhà đầu tư cũng nên quan tâm đến tình hình thế giới, vì đầu tư ở Việt Nam thường bị ảnh hưởng theo xu hướng của giới đầu tư nước ngoài.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.