(HNM) - 2023 là năm bản lề thực hiện các nghị quyết Trung ương khóa XIII của Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Đến nay, nhiệm vụ xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường… bước đầu đã đạt được nhiều kết quả tích cực, đáng ghi nhận.
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu tác động mạnh mẽ đến đời sống kinh tế toàn cầu, đầu tư cho phát triển xanh là xu hướng tất yếu. Những năm qua, nước ta đã có bước chuyển mới hướng tới một nền kinh tế xanh, trong đó có việc đẩy mạnh phát triển nông nghiệp xanh để bảo đảm bền vững các trụ cột kinh tế - xã hội - môi trường. Triển khai chiến lược và các kế hoạch phát triển xanh, chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, nước ta đã bước đầu gặt hái thành công trong việc nâng cao tính cạnh tranh của nông sản, phát triển công nghệ xử lý và tái sử dụng phụ phẩm, bảo vệ nguồn tài nguyên và hệ sinh thái nông nghiệp…; đồng thời mở hướng phát triển nông nghiệp gắn với dịch vụ du lịch…
Cùng với việc hình thành các mô hình nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sinh thái, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống làng nghề…, nhiều địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã đã chú trọng sử dụng nguyên, vật liệu tự nhiên, hóa chất không gây độc hại trong sản xuất nông nghiệp; đồng thời ứng dụng công nghệ mới, đầu tư trang thiết bị hiện đại phù hợp các tiêu chuẩn quốc tế, cải tiến quy trình theo hướng sản xuất xanh, kinh tế xanh. Kết quả cho thấy, chất lượng nông sản ngày một tăng, quy mô sản xuất ngày một lớn, sức cạnh tranh ngày càng cao. Sản phẩm nông nghiệp Việt Nam đã xuất khẩu tới 200 quốc gia và vùng lãnh thổ là minh chứng rõ nét cho thành công này.
Tuy nhiên, nông nghiệp nước nhà cũng đang đứng trước rất nhiều khó khăn, thách thức: Diện tích đất sản xuất bị thu hẹp, nhu cầu lương thực, thực phẩm gia tăng, trong khi nhiều địa phương chưa quan tâm đúng mức đến phát triển bền vững. Thực tế cho thấy, lượng tồn dư trong thức ăn chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, việc sử dụng quá mức phân bón vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật hóa học… vẫn là vấn đề “nóng”, gây rủi ro, nguy hại cho môi trường, tác động trực tiếp đến đời sống người dân.
Để hóa giải những khó khăn, thách thức, xây dựng nền kinh tế xanh, phát triển nông nghiệp xanh, hình thành nếp sống hài hòa giữa con người và tự nhiên…, trước hết ngành Nông nghiệp và các địa phương cần tạo đột phá mới bằng hệ thống giải pháp đồng bộ, phát triển nông nghiệp sinh thái theo hướng đa giá trị, đa ngành, lồng ghép các giá trị kinh tế, xã hội, môi trường… Cùng với đó là tận dụng tối đa ưu thế tự nhiên của các vùng miền cho phát triển nông nghiệp, bảo đảm sự tương tác với môi trường sinh thái.
Mặt khác là tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào các dự án nông nghiệp, làng nghề… định hướng thị trường, thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ, dẫn dắt sản xuất. Thông qua các hoạt động liên kết, doanh nghiệp, hợp tác xã và người nông dân cùng nâng cao trách nhiệm với mỗi sản phẩm của mình, cũng như nhận thức rõ các vấn đề về môi trường, xã hội. Từ đó phát triển một nền nông nghiệp có giá trị gia tăng cao.
Các địa phương cần tạo dựng những vùng sản xuất chuyên canh, quy mô lớn, được chuẩn hóa với những quy trình canh tác chặt chẽ; đồng thời chuyển đổi số để khớp nối thông tin giữa sản xuất và tiêu thụ, qua đó truy xuất được nguồn gốc sản phẩm. Đây chính là yếu tố hàng đầu để định vị một nền nông nghiệp xanh. Và điều quan trọng nhất là các nhà quản lý và người dân cần đổi mới tư duy, nhận thức, chủ động thúc đẩy kinh tế xanh, tăng trưởng xanh, tiêu dùng xanh…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.