(HNM) - Ông Nguyễn Đức Học, Chủ tịch UBND xã Thụy Hương, huyện Chương Mỹ nói với chúng tôi rằng: "Mô hình nông thôn mới không chỉ có nhà văn hóa thật to, đường liên thôn thật rộng. Lợi ích lớn nhất của mô hình này là khơi dậy nhiệt huyết của những con người dám nghĩ, dám làm. Đến giờ phút này, toàn dân xã tôi đã cùng chung ý thức xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Với những thành công bước đầu trong việc thực hiện thí điểm mô hình nông thôn mới ở xã Thụy Hương, tôi tin chỉ dăm ba năm nữa, diện mạo nông thôn Hà Nội sẽ có rất nhiều đổi khác...".
Mới từ nhận thức đến diện mạo
Gần 12 giờ, chúng tôi vào tới trụ sở UBND xã Thụy Hương. Phòng họp vẫn mở cửa, ông Nguyễn Đức Học đang "xoay trần" cùng mười mấy vị cán bộ chủ chốt của xã để bàn về dự án xây dựng khu chăn nuôi tập trung. Chạy ra bắt tay, chào hỏi mấy câu xã giao, mồ hôi còn rịn trên trán, ông Học luôn miệng nói: Nhà báo thông cảm chờ anh em tý chút, cuộc họp vẫn chưa thể kết thúc.
Khu sản xuất, chế biến hoa của HTX hoa Thụy Hương. |
Nói rồi, ông Học giới thiệu anh Nguyễn Hữu Thắng, Chủ nhiệm HTX hoa Thụy Hương dẫn chúng tôi đi mục sở thị. Chỉ một đoạn đường ngắn từ UBND xã đến khu vực sản xuất hoa, cây cảnh, chúng tôi có thể bao quát toàn cảnh xã Thụy Hương đang vận động, chuyển mình để thoát khỏi cái đói, cái nghèo đeo đẳng suốt mấy chục năm qua. Tôi quay sang hỏi anh chủ nhiệm: Các công trình phúc lợi công cộng của xã ta khang trang quá anh nhỉ?
Ngỡ sẽ nhận được những lời tung hứng, không nghĩ anh Thắng đưa ra lập luận: Xây dựng điện, đường, trường, trạm không quá khó bởi cứ có tiền là làm được. Cả quy trình từ lập đề án, phê duyệt quy hoạch, thi công, cho tới nghiệm thu, tất tật chỉ năm rưỡi, hai năm là xong một công trình. Tuy nhiên, để tạo cho người dân trong xã có nhận thức và cái nhìn toàn diện về tính năng ưu việt của mô hình nông thôn mới lại là công việc cực kỳ khó khăn. Nó như "mưa dầm thấm lâu", chỉ khi người dân hiểu thì công việc mới "xuôi chèo mát mái". Tôi nói đơn giản thế này, kể từ khi UBND thành phố Hà Nội có Quyết định số 4721/QĐ-UB phê duyệt đề án xây dựng thí điểm mô hình nông thôn mới, Thụy Hương thành lập cùng lúc 3 HTX: rau, hoa và chăn nuôi. Tổng số vốn đầu tư có 50% tiền ngân sách, 50% do xã viên tự đóng góp. Tiền nông dân tự bỏ ra thì đương nhiên họ có trách nhiệm và ý thức giữ gìn để làm sao cho HTX tồn tại, phát triển. Cũng cái tên như nhau nhưng HTX thời đổi mới khác với mô hình HTX thời bao cấp trước kia. Các anh thấy đấy, thời tiết nóng bức, 12 giờ rồi mà các xã viên đã nghỉ trưa đâu. Thay đổi được tư tưởng người dân, chúng tôi đã thành công được 80% khối lượng công việc.
Tính đến ngày 18-10-2010, xã Thụy Hương đã đạt chuẩn 13/19 tiêu chí theo mô hình xây dựng nông thôn mới. Cụ thể là đã tổ chức thi công 9,5km đường giao thông, kiên cố hóa 4,16km kênh mương, bàn giao 100% hệ thống trạm bơm và đường dây điện hạ thế cho ngành điện quản lý. Nếu như năm 2008, tỷ lệ hộ nghèo trên toàn xã chiếm 14,98% thì nay hạ xuống còn 7,3%. Ngoài việc tập trung đầu tư để phát triển sản xuất, xã đặc biệt chú trọng đến lĩnh vực văn hóa, y tế và giáo dục, đặc biệt là công tác bảo đảm vệ sinh môi trường.
