(HNM) - Hội Nông dân (ND) Việt Nam đã phát động phong trào
Chỉ tính riêng năm 2010, các cấp hội đã vận động ND đóng góp trên 900.000 ngày công, trên 400 tỷ đồng sửa chữa và làm mới hàng chục nghìn kilômét đường giao thông nông thôn, trên 9.000km kênh, mương nội đồng; ngoài ra, hàng ngàn ND đã tình nguyện hiến hàng chục ngàn mét vuông đất để xây dựng các công trình công cộng.
Nghề trồng hoa ở xã Tây Tựu, huyện Từ Liêm mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Trung Kiên
Theo Phó Chủ tịch Hội ND Việt Nam Nguyễn Duy Lượng: Nâng cao thu nhập cho ND là một trong những tiêu chí quan trọng trong xây dựng NTM. Nếu không chăm lo phát triển kinh tế, nâng cao mức sống cho ND thì ND không thể phát huy được vai trò "chủ thể" trong phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM. Xác định rõ đây là tiêu chí quan trọng, Hội ND Việt Nam chủ trương phải tổ chức lại SX và chỉ đạo các cấp hội tổ chức thực hiện. Đây cũng là đóng góp quan trọng nhất của Hội ND trong xây dựng NTM thời gian qua. Các cấp hội đã tích cực tuyên truyền, vận động ND tham gia dồn điền đổi thửa (DĐĐT), tổ chức lại SX, đưa nghề mới về nông thôn góp phần nâng cao thu nhập.
Tại các xã làm điểm xây dựng NTM của trung ương, các cấp hội ND đã tập trung vận động hội viên DĐĐT được hàng nghìn héc ta; đưa các loại cây, con giống cho năng suất, giá trị cao vào SX, nâng cao giá trị trên một héc ta đất canh tác. Sau 2 năm, tại 11 xã làm điểm đã xây dựng được gần 200 mô hình, dự án SX nông nghiệp, TTCN, dịch vụ. Mỗi xã có từ 4 đến 5 mô hình SX hiệu quả trên cơ sở phát huy lợi thế của từng vùng, miền. Xã điểm NTM Tam Phước (Quảng Nam) đã hoàn thành DĐĐT 460ha, trong đó đã tổ chức SX 359ha lúa giống và lúa chất lượng cao, tăng 2 lần về giá trị so với trước đó. Xã đã hình thành vùng SX dưa hấu 225ha, thu nhập bình quân của ND tăng 20-25% so với năm 2008. Tại xã Tân Hội (Lâm Đồng), từ khi triển khai xây dựng NTM đã hình thành nhiều vùng SX tập trung, như vùng SX cà phê 115ha, dưa hấu 250ha, chuyển đổi một phần diện tích trồng lúa thu nhập thấp sang trồng rau, hoa cho giá trị cao… Bình quân thu nhập đạt 210 triệu đồng/hộ/năm.
Tại Hà Nội, ngoài kết quả đạt được từ xã Thụy Hương, đơn vị điểm của trung ương, tại 19 xã đang triển khai xây dựng NTM của thành phố, ND đang ra sức thi đua SX, kinh doanh giỏi nâng cao đời sống. Phó Chủ tịch Hội ND Hà Nội Vũ Thúy Lan cho biết, thực hiện chương trình xây dựng NTM, các cấp hội ND đã tích cực vận động hội viên chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, DĐĐT, ứng dụng KHKT vào sản xuất. Nhiều xã đã xây dựng các mô hình kinh tế trong nông nghiệp. Điển hình như mô hình trồng RAT ở xã Song Phượng (Đan Phượng); gieo sạ lúa bằng giàn kéo tay thẳng hàng ở xã Mai Đình (Sóc Sơn), Liên Mạc (Đông Anh)...; trồng hoa ở xã Tây Tựu (Từ Liêm); chăn nuôi xa khu dân cư, trồng lúa chất lượng cao, nuôi trồng thủy sản ở xã Hồng Dương (Thanh Oai)… bước đầu đem lại hiệu quả.
Các cấp hội còn khai thác mọi nguồn vốn giúp ND đầu tư SX, nâng cao thu nhập. Đến nay, riêng Quỹ Hỗ trợ ND cả nước đã cho 72.750 hộ vay 631.821 triệu đồng đầu tư sản xuất. Ngoài ra, các cấp hội còn giúp gần 3 triệu hộ ND được vay các nguồn vốn ngân hàng, chương trình, dự án khác với tổng dư nợ lên tới 43.688 tỷ đồng. Hàng trăm lớp dạy nghề nông nghiệp, phi nông nghiệp cho ND cũng đã được các cấp hội phối hợp tổ chức, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động trong nông nghiệp.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 673/QĐ-TTg về việc Hội ND Việt Nam trực tiếp thực hiện và phối hợp thực hiện một số chương trình, đề án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội nông thôn (giai đoạn 2011-2020). Để thực hiện hiệu quả sự chỉ đạo của Chính phủ, các cấp hội ND cả nước cần chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền cùng cấp chỉ đạo thực hiện và phối hợp với các sở, ban, ngành địa phương để triển khai nhiệm vụ phù hợp với khả năng của từng cấp hội và từng địa phương để xây dựng thành công mô hình NTM.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.