(HNM) - Nằm khuất sâu bên trong đường Tú Xương, quận 3, là "mái trường" của gần 100 em nhỏ khuyết tật, mồ côi, nhiễm chất độc da cam... Và nơi ấy có hơn 20 giáo viên, bảo mẫu và y, bác sĩ đang ngày đêm nâng giấc cho những mảnh đời kém may mắn, với hy vọng tương lai các em sẽ được mở ra sau cánh cửa này. Đó là Trung tâm Bảo trợ xã hội trẻ em thiệt thòi.
Các em bé được chăm sóc tại trung tâm. |
Trong căn phòng rộng gần 100m2, hơn 50 trẻ sơ sinh được đặt trong những chiếc lồng ấp. Phần lớn các em đều bị suy dinh dưỡng, bại não nên các bảo mẫu ở đây có phần vất vả. Cô Hoàng Quý cho biết, chị là người có kinh nghiệm gần 30 năm nên mới có thể quán xuyến nổi, các bảo mẫu chia ca nhau trực, người ngủ, người thức chứ không thì chắc không thể chịu đựng được. Bởi chỉ riêng phần cho các cháu uống sữa, mỗi ngày đã đến chục lần, đó là chưa kể các chế độ chăm sóc dinh dưỡng đặc biệt khác. Chăm sóc các cháu này phải luôn lấy cái tâm làm đầu để thương yêu các cháu như chính con đẻ của mình thì mới có thể làm việc được. Theo bác sĩ - Giám đốc Trịnh Thị Kim Ngân, Trung tâm đang nuôi dưỡng 80 trẻ, trong đó có 30 em (độ tuổi từ 3 đến 6) ở bán trú, còn lại các em từ sơ sinh đến dưới 3 tuổi ở nội trú. Những em này được các trung tâm bảo trợ xã hội, các chùa chuyển đến, nhiều em bị bệnh đao, suy dinh dưỡng rất nặng nên phải tổ chức riêng một lớp giáo dục đặc biệt do 2 cô giáo và 1 kỹ thuật viên vật lý trị liệu đảm trách, giúp các em tăng cường nhận thức và ngôn ngữ. Nhờ có đội ngũ kỹ thuật viên được đào tạo bài bản, có kinh nghiệm; các bảo mẫu đều có kinh nghiệm từ 20 đến 30 năm, trải qua các khóa tập huấn chăm sóc trẻ chậm phát triển, nên những vấn đề phức tạp đều được giải quyết. Chính điều này đã giúp các trẻ bị đao, bại não... phục hồi mỗi năm đạt tỷ lệ đến gần 90%!
Thoạt nhìn cậu bé Châu Minh Hoàng, ai cũng nghĩ em chừng 3-4 tuổi, nhưng không ngờ năm nay Hoàng đã ở tuổi thứ 10. Vóc dáng còm cõi, nước da đen đúa, đôi tay gân guốc và hằn những vết lõm, nhưng trong đôi mắt em vẫn sáng lên niềm tin và sự lạc quan. Hoàng cho biết, em được chuyển đến đây từ năm 2005 trong tình trạng suy dinh dưỡng độ 3, suy thận và huyết áp cao, nên trung tâm phải đưa vào Bệnh viện Nhi Đồng 2 chữa trị. Bên cạnh đó, các bảo mẫu rất tận tình chăm lo cho em từng miếng ăn, giấc ngủ, còn các cô thì dạy chữ, dạy múa, hát... giúp em tự tin, quên đi bệnh tật. Cũng theo bác sĩ Ngân, đây là bệnh rất khó trị, chủ yếu trung tâm xây dựng chế độ ăn kiêng đặc biệt đáp ứng cho người vừa suy dinh dưỡng, suy thận, vừa bị huyết áp cao. Tuy nhiên, điều khó khăn nhất hiện nay là làm sao tìm kiếm nguồn kinh phí để thực hiện việc chạy thận mỗi tuần 2 lần cho em.
Ngoài việc chăm sóc sức khỏe, với 3 giáo viên phụ trách, hằng ngày, các em được học theo thời khóa biểu chương trình giáo dục mầm non để bảo đảm phát triển 5 kỹ năng (nhận thức, ngôn ngữ, tình cảm xã hội, thẩm mỹ và thể chất) như quy định. Qua 5 năm, trung tâm đã trở thành "cứu tinh" cho gần 800 trẻ em thiệt thòi trên khắp mọi miền đất nước. "Tất cả các em khuyết tật hay mồ côi đều có chung một cảnh ngộ là thiệt thòi, cần phải được quan tâm giúp đỡ, đó không chỉ là việc làm của riêng Trung tâm Bảo trợ xã hội trẻ em thiệt thòi, mà cần phải có sự chung tay của toàn xã hội" - bác sĩ Ngân bộc bạch.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.