Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nói nhiều, chuyển biến ít

Đỗ Tâm| 19/03/2012 07:01

(HNM) - An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) - chuyện nói mãi vẫn thời sự bởi tính thiết thực, trực tiếp của nó đối với cuộc sống người dân. Song vấn đề này lại chuyển biến cực kỳ chậm chạp dù ai cũng bức xúc, cũng đòi hỏi một sự đổi thay.


Chúng ta đã có quá nhiều văn bản quy phạm pháp luật về ATVSTP, kể cả có tính pháp lý cao nhất là Luật An toàn thực phẩm, nhưng việc áp dụng vào thực tế sản xuất, kinh doanh và trong đời sống còn chậm, không đầy đủ do chính quyền, ngành chức năng chưa thực sự vào cuộc, nhiều nơi còn lơ là, buông lỏng quản lý.


Việc bảo đảm ATVSTP là giải pháp quan trọng nâng cao sức khỏe, phòng chống bệnh tật. Ảnh: Minh Nguyễn

Bước vào năm 2012, Hà Nội đã hưởng ứng tưng bừng Tháng hành động vì chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm do Bộ Y tế phát động ngay từ tháng 1 (kéo dài từ 10-1 đến 12-2) với mục tiêu nhằm giảm 10% số vụ ngộ độc thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán 2012 và trong thời gian diễn ra các lễ hội so với cùng kỳ năm 2011.

Thế nhưng diễn biến thị trường lại không yên ả như mong muốn của cơ quan có trách nhiệm. Ngày 14-2, Đội QLTT số 15 phối hợp với Công an quận Hoàng Mai tiến hành kiểm tra xe ô tô BKS: 30L-3667 đang giao nhận gà tại đường Vành đai 3, Yên Sở, Hoàng Mai, phát hiện trên xe chở 1.500kg gà lông không có hóa đơn chứng từ, không có giấy kiểm dịch động vật. Ngày hôm sau, Đội QLTT số 26 phối hợp với Công an quận Thanh Xuân kiểm tra 2 xe ô tô mang biển kiểm soát 99K-2028 và 33M-0610, lại phát hiện trên 2 xe này chở 980kg gà lông không có giấy kiểm dịch... Trong lúc các thông tin về dịch cúm gia cầm đang "nóng" từng ngày, các sự việc trên không khỏi khiến người tiêu dùng lo lắng.

Trong tháng 2 và nửa đầu tháng 3-2012, các đội QLTT của Hà Nội đã phối hợp với cơ quan y tế, thú y kiểm tra 90 điểm buôn bán, giết mổ gia súc, gia cầm, xử lý 12 vụ vi phạm. Cử cán bộ tham gia các chốt kiểm dịch, đã tiến hành phun thuốc khử trùng 1.435 lượt ô tô, xe máy, gần 400.000 con gia súc, gia cầm sống, kiểm tra, đóng dấu kiểm dịch hơn 18 tấn thịt, gần 25.000 con gia cầm giết mổ và hơn 209.000 quả trứng gia cầm... Kết quả này là cố gắng đáng ghi nhận của lực lượng QLTT thành phố trong điều kiện địa bàn rộng, người ít, việc nhiều lại liên quan đến nhiều cấp ngành, địa phương mà sự phối hợp cũng như nhận thức về công việc, biện pháp triển khai còn chưa có được sự thống nhất cao.

Cuối năm ngoái, ngày 26-10-2011, Thường trực HĐND thành phố đã tổ chức đoàn giám sát về tình hình thực hiện ATVSTP trên địa bàn. Dẫu cũng chỉ là "cưỡi ngựa xem hoa" song đánh giá chung là, thành phố vẫn chưa xây dựng được quy hoạch vùng rau an toàn; phần lớn lượng rau, củ quả tiêu thụ trên thị trường thành phố không được kiểm soát về chất lượng ATVSTP; tình trạng giết mổ gia súc, gia cầm ở các lò mổ tư nhân vẫn hầu như không được quản lý về ATVSTP; việc vận chuyển thịt gia súc, gia cầm tươi sống không tuân theo những quy định của thành phố diễn ra phổ biến... Tức là tất cả những nội dung của việc bảo đảm ATVSTP đều chưa thực hiện được!

