(HNM) - Hiện, diện tích đất nông nghiệp của phường Phú Lãm (quận Hà Đông) chỉ còn 30% và sẽ thu hẹp nữa trong những năm tới.
Tiết mục biểu diễn của đội văn nghệ thôn Huyền Kỳ. |
Chủ tịch Hội Nông dân phường Phú Lãm Nguyễn Thị Hoạt nói rất thật: "Ở đây, người nông dân hăng hái lắm dù làng đã lên phố, xã đã thành phường và chưa phải là đã hết băn khoăn...". Mới đó mà công tác thu đồi đất, giải phóng mặt bằng, đô thị hóa… ở địa phương đã được gần chục năm. Trước những e ngại, cấn cá của người nông dân trong khi nhiều chủ trương, chính sách lại chưa đi vào cuộc sống, chính quyền địa phương đã xác định, tổ chức phong trào văn nghệ quần chúng sẽ tạo ra đời sống văn hóa tinh thần phong phú cho người dân trên địa bàn. Thế là tổ chức, chọn lựa người tham gia, chọn thời điểm tổ chức, tiết mục... sao cho mỗi tiểu phẩm, lời ca tiếng hát đều gắn với các chương trình cụ thể của địa phương và thành phố như việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, giữ gìn vệ sinh môi trường, không sinh con thứ 3, đền bù giải phóng mặt bằng, thu hồi đất, chuyển đổi nghề… Và mỗi khi có sự kiện lớn hoặc ngày kỷ niệm, ngày lễ, đoàn văn nghệ quần chúng ở cả 3 khu dân cư là Quang Lãm, Huyền Kỳ, Thanh Lãm lại hăng hái biểu diễn phục vụ. Ngày thường quen với mớ rau, con cá ngoài chợ, với ruộng đồng tất bật nhưng khi hóa thân thành các "nghệ sỹ" trên sân khấu, những nông dân thể hiện các nội dung gần gũi với chính đời sống thường nhật hết sức nhiệt tình. Có lẽ vì thế mà cả người tham gia văn nghệ lẫn những người yêu thích đoàn văn nghệ địa phương ngày càng đông. Các tiểu phẩm như "Vui ngày gặp mặt"; "Cuốn sổ nợ đời"… tuyên truyền về việc cưới, việc tang ở địa phương, các chính sách về thu hồi đất đai, giải phóng mặt bằng... đã được thể hiện hết sức thành công, góp phần khơi dậy tình yêu quê hương, đất nước, làm phong phú đời sống tinh thần cho người dân. Chị Hoạt nhớ lại: "Khi mới từ xã lên phường, đời sống nhiều gia đình bị xáo trộn, con cái sinh ra ăn chơi đua đòi, một số loại hình dịch vụ nhạy cảm cùng các tệ nạn xã hội xuất hiện... khiến chính quyền địa phương và các hội đoàn thể nhiều lúc đau đầu. Đời sống tinh thần của người nông dân địa phương lúc này cũng hết sức nghèo nàn, sân chơi, hoạt động của họ thực sự ít được quan tâm. Do đó, khi khơi trúng, đúng những thứ nông dân cần thì họ tham gia hăng hái, nhiệt tình lắm".
Chị Đỗ Thị Xuyên (khu dân cư Huyền Kỳ), quanh năm đầu tắt mặt tối với ruộng đồng, năm nay đã ngoài 50 tuổi nhưng dù bận thế nào vẫn dành thời gian cho niềm đam mê ca hát. Chị thường xuyên tham gia các hoạt động văn nghệ do Hội Nông dân phường tổ chức, trở thành một trong những hạt nhân của phong trào. "Sau những giờ làm việc căng thẳng, vất vả ban ngày, tối đến, chúng tôi tụ họp, cùng nhau cất lên tiếng ca ngọt ngào sâu lắng, dạo lên những khúc đàn rộn rã tươi vui. Chúng tôi đến với các CLB của địa phương như một niềm vui trong cuộc sống" - Chị Xuyên khẳng định.
Có một điều thú vị ở Phú Lãm nữa là không chỉ với văn nghệ, người nông dân ở đây rất tích cực tham gia các CLB do địa phương xây dựng trên tinh thần phù hợp với sở trường, điều kiện riêng. Thế nên, các CLB sinh hoạt văn hóa xã hội ở địa phương hết sức sôi động, cả 3 thôn đều có CLB cầu lông với gần 100 người tham gia, sinh hoạt đều đặn. Các CLB không sinh con thứ 3, CLB nông dân với pháp luật… cũng thu hút nhiều nông dân tham gia. Đáng nói là các CLB mang tính chuyên biệt nhưng không tách rời nhau và quan trọng hơn cả là người nông dân thấy mình được "tỏa sáng", được quan tâm và "thăng hoa" trong đời sống tinh thần qua những hoạt động như thế!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.