(HNM) - Bên cạnh việc cải tạo, nâng cấp nhiều tuyến đường khang trang, hiện đại, trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện vẫn tồn tại các con đường “đau khổ” với sự xuống cấp ngày càng trầm trọng. Thực trạng này không chỉ gây bức xúc cho người tham gia giao thông mà còn là nỗi niềm khó kể thành tên của các hộ dân sống trong khu vực.
Đường xuống cấp kéo dài
Một trong những con đường “đau khổ” kéo dài lâu nhất có lẽ là đường Nguyễn Cảnh Dị (quận Hoàng Mai). Từ năm 2005, đây là đoạn đường nằm trong ranh giới quy hoạch khu đô thị Bắc Đại Kim mở rộng, nhưng đến nay vẫn “dậm chân tại chỗ” với những ổ gà chằng chịt khắp tuyến đường. Mỗi lần đi xe máy qua đoạn đường này, anh Đỗ Anh Tuấn, người dân phường Định Công (quận Hoàng Mai) rất bức xúc vì những vũng nước đọng lâu ngày, nước bắn tung tóe. "Việc đi lại của chúng tôi rất khó khăn vì con đường xuống cấp đã tồn tại từ lâu...", anh Tuấn nói.
Cũng trên địa bàn quận Hoàng Mai, nhiều năm qua, người dân sống trên phố Định Công, đoạn tiếp giáp với đường Giải Phóng đã chịu nhiều vất vả do con đường dài hơn 1km đã xuống cấp trầm trọng. Ghi nhận thực tế của phóng viên Báo Hànộimới trong những ngày vừa qua cho thấy, bề mặt đường nhiều chỗ bong tróc, xuất hiện ổ gà, ổ voi khiến các phương tiện di chuyển khó khăn.
Trong 9 năm qua, người tham gia giao thông tại tuyến đường qua thôn Hữu Lê (chạy dọc sông Tô Lịch), đoạn cầu Hữu Hòa (huyện Thanh Trì) đến phường Kiến Hưng (quận Hà Đông) rất vất vả vì sự xuống cấp của con đường này. Chị Nguyễn Thị H., người dân thôn Hữu Lê (xã Hữu Hòa, huyện Thanh Trì) rất bức xúc vì đoạn đường luôn trong tình trạng bụi mù mịt khi nắng lên và lầy lội khi mưa xuống. "Ở đây, chúng tôi thường xuyên chứng kiến người tham gia giao thông bị ngã xe do đi qua ổ gà, ổ voi. Nếu tình trạng này kéo dài thì e rằng còn nhiều người bị ngã xe khi đi qua đây", chị H. chia sẻ.
Còn tại đoạn giao Thụy Khuê - Văn Cao kéo dài đến đường Bưởi trên địa bàn quận Tây Hồ cho thấy, các đơn vị thi công công trình hạ ngầm viễn thông nhưng hoàn trả mặt bằng không "đến nơi đến chốn" nên nhiều nắp cống gồ ghề so với mặt đường, nơi là hố rãnh rất nguy hiểm. Trên địa bàn quận Cầu Giấy, ghi nhận tại đường Nguyễn Xuân Linh cho thấy xuất hiện một số vết nứt mặt đường ngày càng to hơn trước, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông.
Để có những con đường an toàn
Đánh giá nguyên nhân tình trạng trên, ông Lê Anh Dũng (Hội Kiến trúc sư Hà Nội) cho rằng, do các phương tiện quá tải, quá khổ hằng ngày di chuyển trên các con đường dân sinh, lâu dần phá vỡ kết cấu mặt đường, tạo ra các vết nứt, ổ gà, ổ voi. Ngoài ra, do các đơn vị sau khi thi công các công trình ngầm như hạ ngầm cáp điện, cải tạo hệ thống thoát nước… đã không hoàn trả mặt bằng cẩn thận, nên chỉ một thời gian ngắn mặt đường bị hư hỏng.
Chia sẻ về vấn đề này, Trưởng phòng Quản lý đô thị quận Hoàng Mai Vũ Quỳnh cho biết, UBND thành phố đã có Thông báo số 456/TB-VP giao Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các sở, ngành thành phố có liên quan và UBND quận Hoàng Mai hướng dẫn chủ đầu tư trong công tác lập dự án để sớm đưa dự án vào triển khai, bảo đảm kết nối đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của khu đô thị. Hiện tại, Sở Kế hoạch và Đầu tư đang rà soát dự án và hướng dẫn Công ty cổ phần Kinh doanh phát triển nhà và đô thị Hà Nội lập dự án đầu tư tuyến đường.
Còn tình trạng phố Định Công xuống cấp là do hàng loạt dự án chung cư đưa vào sử dụng khiến người và phương tiện tham gia giao thông gia tăng đột biến. Hiện tuyến phố này do Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội quản lý. UBND quận Hoàng Mai kiến nghị Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội chỉ đạo các đơn vị tăng cường công tác duy tu; đồng thời sẽ nghiên cứu lập dự án thảm lại toàn bộ mặt đường, bảo đảm an toàn giao thông, mỹ quan đô thị.
Về sự chắp vá tại tuyến phố Thụy Khuê - Văn Cao, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Tây Hồ Nguyễn Anh Tuấn cho biết, đơn vị đã kiểm tra thực trạng và xác định có một số ổ gà trên đường gây khó khăn cho người đi lại. Việc hoàn trả mặt bằng của các công trình hạ ngầm viễn thông còn tạm bợ, không bằng phẳng nên gây đọng nước khi trời mưa. Ông Nguyễn Anh Tuấn khẳng định đã liên hệ với Ban Duy tu các công trình hạ tầng giao thông (Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội) đề nghị nhà thầu khắc phục ngay.
Được biết, Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội đã có nhiều văn bản đôn đốc, chấn chỉnh chủ đầu tư, nhà thầu các công trình giao thông phải khẩn trương hoàn trả mặt bằng, bảo đảm an toàn cho người tham gia giao thông. Ngoài ra, các địa phương cũng có kế hoạch sửa chữa các tuyến đường, đồng thời tăng cường giám sát, tiếp nhận phản ánh của nhân dân, sớm liên hệ với các đơn vị liên quan để khắc phục. Song về lâu dài, đề nghị các sở, ngành, địa phương quan tâm, sớm cải tạo, nâng cấp các tuyến đường đã hư hỏng kéo dài nhiều năm qua, trả lại cho người dân những con đường bảo đảm an toàn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.