Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nông nghiệp công nghệ cao vùng bãi: ‘’Cuộc chơi’’ khó với ‘’3 không’’

Bạch Thanh| 28/09/2022 06:09

(HNM) - Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao mang lại nhiều lợi ích nhưng cũng là sự đầu tư mạo hiểm với các hợp tác xã, doanh nghiệp, hộ sản xuất bởi nguồn vốn đầu tư lớn, thị trường chưa chuyên nghiệp… Đặc biệt, với nông dân, hợp tác xã vùng bãi ven sông của Hà Nội, “cuộc chơi” nông nghiệp công nghệ cao còn khó khăn gấp bội bởi không có bất kỳ cơ sở pháp lý nào để gây dựng mô hình. Nói như lãnh đạo các địa phương là “3 không”: Không được chứng nhận quyền sử dụng đất, không được phép xây dựng cơ sở hạ tầng, không được tiếp cận vốn…

Vùng trồng rau đất bãi xã Văn Đức (huyện Gia Lâm) chưa có mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Ảnh: Trung Hiếu

“Trắng” công nghệ cao vùng đất bãi

Chỉ tính riêng vùng bãi sông Hồng của Hà Nội đã có hàng chục ngàn héc ta đất bãi màu mỡ, trù phú, đủ điều kiện canh tác nông nghiệp.

Bà Nguyễn Thị Tâm - hộ trồng rau tại Văn Đức (huyện Gia Lâm) cho hay, các hộ trồng rau từng có ý định gom đất, phát triển mô hình rau trong nhà lưới, nhà kính, nhưng ý định này không thể thực hiện vì theo quy định không được xây dựng kiên cố trên vùng đất bãi.

“Những năm qua, xã Văn Đức được quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, nhiều cánh đồng giao thông nội đồng được bê tông hóa, xe tải (thu hoạch rau màu) xuống tận ruộng. Tuy nhiên, nhiều hợp tác xã và hộ dân có tiềm lực lớn muốn đầu tư nông nghiệp công nghệ cao vào sản xuất nhưng xã không dám cho phép bởi phải xin thủ tục qua nhiều cấp, nhiều đơn vị liên quan, rất khó khăn và đều không khả thi. Đến nay, trên địa bàn xã chưa có mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nào bài bản”, Chủ tịch UBND xã Văn Đức Trần Xuân Điệu trăn trở.

Hiện, nhiều vựa rau ở các huyện có đất bãi ven sông màu mỡ thích hợp cho phát triển rau màu, cây ăn quả cũng trong tình trạng tương tự. Chị Đỗ Thị Ánh ở thôn Duyên Yết (xã Hồng Thái, huyện Phú Xuyên) - hộ trồng hơn 30 mẫu rau trên vùng đất bãi chia sẻ, có lợi thế lớn, không khí trong lành, đất đai màu mỡ, dễ dàng tích tụ ruộng đất nhưng muốn phát triển nông nghiệp công nghệ cao trên vùng đất bãi ngoài khó về cơ chế chính sách, không đủ điều kiện vay vốn do không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì hạ tầng khác như giao thông nội đồng, đường điện cũng rất hạn chế, mới chỉ đáp ứng 30-40% nhu cầu sản xuất...

Theo Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Đan Phượng Nguyễn Thị Thu Hiền, khi hầu hết diện tích đất nông nghiệp chuyển sang phát triển đô thị, giao thông, huyện định hướng các vùng nông nghiệp chuyên canh chuyển dần ra vùng đất bãi. Huyện đã có chủ trương đấu giá vùng đất bãi (như Trung Châu) cho các đơn vị có nhu cầu phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Tuy nhiên, thủ tục pháp lý về hành lang thoát lũ, hành lang đê điều… là rào cản lớn trong lĩnh vực này.

Gỡ khó từ chính sách đất đai

Để tháo gỡ khó khăn, theo Chủ tịch UBND xã Văn Đức Trần Xuân Điệu, cơ quan chức năng nên “cởi trói” cho các vùng đất bãi đã ổn định sản xuất nông nghiệp nhiều năm, đã đầu tư hạ tầng giao thông nội đồng, được phép xây dựng nhà màng, nhà lưới và có quy định, hướng dẫn chi tiết về độ cao của nhà màng, nhà lưới, nguyên vật liệu được phép sử dụng trong xây dựng mô hình nông nghiệp công nghệ cao… Việc hạn chế mô hình nông nghiệp công nghệ cao vùng đất bãi chỉ nên giới hạn 500m tính từ mép sông là hợp lý, từ 500m đổ về phía trong sẽ được phép áp dụng kỹ thuật vào canh tác, ứng dụng công nghệ cao để nâng cao hiệu quả sản xuất.

Ở góc độ khác, bà Nguyễn Thị Nhung, Phó Giám đốc Hợp tác xã Rau củ quả sạch Vinh Hà (huyện Phú Xuyên) chia sẻ, để hình thành vùng rau chất lượng cao tại vùng đất bãi, rất cần các bên cùng vào cuộc và Nhà nước hỗ trợ về bảo hiểm nông nghiệp sao cho khi gặp rủi ro về thiên tai, nông dân sẽ có lực vực dậy. Mặt khác, đất nông nghiệp vùng bãi đều không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên khi người dân tích tụ đất đai, phát triển mô hình chuyên canh 1-5ha, rất mong chính quyền xác nhận về quyền sử dụng, quyền thuê có thời hạn ít nhất là 5-10 năm, qua đó, người dân có cơ sở vay vốn trung hạn để đầu tư.

Về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Mạnh Phương cho biết, thời gian tới, các vùng rau, hoa quả công nghệ cao của Hà Nội hướng mạnh tới vùng đất bãi bởi không vướng quy hoạch về giao thông, đô thị; dư địa đất đai lớn, màu mỡ, nông dân có kinh nghiệm sản xuất... Để đạt hiệu quả tốt nhất, rất cần thành phố, các ngành liên quan và các địa phương ưu tiên hỗ trợ nguồn vốn phát triển giao thông nông thôn, thủy lợi, điện lưới; có cơ chế, chính sách phù hợp, tạo điều kiện thu hút các doanh nghiệp thu mua, chế biến nông sản; hỗ trợ về thị trường tiêu thụ, cung ứng giống, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật. Đặc biệt, khi Luật Đất đai mới có hiệu lực, cần có chính sách thỏa đáng cho vùng đất bãi, giúp hợp tác xã, nông dân yên tâm đầu tư công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nông nghiệp công nghệ cao vùng bãi: ‘’Cuộc chơi’’ khó với ‘’3 không’’

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.