(HNMO) - Đi trên đường Xã Đàn rộng lớn từ ngã tư Kim Liên (xưa gọi là Ô Đồng Lầm) đến Ô Chợ Dừa, nhiều người thường nhớ câu ca dao về hai làng cổ Kim Hoa (tên cũ của Kim Liên) và Trung Tự - Đông Tác ở ven đường:
Đồng Lầm có vải nâu non,/Có hồ cá rộng có con sông dài.
Và: Quê hương thế đất Phượng Hoàng,/Thọ Xương Đông Tác mơ màng lòng ai!
(Xưa kia, hai làng thuộc huyện Thọ Xương, phủ Phụng Thiên tức kinh thành Thăng Long)
Bia đá hình hộp ở đình Trung Tự (cũng là nơi đặt hòm thư bí mật của ta trong kháng chiến chống Pháp) |
Những lời thơ khá gợi cảm về một miền quê từng nổi tiếng về nghề nhuộm và có nhiều điều “làm mơ màng lòng ai”! Ấy vậy mà người dân nơi đây đã nhiều năm vất vả vì ảnh hưởng không hay của mấy chuyện kỳ lạ mà dai dẳng: Kim Hoa có một ông trạng qua đình không hạ mã, bị dân không nhận là người làng nữa. Ông bèn cùng họ hàng sang bên kia thành Đại La lập làng mới là Trung Tự. Từ đó hai làng cắt quan hệ, gồm cả không gả con cho nhau. Bên A ném cối đá xuống giếng, bên B chở đinh về đóng vào cây cổ thụ và thề: khi nào cối nổi lên, đinh rút khỏi cây thì mới giao hiếu.
Sau Cách mạng tháng Tám, quan hệ hai làng đã tốt lên nhiều. Tiếc rằng khi có người tưởng các chuyện trên là thật, vô tình đưa lên sách báo thì những định kiến xưa đã như được gợi lại, không lợi cho việc gắn kết chặt chẽ giữa hai làng nay đã hợp thành một phường mới là Phương Liên.
Về làng sau nhiều năm công tác xa, khi biết tình hình tôi bèn ra sức tìm cho được các tư liệu xác thực để góp phần đính chính. Thật mừng xiết bao khi cuối cùng cũng phát hiện được mấy văn bản pháp quy có liên quan, vẫn ẩn kín hàng trăm năm nay trên hai bia đá lớn và dày nằm úp lên nhau trông tựa cái hộp (nên được gọi là bia hộp) ở đình Trung Tự. Ban Bảo vệ di tích cho biết đây không những là một di vật văn hóa rất hiếm mà còn là một kỷ vật kháng chiến rất quý, nơi đặt hòm thư bí mật của lực lượng vũ trang Hà Nội trong kháng chiến chống Pháp. Sau khi toàn bộ văn bia được nghiên cứu cẩn trọng, kết hợp với tra cứu các sách sử và phả ở hai làng, lịch sử cả một thời kỳ gian khổ của Trung Tự và nguyên nhân của những chuyện bịa đặt đã hiện lên rõ.
Cuối thế kỷ 16 đầu 17, một vị quan lớn đóng quân ở tây bắc làng Trung Tự, phường Đông Tác đã cậy thế ức hiếp làm cho cả làng phải bỏ sang trú nhờ ở làng Kim Hoa. Mãi bảy chục năm sau, người con ưu tú là Nguyễn Hy Quang sau khi kiên quyết vượt nghèo để học và đỗ Giải Nguyên, đã đoàn kết dân làng, kiên trì đấu tranh nên được triều đình đã xét xử, trả lại đất cho dân “trở về phục nghiệp” (văn bản pháp quy năm 1673).
Những thông tin có căn cứ khách quan trên chắc cũng đủ để bác bỏ hoàn toàn chuyện bịa đặt Trung Tự vốn là một bộ phận của Kim Hoa, vì mâu thuẫn mà tách ra lập làng mới. Cũng thừa đủ để chứng minh sự thân thiết giữa nhân dân hai làng ở cạnh nhau, dân Kim Hoa đã tận tình giúp dân Trung Tự bị mất đất bỏ nhà suốt 7 - 8 chục năm và nhiều gia đình hai làng đã mấy đời thông gia với nhau. Sách phả ở làng ghi rõ Đề Đốc Văn Phong hầu Phạm Công Túc người Kim Hoa đã gả con gái yêu cho học trò nghèo Nguyễn Hy Quang nói trên. Trò nghèo về sau đã thành một người hiền tài, có công lớn được phong Phúc Thần. Các thế hệ tiếp sau của Trung Tự có khá nhiều người tài đức được lưu danh sử sách, chắc chắn không bao giờ cho phép phạm vào sự thiêng liêng của tình thân lâu đời trên.
Vậy do đâu xảy ra trục trặc giữa hai làng? - Văn bản pháp quy năm 1677 (phán quyết của quan Hy Sát Ngự Sử) là minh chứng về việc một số ít người là kẻ cầm quyền tham nhũng ở Kim Hoa, định lợi dụng tình hình đất đai lúc đó phức tạp để chiếm một số khoảnh. Vụ việc đã qua được ở cấp huyện và phủ. Nhưng khi quan Ngự Sử tra xét thì bị vạch tội và chịu phạt nặng. Oán thù dân Trung Tự đã cung cấp chứng cứ, họ bèn cậy thế bịa chuyện và thề độc đánh vào tâm linh làm dân Kim Hoa sợ hãi phải nghe theo.
Sau khi có những thông tin về quan hệ xưa rất tốt đẹp giữa hai làng, tôi đã muốn đưa lên báo nhưng còn ngại một số người hiểu lầm. Mãi khi được khí thế cả nước góp sức xây dựng Thủ đô để mừng đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội thôi thúc, tôi mới gửi bài Câu chuyện làng cổ lên báo.
Điều vui mừng bất ngờ là chỉ mấy hôm sau đã nhận được lời động viên trên điện thoại của nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc, người trước đây đã góp ý khi tôi viết thông báo về Bia hộp đình Trung Tự: “Các thông tin có căn cứ vững chắc từ tấm bia hộp nay được ra dư luận rộng rãi chắc chắn sẽ góp phần bác bỏ mạnh mẽ các lời truyền sai lệch cũ về quan hệ giữa hai làng cổ có tiếng của Thăng Long - Hà Nội!”. Ít hôm sau, về dự lễ hội làng, khi biết tôi viết bài trên, các đồng chí Bí thư, Chủ tịch phường Phương Liên cũng nói: “Rất hoan nghênh bài báo của bác. Chắc rằng sẽ ảnh hưởng tốt đến sự đoàn kết xây dựng phường chúng ta”.
Với một người tuổi đã cao, trước đây chủ yếu quen với cây súng bảo vệ tổ quốc, việc cầm bút chỉ là tay trái, cùng với việc được tặng giải khuyến khích cuộc thi viết “Cả nước hướng tới 1000 năm Thăng Long - Hà Nội”, đây thật là sự động viên có ý nghĩa giúp tôi cố gắng tiếp tục phục vụ làng và nước tốt hơn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.