Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nông sản sạch “lên ngôi”

Ngọc Quỳnh| 29/01/2022 06:35

(HNM) - Giáp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, sức mua nông sản trên thị trường đã tăng cao và có thể nói, nông sản sạch ngày càng có sức hút với người tiêu dùng Thủ đô. Hiện các vùng sản xuất rau quả sạch cũng như cơ sở chế biến, kinh doanh thực phẩm an toàn đang hoạt động hết công suất, đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường...

Sơ chế rau an toàn tại Hợp tác xã Sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Văn Đức (huyện Gia Lâm). Ảnh: Bình Minh

Tại các vùng chuyên canh rau, quả an toàn của Hà Nội, người nông dân đang hối hả thu hoạch sản phẩm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân Thủ đô. Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Văn Đức (huyện Gia Lâm) Nguyễn Văn Minh cho biết: Hiện tại mỗi ngày hợp tác xã đưa ra thị trường 30-50 tấn rau xanh các loại. Trong đó, 70% lượng rau cung cấp cho siêu thị, cửa hàng tiện ích, chợ đầu mối trên địa bàn Hà Nội…

Còn tại các vùng trồng cây ăn quả, giáp Tết luôn là thời điểm bận rộn của người nông dân, từ thu hoạch đến dán nhãn tem, bao bì… Ông Nguyễn Văn Oánh ở xã Nam Phương Tiến (huyện Chương Mỹ) cho biết: “Gia đình tôi có 3.000m2 bưởi Diễn trồng theo hướng hữu cơ, mỗi cây cho 120-150 quả. Năm nay, thời tiết thuận lợi, bưởi được mùa”.

Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm Vinh Anh (huyện Thường Tín) Đào Quang Vinh thông tin: Dịp Tết, thịt lợn mát và các sản phẩm từ thịt lợn như xúc xích, giò chả... có mức tiêu thụ tăng từ 10 đến 20% so với các tháng trước.

Tại các cửa hàng kinh doanh thực phẩm sạch, số lượng khách hàng đến mua sắm ngày càng nhiều hơn. Giám đốc Công ty cổ phần Thương mại chế biến thực phẩm sạch Từ Tâm Đinh Thị Hải Yến cho biết: Do chế biến từ nông sản sạch có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng nên số lượng đơn đặt hàng của Công ty ngày càng nhiều. Trung bình mỗi ngày, công ty cung ứng ra thị trường 60kg thực phẩm chế biến các loại, còn vào những ngày cao điểm sắp tới dự kiến lên đến 400-500kg.

Ở góc độ của người tiêu dùng, bà Bùi Thị Lệ Thủy ở phường Văn Quán (quận Hà Đông) cho biết: “Nông sản, thực phẩm bán ngoài chợ dân sinh giá có rẻ hơn nhưng để bảo đảm nguồn gốc rõ ràng tôi thường đến mua hàng tại các cửa hàng thực phẩm sạch. Năm nay, các loại nông sản trong nước có giá cả ổn định, riêng hoa quả nhập khẩu, giá tăng khoảng 10% so với dịp Tết Nguyên đán năm ngoái”.

Để bảo vệ uy tín, thương hiệu cho nông sản sạch cũng như bảo đảm sức khỏe người tiêu dùng, Tổng Giám đốc Công ty Bảo Minh (một trong những doanh nghiệp kinh doanh các mặt hàng gạo, hạt ngũ cốc an toàn) Bùi Thị Hạnh Hiếu đề xuất: Các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm soát chất lượng nông sản, thực phẩm trên thị trường, tránh để tình trạng hàng nhái, hàng kém chất lượng… trà trộn vào những mặt hàng nông sản sạch để bảo đảm quyền lợi cho người tiêu dùng.

Về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn thông tin: Thời gian vừa qua, cùng với việc tuyên truyền, phổ biến kiến thức về an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng, ngành Nông nghiệp Thủ đô đã tăng cường thanh tra, kiểm tra đột xuất, lấy mẫu, giám sát chất lượng, an toàn thực phẩm; đồng thời hỗ trợ các cơ sở sản xuất, chế biến sản phẩm an toàn để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân...

Nhu cầu tiêu thụ nông sản, thực phẩm dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán rất lớn. Để bảo đảm an toàn thực phẩm cho người dân Thủ đô, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, thành phố đã yêu cầu các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương tiến hành thanh tra, kiểm tra, giám sát chất lượng, an toàn thực phẩm trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các sản phẩm có nguy cơ cao như: Rau, thịt, thủy sản...; đồng thời đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý chất lượng thực phẩm trên địa bàn thành phố..., kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ trên thị trường.

Theo Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Như Tiệp, để kiểm soát chặt chẽ chất lượng nông sản, thực phẩm trên thị trường trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần, Hà Nội cần hỗ trợ, kết nối đưa các mặt hàng nông sản, thực phẩm an toàn tới tay người tiêu dùng... Mặt khác, trong quá trình thanh tra, kiểm tra cần công khai các cơ sở sản xuất, chế biến nông sản có hành vi vi phạm trên phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết, không lựa chọn sử dụng...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nông sản sạch “lên ngôi”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.