(HNM) - Câu chuyện ra đi hay ở lại Liên minh Châu Âu (EU) của nước Anh đã bắt đầu bước vào màn gay cấn khi Thủ tướng vừa mới tái cử David Cameron thực hiện chuyến công du tới một loạt quốc gia được cho là trụ cột ở Cựu lục địa từ ngày 28-5, nhằm mục đích vận động cho một cuộc cải cách quan trọng trong
Việc Anh có tiếp tục trở thành một mảnh ghép của EU hay không đang là dấu hỏi lớn. |
Theo lịch trình, ngày đầu của chuyến công du, Thủ tướng D.Cameron gặp người đồng cấp Hà Lan Mark Rutte tại Hague trước khi có bữa ăn trưa với Tổng thống Pháp Francois Hollande tại Paris. Ngày 29-5, "ông chủ" số 10 phố Downing sẽ thảo luận với Thủ tướng Ba Lan Eva Kopacz, sau đó bay tới Berlin để làm việc với Thủ tướng Đức Angela Merkel.
Theo các nhà phân tích, sứ mệnh của Thủ tướng D.Cameron trong chuyến đi này thật sự nặng nề khi một số nguồn tin cho biết, cả Tổng thống Pháp F.Hollande và Thủ tướng Đức A.Merkel ngay từ đầu đã bác bỏ những đòi hỏi từ London. Điều này lại không có gì mới vì lâu nay, bên cạnh những lợi ích của việc là một phần của thị trường chung 500 triệu dân, Anh là quốc gia duy nhất được giảm trừ tiền đóng góp cho ngân sách chung của khối. Nước Anh cũng là quốc gia không tham gia khu vực miễn thị thực Schengen lẫn khu vực đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone). Việc "đứng ngoài" nhiều lĩnh vực của EU là nguyên nhân khiến cho London đôi khi bị đánh giá là "lạc nhịp" so với đa số các thành viên.
Tới nay, Thủ tướng D.Cameron vẫn kiên quyết với lập trường nước Anh muốn tiếp tục ở lại EU. Tuy nhiên, cam kết tổ chức trưng cầu dân ý về vấn đề này lại là một yếu tố giúp ông có thể tái cử một cách ngoạn mục vào ngày 7-5 vừa qua. Chính vì vậy, nhiệm vụ của ông là phải làm thế nào để nhận được sự bảo đảm của các thành viên EU khác về những cải cách liên quan đến vấn đề nhập cư và phúc lợi xã hội. Ngoài ra, EU cũng phải trao cho xứ Sương mù một số chính sách ưu tiên riêng. Song các nhà lãnh đạo chủ chốt Châu Âu dù khẳng định sẵn sàng lắng nghe và thương thuyết với Anh, nhưng cảnh báo sẽ có "giới hạn đỏ" trong việc đàm phán với Thủ tướng D.Cameron. Như thế có nghĩa là EU muốn giữ Anh ở lại nhưng không phải bằng mọi giá.
Nhiều ý kiến cho rằng, đây là một "cuộc chiến cân não" thực sự giữa nước Anh và toàn bộ EU. Nếu thất bại cả hai bên đều sẽ phải hứng chịu những cơn địa chấn không hề nhẹ. Trước mắt, việc Anh rút khỏi EU như nhiều người vẫn gọi là "Brexit" chắc chắn sẽ gây ra những hậu quả to lớn về kinh tế. Mới đây, cơ quan nghiên cứu Open Europe đã đưa ra một số kịch bản có thể xảy ra nếu Anh "tạm biệt" EU. Tình huống thứ nhất, được miêu tả như một sự ra đi "không thân thiện". Anh có thể ban bố các chính sách siết chặt nhập cư và đóng cửa giao thương. Do đó, thiệt hại cho London sẽ vô cùng lớn với khoảng 51,2 tỷ USD cho chính sách kiểm soát biên giới và thuế cho các mặt hàng như ô tô và thực phẩm của Anh ra nước ngoài cũng có thể tăng lên khoảng 30 tỷ USD. Tình huống thứ hai sẽ là mô hình giống với Thụy Sĩ khi xứ sở Sương mù thương lượng để có một thỏa thuận tự do thương mại với Châu Âu nhằm bảo đảm hàng hóa nước này vẫn có thể tự do vào thị trường EU. Tuy nhiên, cách này vẫn bao gồm chính sách kiểm soát chặt chẽ biên giới, điều khiến GDP của Anh thiệt hại 0,8%. Kịch bản tuyệt vời nhất cho Anh sẽ là "thỏa thuận thương mại tự do một phía", mang lại cho phía London 51 tỷ USD mỗi năm. Thế nhưng, cách này chắc chắn sẽ gây ra nhiều ý kiến trái chiều trong nội bộ Quốc hội Anh, do những người ủng hộ rời EU luôn muốn hạn chế giao lưu kinh tế và nhập cư với liên minh này.
Trong khi đó, đối với EU, việc Anh ra đi sẽ làm mất đi khoảng 21 tỷ USD tiền đóng góp thường niên của London vào ngân sách chung của khối. Nghiêm trọng hơn, viễn cảnh đó sẽ khiến cho niềm tự hào của EU bấy lâu về tiến trình nhất thể hóa Lục địa già sụp đổ, đồng thời gây ảnh hưởng tới tâm lý của các nước thành viên còn lại.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.