(HNM) - Năm 2022 khép lại, thành phố Hà Nội tiếp tục gặt hái được nhiều thành công trong Chương trình xây dựng nông thôn mới. Số xã hoàn thành nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu của Hà Nội tăng cao so với mục tiêu đề ra. Không chỉ dừng ở số lượng, nông thôn mới đã đi vào chiều sâu, chất lượng khi đời sống vật chất và tinh thần của người dân khu vực ngoại thành ngày một nâng cao.
"Bức tranh" có nhiều điểm sáng
“Bức tranh” nông thôn mới năm 2022 của Hà Nội có nhiều điểm sáng. Những tác động từ kết quả xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu đã và đang góp phần làm cho đời sống vật chất và tinh thần của người dân được cải thiện rõ nét.
Tại huyện Thanh Trì, qua đánh giá của Đoàn thẩm định nông thôn mới thành phố, huyện đã có thêm 6 xã đủ điều kiện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2022. Là xã nằm ở trung tâm của huyện, Tứ Hiệp hôm nay không khác các phường khu vực nội đô bởi nhịp sống sôi động cùng các hoạt động dịch vụ thương mại và những chung cư cao tầng ngày một nhiều hơn. Theo Chủ tịch UBND xã Tứ Hiệp Tạ Đăng Doanh, xã có hệ thống giao thông được đầu tư đồng bộ; 7/7 trường đạt chuẩn quốc gia, trong đó có Trường Mầm non C Tứ Hiệp đạt chuẩn quốc gia mức độ 2. Các thôn, tổ dân phố đều có nhà văn hóa và điểm sinh hoạt cộng đồng, có khu thể thao hoạt động hiệu quả… tạo thuận lợi trong phát triển văn hóa, thương mại và dịch vụ.
Tương tự, với nguồn lực đầu tư lớn, cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội các xã của huyện Đông Anh đều có những đổi thay theo hướng hiện đại, văn minh, tiệm cận tiêu chí đô thị. Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Nhuế (xã Kim Chung) Đỗ Trung Ngự cho biết: "Xây dựng nông thôn mới nâng cao, người dân đã được hưởng rất nhiều thành quả, điện, đường, trường, trạm ngày càng khang trang. Trước đây, trong các khu dân cư còn có tình trạng người dân xây bậc thềm lấn chiếm lòng đường, khi xây dựng nông thôn mới nâng cao, chúng tôi đã vận động người dân xóa bỏ. Điện thắp sáng các thôn, ngày càng nhiều người dân tham gia vào các hoạt động văn hóa, thể thao…".
Dẫn đầu trong xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu trên địa bàn thành phố đến nay vẫn là huyện Đan Phượng. Trong năm 2022, Đan Phượng có thêm 6 xã hoàn thành xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, nâng tổng số xã hoàn thành xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu toàn huyện lên 11/15 xã. Nét nổi bật ở các xã của huyện Đan Phượng là kinh tế phát triển, thu nhập bình quân cao. Đơn cử, xã Tân Lập đã đạt 82 triệu đồng/người/năm, xã Liên Trung đạt 84,2 triệu đồng/ người/năm, xã Đồng Tháp đạt 76,3 triệu đồng/người/năm...
Hoàn thành vượt chỉ tiêu đề ra
Năm 2022, thành phố đặt mục tiêu có 15 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu và 25 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Phó Chánh Văn phòng Chuyên trách Văn phòng điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội Ngọ Văn Ngôn cho biết: "Thời điểm hiện tại, Đoàn thẩm định nông thôn mới của thành phố đang tiến hành đánh giá tại các địa phương, sẽ hoàn thành mục tiêu dự kiến về số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Còn về xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, sẽ có hơn 50 xã hoàn thành, vượt nhiều so với chỉ tiêu đặt ra".
Thực hiện xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, theo Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Nguyễn Thạc Hùng, các xã trên địa bàn đều đã chọn những lợi thế của địa phương để thực hiện, như: Giáo dục và đào tạo, y tế, văn hóa... Đây là những lĩnh vực trong các năm gần đây được huyện và các xã đặc biệt quan tâm, đầu tư trọng tâm, trọng điểm nên đạt được nhiều kết quả rõ nét.
Tập trung xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, Trưởng phòng Kinh tế huyện Đông Anh Nguyễn Tuấn Hà cho biết, Đông Anh đã giao từng phòng, ban chuyên môn hỗ trợ, hướng dẫn các xã thực hiện bộ tiêu chí. Huyện cũng tích hợp các tiêu chí phát triển đô thị (xã lên phường, huyện lên quận) với bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao để thực hiện. Hai năm qua, huyện Đông Anh đã tập trung đầu tư cho giáo dục, nhờ đó hàng chục ngôi trường đã được đầu tư đồng bộ. Cùng với quá trình đô thị hóa, hệ thống hạ tầng thương mại nông thôn ở các xã phát triển rất nhanh. Mặt khác, Đông Anh đã ban hành và thực hiện hiệu quả đề án riêng về phát triển cây xanh… vừa đáp ứng các tiêu chí đô thị, vừa để vùng nông thôn xanh hơn, đẹp hơn.
Đáng chú ý, đóng góp vào kết quả xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu trên địa bàn thành phố, ngoài nguồn lực đầu tư của Nhà nước còn có sự tham gia rất tích cực của các cộng đồng cư dân. Điều đó minh chứng cho những nỗ lực đảng bộ, chính quyền và người dân các địa phương; đồng thời khẳng định xây dựng nông thôn mới đã thực sự đi vào chiều sâu, chất lượng và bền vững. Kết quả đạt được trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu đã và đang tạo đà để các xã tiếp tục đạt dấu mốc mới trong hành trình xây dựng nông thôn mới thông minh, để vùng ven đô phát triển mạnh mẽ theo hướng đô thị văn minh, hiện đại, bền vững.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.