Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nội tạng động vật nhập lậu: Trôi nổi tràn lan

Nhóm PV NN-NT| 26/01/2010 07:11

(HNM) - Càng gần đến Tết Nguyên đán, hoạt động buôn lậu nội tạng động vật, nhất là các loại nội tạng gia cầm, lòng, tràng, tim, cật lợn… càng gia tăng ở các cửa khẩu. Đáng lo ngại là tang vật của hầu hết các vụ bị cơ quan chức năng phát hiện đều đang trong quá trình phân hủy, bốc mùi.


Nhức nhối vùng biên

Thu giữ nội tạng nhập lậu. Ảnh: Phong Lan


Trong những ngày đầu của đợt cao điểm tấn công tội phạm phòng chống buôn lậu dịp Tết Nguyên đán, Phòng PC36 Công an tỉnh Lào Cai phối hợp với lực lượng Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh phát hiện 4 vụ vận chuyển nội tạng động vật không rõ nguồn gốc, đang bốc mùi ôi thiu... Trước đó, tháng 12-2009, cơ quan chức năng của tỉnh Lào Cai đã phát hiện, bắt giữ hàng chục vụ buôn lậu nội tạng từ bên kia biên giới tuồn vào Việt Nam. Các đối tượng đều khai nhận mua số nội tạng trên từ Trung Quốc, vận chuyển về Hà Nội tiêu thụ theo đường tàu hỏa. Đầu tháng 1-2010, tỉnh Lào Cai đã tổ chức tiêu hủy 5,5 tấn nội tạng động vật không rõ nguồn gốc, đã bốc mùi ôi thiu.

Gần đây xuất hiện thủ đoạn buôn lậu nội tạng theo kiểu mới, tinh vi hơn. Đó là chuyển nội tạng về Việt Nam bằng đường biển, sau đó vận chuyển bằng xe khách, tàu ngược lên Lào Cai, qua biên giới để ướp hóa chất bảo quản rồi lại lộn trở lại trong nước để tiêu thụ. Theo ông Quyền Sinh Từ, Đội phó Đội Kiểm soát hải quan Lào Cai, mới đây đơn vị đã phát hiện một vụ nội tạng động vật đã bị phân hủy đang trên đường xuất ngược sang Trung Quốc. Lô hàng này gồm lòng, tim và bầu dục lợn. Nhưng theo ông Từ, mặc dù lòng lợn đã bốc mùi rất nặng nhưng nếu nhìn vẫn thấy khô ráo, tươi như vừa được giết mổ. Hóa chất này chưa được cơ quan chức năng xác định thành phần nhưng theo nhiều người kinh doanh mặt hàng tươi sống tại các chợ, đây cũng chính là loại hóa chất được dùng để tẩy mòn cá mực đã bị ôi thiu và bốc mùi (như báo chí từng phản ánh).

Hà Nội có chặn được?

Một tay phe chuyên bán nội tạng ở chợ Hà Đông cho biết: Nội tạng động vật bán chạy nhất vào dịp cuối năm, bán lẻ tại chợ không được là bao, mỗi ngày chỉ được 5-7kg, còn chủ yếu là giao cho các nhà hàng, quán lẩu, quán nhậu vỉa hè… Khi được hỏi nguồn gốc của các sản phẩm này, người bán hàng trả lời quanh co là lấy ở lò mổ Đồng Mai (Hà Đông). Trong khi thực tế mỗi ngày lò mổ lớn ở Đồng Mai giết mổ từ 20-50 con, tương đương với 80-140kg nội tạng.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hầu hết số nội tạng có nguồn gốc từ Trung Quốc nhập lậu về Hà Nội được tẩm ướp, chế biến thành các món nướng vì khi có gia vị và được nướng chín sẽ át mùi ôi thiu. Những lô hàng chưa phân rã, chưa thối do được bảo quản bằng hóa chất sẽ được chuyển vào quán lẩu, cháo lòng… vì nếu chỉ có số thịt lợn, thịt gia cầm cung cấp cho các chợ Hà Nội thì không thể đủ nội tạng cho thị trường.

Bộ NN&PTNT đã đề ra nhiều giải pháp ngăn chặn các loại nội tạng động vật tràn qua biên giới phía bắc. Cục Thú y và Cục Chăn nuôi phối hợp với hải quan các cửa khẩu tập trung kiểm tra, lấy mẫu kiểm nghiệm vệ sinh an toàn thực phẩm (vi sinh vật gây bệnh, dư lượng hóa chất, thuốc thú y, kim loại nặng) đối với thịt và sản phẩm từ thịt nhập khẩu. Nếu phát hiện lô hàng nào không bảo đảm, yêu cầu chủ hàng phải tái xuất, đồng thời có văn bản cảnh báo gửi cơ quan thẩm quyền nơi xuất xứ sản phẩm.

Thực tế khi bị phát hiện, các đối tượng thường khai rằng vận chuyển thuê cho một chủ hàng không quen biết qua số điện thoại... Bởi vậy, khi bắt giữ, lực lượng chức năng chỉ dừng lại ở mức độ tịch thu, tiêu hủy và ra quyết định xử phạt hành chính đối tượng vận chuyển. Trong khi đó, Chi cục Kiểm dịch động vật các vùng chỉ kiểm dịch nguồn động vật nhập chính ngạch luôn trong tình trạng ngồi chơi xơi nước. Hiện việc ngăn chặn các vụ buôn lậu nội tạng động vật vẫn do cơ quan hải quan và đội kiểm soát buôn lậu liên ngành.

Theo quy định, việc kiểm soát về chất lượng nội tạng động vật (lòng heo, gà, bò) cũng như các loại động vật nhập khẩu hiện nay thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ NN&PTNT. Ông Phùng Hữu Hào, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản cho rằng, việc kiểm soát nguồn thịt cũng như nội tạng động vật nhập khẩu đang gặp khó khăn, đó là chính sách mua bán hàng hóa giữa cư dân hai bên biên giới (chính sách biên mậu) theo Quyết định 254 của Chính phủ. Theo đó, mỗi người dân ở cửa khẩu được phép mua lô hàng trị giá dưới 2 triệu đồng mà không phải làm các thủ tục hải quan, đóng thuế. Lợi dụng kẽ hở, hầu như hàng hóa, thực phẩm hiện nay là nhập biên mậu. Các "cửu vạn" gánh hàng thuê xé lẻ các bao đựng nội tạng động vật để mang về điểm tập kết cho chủ hàng.

Trao đổi với phóng viên báo Hànộimới, ông Trần Trọng Bình, Trưởng phòng Cảnh sát môi trường- Công an thành phố cho biết: Nội tạng động vật nhập khẩu không bảo đảm ATVSTP gây nguy hại rất lớn đến sức khỏe người tiêu dùng. "Mặt hàng" này khi chuyển đến Việt Nam đều trong tình trạng thối, bốc mùi, sau khi được "tái chế" qua hóa chất sẽ thành tươi mới để người tiêu dùng khó có thể phát hiện được. Để bảo đảm ATVSTP trong dịp Tết, Phòng Cảnh sát môi trường sẽ tổng lực ra quân, chặn các đầu mối nhập hàng vào Hà Nội, triển khai phương án kiểm tra hàng nhập vào và phối hợp với ngành chức năng kiểm tra mặt hàng đông lạnh, các siêu thị, chợ lớn ngăn chặn mặt hàng nhập lậu không bảo đảm ATVSTP.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nội tạng động vật nhập lậu: Trôi nổi tràn lan

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.