(HNM) - Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, chúng tôi về tiếp quản Thủ đô, từ đấy sống, công tác và gắn bó thân thiết cùng Hà Nội. Năm 1954 dân số Thủ đô Hà Nội chắc chỉ vài chục vạn, phố phường sầm uất nhưng rất thưa người, thoáng đãng.
Những ngày nghỉ, chủ nhật, ngày lễ, chúng tôi rời khỏi doanh trại, ra đường phố, ra ngoại thành để đi chơi, dân vận hoặc lao động công ích ở các công viên, sông hồ. Đóng quân trong thành, nên chúng tôi hiểu biết khá rõ về khu B (Hoàng thành) và khu A (Cấm thành xưa), lại quen thuộc các ngõ ngách, khu phố cổ Hà Nội. Có điều thú vị khác, là gặp gỡ bà con, tiếp xúc với văn hóa, chúng tôi như đã trở thành công dân Hà Nội từ lâu, thấm nhiễm những tinh hoa lúc nào không hay.
Chiến tranh đến. Đi xa. Nỗi nhớ Hà Nội khôn nguôi, da diết, thật khó tả, dù anh ở Trị Thiên, Tây Nguyên, Nam bộ, Lào hay Campuchia...
Hồ Hoàn Kiếm, cầu Thê Húc luôn trong trái tim mỗi người Hà Nội. |
Người lính Trường Sơn nhớ về những gì cụ thể nhất: cầu Thê Húc, hồ Hoàn Kiếm với đài Nghiên, tháp Bút, tiếng còi tàu vào ra phía ga Hàng Cỏ; mùa thu lá vàng, sắc cờ đỏ trên quảng trường. Các mẹ, các chị, các em chấm nước mắt xúc động, vẫy tay tiễn đưa đoàn quân ra trận xa dần, con tàu khuất ngã tư Khâm Thiên, xuôi về Giáp Bát, về Nam…
Đó thường là những hình ảnh văn hóa. Da diết, lãng mạn, nó hằng ập đến trong những lúc gặp tình huống chiến đấu gian khổ ác liệt nhất, giữa hai trận đánh, lúc đêm khuya lặng im tiếng súng, trong giấc chiêm bao trên cánh võng... Lễ tết, những khi bất chợt bắt gặp một bông hoa tươi đẹp, còn nguyên vẹn trên trận địa, giữa vùng bom phát quang là nghĩ ngay đến Hàng Lược. Ngày ở Hà Nội, dù bận trăm công ngàn việc, chúng tôi vẫn thu xếp rủ nhau đi chơi chợ hoa vào một trong hai đêm 28, 29 tết, không đi coi như không có tết. Chiến trường cũng có tình yêu lứa đôi, có lễ thành hôn. Bàn ghế đắp bằng đất trong hầm nổi, trên đó những dãy ca chè rừng bốc hơi, những đĩa thuốc lá “Trường Sơn” quý hiếm, sang trọng, may mắn hơn là bao “Thăng Long”. Nhìn đám cưới mà chạnh lòng nghĩ ngay tới bánh cốm, bánh su suê hay “phu thê” (bánh vợ chồng) Hàng Than, Yên Phụ, lan man sang chè sen, chè nhài, mứt sen, bánh Trung thu Hàng Điếu. Những “cô dâu Trường Sơn” xanh xao trong bộ quân phục bạc màu, giá mà có được tà áo dài “Hà Nội phố” thì sẽ duyên dáng, xinh đẹp lắm chứ. Cứ nghĩ mà tiếc, tiếc là tiếc thế thôi. Một thời Hà Nội có quy định trường nào nữ sinh cũng phải mặc áo dài đi học, mỗi trường một màu, tan trường ra đường phố lóa lên những tà áo dài, màu xanh lam Trưng Vương, màu xanh da trời Tây Sơn. Trong gia đình những người phụ nữ từ trên gác xuống nhà là phải mặc áo dài, ra đường là mặc áo dài, những người lao động buôn bán thì tứ thân nâu nền nã.
Một hình ảnh hay xuất hiện trong nỗi nhớ là hồ Hoàn Kiếm, không hẳn vì đấy là biểu tượng của Thủ đô, mà còn vì kỷ niệm. Ngày đầu tiên về tiếp quản, chúng tôi đã dừng chân bên hồ. Những chủ nhật sau đó thì được đặt bước chân lên cầu Thê Húc, hồi hộp vào đền Ngọc Sơn, ăn kem lạnh Thủy Tạ giữa trưa hè nóng, nhìn ngắm tháp Rùa không chán. Những đêm dưới hầm bật đài bán dẫn, nghe nhạc hiệu cùng giọng đọc tha thiết: “Đây là Đài Tiếng nói Việt Nam, phát thanh từ Thủ đô Hà Nội...”, là bồi hồi, nghe câu “Hết rau rồi em có hái măng không” (Phạm Tiến Duật) thèm bát canh chua sấu đến cháy bỏng. Một thời đi tuần dưới “Hoa sấu rơi trắng phố phường” (Nguyễn Tuân), chúng tôi như đã được trùm bóng mát giữa trưa hè.