Theo ông Chủ tịch xã Thụy Hương, đã là nông thôn mới thì diện mạo quê hương cũng như tư tưởng của bà con cũng phải mới. Chưa bao giờ, người nông dân quê ông dám nghĩ tới chuyện bỏ tiền mua vé máy bay, cấp chi phí ăn ở để cử người vào tận Đà Lạt học tập kinh nghiệm, kỹ thuật trồng hoa về áp dụng ở địa phương mình, thế mà bây giờ họ đã làm được. Trước kia, xã Thụy Hương ngồn ngộn rác thải, tiện đâu người dân thải rác đó. Vậy mà, từ khi Thụy Hương trở thành xã thí điểm xây dựng nông thôn mới, người dân tự ý thức bỏ rác vào nơi quy định, tất thảy 7 thôn trong xã đều có tổ thu gom và điểm xử lý rác thải. "Hữu xạ tự nhiên hương", giá đất ở Thụy Hương tăng gấp 3 lần so với thời điểm năm 2008. Giá đất tăng không phải ăn theo cơn sốt mà vì hạ tầng nông thôn của chúng tôi đã mang một diện mạo mới. Cái đó đều bắt nguồn từ chính sách xây dựng nông thôn mới.
Những nông dân dám nghĩ, dám làm
Nhớ lại quãng thời gian cách đây gần năm, anh Nguyễn Hữu Thắng, Chủ nhiệm HTX hoa Thụy Hương vẫn không hiểu tại sao mình lại có đủ nghị lực và sự kiên nhẫn để theo đuổi cái nghề mà người ta vẫn gọi "ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng". Ý tưởng để xây dựng nông thôn mới là tạo ra bước đột phá trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Muốn làm được điều này, trước hết phải hình thành các khu sản xuất, chăn nuôi tập trung. Bao đời nay, người dân Thụy Hương quen với lối sản xuất nhỏ lẻ, để thay đổi quan niệm này không dễ. Vừa là Phó Chủ tịch HĐND kiêm chủ nhiệm HTX, anh Thắng đến từng nhà giải thích, vận động người dân tham gia. Gõ cửa gia đình nào, anh cũng chỉ nhận được những cái lắc đầu, thậm chí là những lời mai mỉa, đại loại "thừa tiền mà góp vốn với HTX. Lỡ mai kia các ông đánh trống bỏ dùi thì xã viên biết kêu ai". Nghe câu nói ấy, đôi khi anh Thắng thấy chạnh lòng, nhưng rồi anh lại tự động viên chính mình, cố gắng lên, bà con chưa hiểu vì tư tưởng của họ chưa được đả thông. Tiếp tục đến các gia đình có người là cán bộ, đảng viên để vận động, thuyết phục, anh Thắng chủ động đề xuất với hệ thống chính trị trong xã cùng vào cuộc. Sau ba tháng chỉ có "ăn và đi gạ gẫm", bà con kéo đến xin góp vốn và ra nhập HTX ngày một đông, các doanh nghiệp trên địa bàn xã cũng tự nguyện đóng góp cổ phần. Bằng đồng vốn đóng góp của bà con, chừng bốn tháng sau đó, khu chế biến và sản xuất hoa tươi với công nghệ hiện đại của HTX hoa Thụy Hương sừng sững mọc lên giữa lô đất 0,7ha. Đến lúc ấy, cán bộ và nhân dân trong xã mới thở phào nhẹ nhõm và đặc biệt tin tưởng với mô hình sản xuất, chăn nuôi tập trung. Từ thành công này, Thụy Hương tiếp tục triển khai dự án gieo trồng 90ha lúa thơm chất lượng cao, 15ha trồng cây ăn quả, 15,6ha xây dựng khu chăn nuôi tập trung. Chỉ một thời gian ngắn nữa, những dự án này sẽ cho ra đời các sản phẩm nông nghiệp chất lượng, hiệu quả kinh tế cao.
