(HNM) - Một câu chuyện được quan tâm trong tuần cuối cùng chính thức kết thúc
Nói "chính thức" là bởi chiều 11-3, sau khi bị 2 thanh niên đi xe máy cướp giật túi xách trên đường Lương Hữu Khánh (phường Phạm Ngũ Lão, Quận 1, TP Hồ Chí Minh), chị Ali Aldoh đến Công an phường Phạm Ngũ Lão trình bày và đã được Trưởng Công an phường này xin lỗi vì sự việc đáng tiếc xảy ra. Nhưng đến chiều 16-3, một buổi gặp thân tình cùng lời xin lỗi chân thành chính thức được tiến hành.
Sau khi nghe Giám đốc Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh, lãnh đạo phường Phạm Ngũ Lão nói lời xin lỗi và nhận những tình cảm sẻ chia, nữ du khách Ai Cập xúc động bày tỏ: "Dù sự việc không hay xảy ra nhưng đó chỉ là hành động của 2-3 người, còn người dân rất thân thiện và giúp đỡ tôi rất nhiều. Tôi yêu người dân ở đây và hy vọng sẽ có dịp sang thăm cùng với bạn bè".
Nói về xin lỗi, không thể không nhắc tới việc ngày 13-5-2014, Công đoàn GT-VT Việt Nam phát động phong trào thực hiện văn hóa ứng xử giao tiếp "4 xin" (xin chào, xin lỗi, xin cảm ơn, xin phép) và "4 luôn" (luôn mỉm cười, luôn nhẹ nhàng, luôn thấu hiểu, luôn giúp đỡ) tới người lao động trong toàn ngành. Sau hai năm thực hiện phong trào này, Công đoàn GT-VT Việt Nam khẳng định, kết quả đạt được là hết sức tích cực. Phương châm "4 xin" và "4 luôn" đã trở thành nét đẹp văn hóa trong mỗi cán bộ, công nhân viên ngành GT-VT; góp phần tạo dựng nên những giá trị mới ở công sở, doanh nghiệp, chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc.
Cũng cần nói thêm, cách đây 8 tháng, khi triển khai kế hoạch thực hiện đổi mới thái độ phong cách phục vụ của cán bộ y tế, trong 7 giải pháp lớn đưa ra, Bộ Y tế cũng nhấn mạnh tới việc "nói lời xin lỗi" thành một yêu cầu "3 xin" (xin chào, xin lỗi, xin phép). Từ đó đến nay, giao tiếp ứng xử giữa y, bác sĩ với bệnh nhân đã có nhiều đột phá, chuyển mạnh từ "ban ơn" sang phục vụ, sự hài lòng của người bệnh đã tăng rõ rệt.
Tục ngữ Việt Nam có câu - "lời nói chẳng mất tiền mua…". Một lời xin lỗi có khi nhẹ như không rồi theo gió bay đi mất. Nhưng một lời xin lỗi cũng có thể làm thay đổi hẳn tình thế, cải thiện hẳn thực tiễn, nhất là khi nó được phát ra từ sâu thẳm trái tim.
Đã có những tín hiệu tích cực từ những lời xin lỗi chân thành.
Liệu có nên nhân rộng thành một "thước đo" trong các hoạt động của xã hội văn minh?
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.