Lại có những nỗi nhớ thành cơn hành hạ, bắt đầu từ miệng, đầy hương và vị. Nào rượu làng Mơ, đậu phụ Thanh Trì nướng vàng, nào bánh cuốn Thanh Trì lá mỏng ăn với giò và nước mắm cà cuống, rau gia vị Láng, bún ốc, bún chả Thụy Khuê. Những ngày lao động giúp dân Nghĩa Đô, tuy vất vả mà chúng tôi đố nhau chộp bắt những chú dế mèn ngộ nghĩnh vẩy râu “thách thức”, thế là giờ lại nhớ đến “Dế mèn phiêu lưu ký” của bác Tô Hoài. Có những âm thanh may mà còn nhớ được, vì nay nó không còn. Đó là tiếng guốc lóc cóc trong đêm khuya, người phụ nữ đi chợ đầu đội thúng hoa, hai tay ôm hoa, tiếng lanh canh của xe điện ngày đêm trên phố, báo hiệu cho hành khách biết ga dừng, đỗ hay về bến gốc, giữa trung tâm bờ hồ Hoàn Kiếm và các cửa ô ra ngoại thành.
Nhưng trên hết, nỗi nhớ của người lính Trường Sơn là về cội nguồn sâu xa, lắng đọng từ cõi tâm linh về quá khứ, về hình ảnh cha ông, tiên tổ, về một kinh đô đã cùng dân tộc kiên cường đánh xâm lăng khác, để đất nước không bị “đồng hóa”, xóa tên. Thế kỷ XIII, giặc Nguyên hung bạo liên tiếp ba lần xâm lược nước ta đều phải rút chạy bạt vía kinh hồn. Đến nỗi Lính già từng trải mùi chinh chiến/Nghĩ đến Nam chinh, ủ mặt ngay (Nguyễn Trung Ngạn). Giặc Minh sang đánh ta phải xin hòa hai lần, sự kiện Nguyễn Trãi từng viết là “Cổ kim chưa nghe thấy”. Ngày 16-12-1427 tại cửa Nam thành Thăng Long, Vương Thông đứng trước Lê Lợi xin thề làm đúng hẹn, ngày 22 tháng Chạp (tức ngày 29-12-1427) xin nộp thành, đem quân về nước, nếu sai thì: “Trời đất... làm cho chết hết từ Thông đến cả nhà thân thích cùng cả quan quân”.
Đầu năm Kỷ Dậu (1789) Quang Trung đại phá quân Thanh, chỉ qua một đêm mà Thăng Long u buồn đã Đầy thành già trẻ mặt như hoa/Chen vai khoác cánh cùng nhau nói/Kinh đô vẫn thuộc núi sông ta. (Ngô Ngọc Du).
Với tâm linh âm vang lịch sử ấy, bao thế hệ người lính chúng tôi đã lập tiếp những chiến công vang dội, đánh Pháp, đuổi Mỹ, lật đổ chế độ tay sai, cùng đất nước bước sang giai đoạn mới. Vào thời điểm kỷ niệm Thăng Long - Hà Nội tròn nghìn tuổi, lại có câu nói “Khép lại quá khứ, hướng tới tương lai”. Đúng, khép lại quá khứ, hướng tới tương lai, nhưng không được quên quá khứ. Điểm tựa lịch sử, sức mạnh “Ngàn năm dồn lại hôm nay” đã thành quy luật, cần ôn lại, nhớ lại, nhắc lại quá khứ lịch sử, để chúng ta và các thế hệ con cháu kế tiếp, hôm nay và mai sau, ngày càng thấm đậm sâu sắc cái “giá” phải trả cho “độc lập, tự do”; cho “cửa mở” vào hành trình Đổi mới đất nước.
Văn hào Nga Xô viết Pautốpsky từng viết: “Cuộc sống sẽ mất hầu hết ý nghĩa, nếu như tuổi trẻ không biết đến công việc của những thế hệ trước mình”. Nhắc lại những nỗi nhớ trên để tin tưởng ở tương lai. Dân tộc ta đã có một quá khứ vẻ vang, nhất định sẽ thực hiện thắng lợi mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh” trên tầm cao mới.
Về cuộc thi viết “Cả nước hướng tới 1000 năm Thăng Long - Hà Nội” Cuộc thi còn chu kỳ chấm giải vào tháng 10-2010 với 1 giải nhất 10 triệu đồng, 2 giải nhì mỗi giải 5 triệu đồng, 3 giải ba mỗi giải 3 triệu đồng, 10 giải khuyến khích mỗi giải 1 triệu đồng. Chủ đề: Truyền thống Thăng Long - Hà Nội, kỷ niệm sâu sắc qua các thời kỳ, khuyến khích giai đoạn hiện tại, với những con người, sự kiện mới tiêu biểu cho sự nghiệp CNH-HĐH. Để nâng cao chất lượng, BTC quyết định điều chỉnh dung lượng bài dự thi: dài nhất được 2 kỳ, mỗi kỳ 2.000 từ; dùng cả những bài nêu vấn đề nhưng có hệ thống, không sa vào vụ việc cụ thể. Địa chỉ thư điện tử: thi1000nam@hanoimoi.com.vn. Rất mong sự hưởng ứng của bạn viết xa gần. BTC |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.