Trang trại gà đẻ của ông Mạc Đình Việt. |
Không tham gia vào HTX nhưng ông Mạc Đình Việt (thôn Trúc Đồng, xã Thụy Hương) lại tìm lối đi cho riêng mình để hòa nhập với chương trình xây dựng nông thôn mới. Nhập ngũ năm 1970, trải qua cuộc kháng chiến chống Mỹ và chiến tranh biên giới, năm 1989, ông Việt xuất ngũ và là thương binh hạng 4/4. Trở về địa phương với hai bàn tay trắng, vợ làm ruộng nuôi 4 đứa con nhỏ, hoàn cảnh gia đình cực kỳ khó khăn, nhiều lần ông Việt thức trắng đêm. Cái vòng nghèo hèn cứ luẩn quẩn, đeo bám gia đình ông suốt một thời gian dài. Muốn làm giàu phải có tiền và có kinh nghiệm, cả hai thứ đó ông đều không có. Suy đi tính lại, ông Việt xin vào làm công nhân ở một công ty chuyên về giống gia cầm. Bốn năm làm nghề, ông học hỏi, tích luỹ được khá nhiều kinh nghiệm về kỹ thuật chăn nuôi gia cầm. Tài sản lớn nhất của gia đình ông lúc bấy giờ là đàn lợn nái. Thấy ông gọi người vào bán để lấy tiền, vợ ông ngăn không được, nước mắt ngắn, nước mắt dài. Xoay sở, vay mượn tứ tung được mấy chục triệu đồng, ông Việt đầu tư xây dựng chuồng trại và nhập giống gà siêu trứng về nuôi. Thời tiết không ủng hộ, đàn gà đang chuẩn bị cho trứng bỗng dưng bị rù, rồi lăn quay ra chết. Mang từng bao tải gà đi chôn, ông Việt xót ứa nước mắt, những tưởng không có cơ hội làm lại... Rồi nghị lực người lính thôi thúc ông gắng gượng. Nợ cũ chưa trả hết, ông lại xin vay vốn ngân hàng. Từ đàn gà chỉ có vài chục con, rồi đến hàng trăm con, đến nay trại gà của ông Việt đã có gần sáu nghìn con. Trung bình mỗi ngày, gia đình ông thu được gần 5.000 quả trứng, thu nhập khoảng 6 triệu đồng/ngày, trừ chi phí còn lãi khoảng 3 triệu đồng. Có vốn ông Việt tiếp tục đầu tư nâng cấp chuồng trại và thuê nhân công chăm sóc đàn gà. Gia đình ông đã thoát nghèo, con cái chăm ngoan, thành đạt, có 4 người con thì 3 người có trình độ đại học. Hỏi về mô hình xây dựng nông thôn mới ở xã Thụy Hương, ông cười đầy mãn nguyện: Tốt quá đi chứ, người dân chúng tôi được hưởng lợi rất nhiều từ chủ trương này.
Thành phố quyết tâm nhân rộng mô hình
Hai ngày theo chân Ban Chỉ đạo chương trình xây dựng nông thôn mới của thành phố xuống các xã thuộc huyện Chương Mỹ, Thanh Trì, Sóc Sơn, chúng tôi nhận thấy sự nỗ lực vượt bậc của các ban, ngành trong việc quyết tâm thực hiện xây dựng mô hình nông thôn mới. Ông Trịnh Duy Hùng, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, Phó Ban chỉ đạo chương trình xây dựng nông thôn mới TP Hà Nội nhấn mạnh: Ngay từ bây giờ, Sở NN&PTNT cần tập trung cao độ, phân công cán bộ trực tiếp xuống các huyện, giúp các địa phương hoàn thành quy trình khảo sát, giải thích những điều cơ sở chưa hiểu, từ đó đánh giá đúng thực trạng để xây dựng mô hình. Đối với UBND huyện, cần triệu tập ngay cán bộ chuyên trách phối hợp với cán bộ xã để cùng khớp nối công việc.
Theo báo cáo của Sở NN&PTNT, Hà Nội đã tiến hành khảo sát xong 401 xã theo 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới (theo Quyết định số 491/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới). Tổng kinh phí thực hiện từ nay đến năm 2020 và tầm nhìn chiến lược năm 2030 là 32 nghìn tỷ đồng. Dự kiến từ nay đến 2015, Hà Nội sẽ có 140 xã - 160 xã đạt tiêu chí nông thôn mới. Ba đề án xây dựng nông thôn mới tại các xã: Mai Đình (huyện Sóc Sơn), Đại Áng (huyện Thanh Trì), Song Phượng (huyện Đan Phượng) đã khởi động những hạng mục đầu tiên. Cái khó lớn nhất của đề án này là nguồn vốn thực hiện trông chờ vào nhân dân là chính. Cán bộ cơ sở năng lực còn hạn chế, chưa tạo ra được sự đồng thuận, tin tưởng đối với người dân. Theo tiêu chí quốc gia về nông thôn mới thì mỗi xã phải có một chợ, một nhà văn hóa và thu nhập bình quân của người dân phải cao gấp 1,5 lần so với thu nhập bình quân của tỉnh. Như vậy, thu nhập bình quân theo đầu người tại các xã nông thôn mới của Hà Nội là 13-14 triệu đồng/người, trong khi thu nhập bình quân của người nông dân tính đến tháng 10-2010 mới chỉ đạt khoảng 9 triệu đồng/người/năm.
Dù biết còn nhiều khó khăn, thách thức, Ban chỉ đạo chương trình nông thôn mới của Hà Nội vẫn đặt quyết tâm phải thực hiện cho bằng được với phương châm "nỗ lực, tập trung tối đa, vướng mắc đâu gỡ đó". Cứ đà này, chúng tôi tin vài ba năm tới, Hà Nội trở thành địa phương dẫn đầu cả nước về mô hình xây dựng nông thôn mới - một niềm tin chắc chắn và có cơ sở.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.