Cụ thể, về kinh doanh, chế biến thực phẩm, hiện toàn thành phố có 58.203 cơ sở, song mới chỉ có 448 cơ sở được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh và 1.233 cơ sở được cấp giấy chứng nhận tiêu chuẩn sản phẩm; cấp quận, huyện cấp được 15.270 giấy chứng nhận tiêu chuẩn ATVSTP (đạt 52%). Phần lớn cơ sở sản xuất rượu, bia, nước giải khát, nước uống đóng chai có quy mô nhỏ, thủ công còn chưa thực hiện đầy đủ các quy định về ATVSTP... Về công tác kiểm tra chất lượng thực phẩm trên thị trường, hiện có tới 4,5 sở, ngành có trách nhiệm song lại đang ngành nào biết ngành ấy, hiệu quả, hiệu lực kiểm tra kiểm soát rất yếu. Việc xác định vi phạm đã khó, xử lý lại càng khó hơn vì chế tài chưa phù hợp. Tình hình vi phạm về chất lượng, ATVSTP diễn ra khá phổ biến ở hầu hết các địa phương. Ý thức trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm chưa cao, số sản phẩm đạt tiêu chuẩn ATVSTP còn quá ít so với nhu cầu tiêu dùng của nhân dân, nhận thức về ATVSTP của cấp chính quyền nhiều quận, huyện chưa đồng nhất. Đa phần chính quyền cấp xã, phường chưa chủ động, thiếu tích cực trong việc phối hợp với các cơ quan chức năng trong công tác quản lý ATVSTP ở địa phương... Tức là toàn những điều không cần giám sát cũng có thể thấy được bởi đang là thực tế hiện nay. Trong khi đó, có những vấn đề nghiêm trọng hơn rất nhiều thì lại không thấy cấp, ngành, địa phương nào quan tâm. Chẳng hạn, việc tưới tiêu hoặc làm tươi rau với nước bị nhiễm bẩn là con đường chính khiến rau bị nhiễm các vi sinh vật lây truyền qua thực phẩm, trong khi đó, chẳng có người bán rau nào có thói quen đi găng tay khi vận chuyển, rao bán rau xanh. Nguy cơ nhiễm khuẩn chéo với các thực phẩm khác cũng có thể xảy ra do đựng đồ chung chạ tại chợ… Hay như việc tối thiểu là nguyên tắc vệ sinh (như đi găng tay, vệ sinh trong đóng gói, bảo quản, tưới tiêu nước sạch…) liên quan đến chuỗi cung cấp thực phẩm cần được áp dụng từ nơi sản xuất (tại ruộng) đến nơi tiêu thụ (tại chợ) mới có thể hạn chế được các bệnh lây truyền qua đường thực phẩm, song thực hiện lại không đơn giản chút nào đối với hầu hết người bán hàng hay chế biến thực phẩm mà chưa có một chế tài bắt buộc nào.

Việc bảo đảm ATVSTP là giải pháp quan trọng nâng cao sức khỏe, phòng chống bệnh tật và phát triển đất nước. Chính vì thế, ngoài chương trình mục tiêu quốc gia ATVSTP triển khai theo giai đoạn, năm nào nước ta cũng có Tháng hành động với nhiều nội dung khá phong phú, được các địa phương hưởng ứng rầm rộ... song trên thực tế, việc kiểm soát, bảo đảm ATVSTP vẫn đang là một thách thức lớn. Vấn đề ATVSTP hiện vẫn chỉ trông chờ vào việc kêu gọi ý thức của người sản xuất, chế biến, kinh doanh và sự "thông thái" của người tiêu dùng, tức là đang còn rất thụ động và không thể ngăn ngừa, triệt tiêu được nguy cơ mất an toàn. Trả lời được câu hỏi về bảo đảm chất lượng, ATVSTP là quá khó hiện nay.

Năm 2011, cả nước có trên 634 nghìn cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm được kiểm tra, trong đó phát hiện trên 141 nghìn cơ sở có vi phạm về ATVSTP, chiếm 22,26%. Đáng lưu ý là 75,35% cơ sở vi phạm không bị xử phạt. Cơ quan chức năng các cấp đã xử lý hơn 34.800 cơ sở, bao gồm cảnh cáo hơn 24 nghìn cơ sở, phạt tiền trên 10 nghìn cơ sở với tổng số tiền phạt là 14 tỷ đồng.
Trong tháng 2 và nửa đầu tháng 3-2012, các đội quản lý thị trường của Hà Nội đã kiểm tra, xử lý 146 vụ vi phạm chất lượng, phạt tiền hơn 560 triệu đồng, tịch thu tiêu hủy hơn 100 lít dung dịch, hương liệu các loại, 20 gói đường hóa học tổng hợp, 3.180kg gà sống, 350kg sản phẩm động vật...
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nói nhiều, chuyển biến ít

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.