(HNM) - Tại hội nghị tổng kết năm học 2010-2011 của ngành GD-ĐT tổ chức ở Đồng Tháp cuối tuần qua, mặc dù đánh giá cao nỗ lực của toàn ngành trong việc nâng cao chất lượng giáo dục, song Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cũng bày tỏ băn khoăn về sự tăng đột biến của tỷ lệ tốt nghiệp THPT, đặc biệt là ở hệ bổ túc THPT của một số địa phương.
Ngay khi kết quả tốt nghiệp được công bố, dư luận đã đặt ra những câu hỏi: Những con số đẹp ấy bắt nguồn từ đâu? Bao nhiêu phần trăm là thực chất và cuộc vận động "Hai không" liệu có quay trở lại vạch xuất phát?
Cao đột biến ở hệ bổ túc THPT, do đâu?
Các thí sinh trao đổi bài thi tại kỳ thi tốt nghiệp THPT và GDTX năm học 2010-2011. Ảnh: Quý Trung – TTXVN
Được "cải thiện" nhiều nhất, khiến dư luận sốc nhất trong kết quả tốt nghiệp năm 2011 là ở hệ bổ túc THPT. Với tỷ lệ đỗ 85,47% cao hơn năm 2010 18,76%, mức tăng tỷ lệ đỗ tốt nghiệp ở hệ bổ túc gấp gần 6 lần so với hệ THPT (3,15%). Có những nơi có tỷ lệ đỗ tăng chóng mặt, như Điện Biên đạt 91,17% tăng 70,12%; Kiên Giang 86,85%, tăng 67,46%; Ninh Thuận 76,81%, tăng 63,49%; Cần Thơ 69,19%, tăng 53,71%; Sóc Trăng 68,28%, tăng 52,56%; Đồng Tháp 81,56%, tăng 49,62%…
Lý giải cho tỷ lệ đỗ cao của hệ bổ túc THPT, giám đốc một số trung tâm giáo dục thường xuyên (GDTX) cho biết: Đó là do các thí sinh (TS) được cộng điểm khuyến khích. Năm học 2010-2011, tỷ lệ học viên bổ túc tham gia học nghề phổ thông và tin học, ngoại ngữ nhiều nơi lên đến gần 100%. Mức điểm tối đa mà các học viên này được cộng là 4 điểm (2 điểm khi đạt bằng nghề loại giỏi, 1 điểm khi có chứng chỉ ngoại ngữ trình độ A và 1 điểm cho chứng chỉ tin học trình độ A). Mức điểm này không chỉ cứu nguy cho nhiều TS ngấp nghé trượt mà còn giúp cho không ít TS "thăng hạng", từ loại trung bình lên khá, hoặc từ khá lên giỏi.
Tuy nhiên, những lý giải ấy vẫn khó làm yên lòng dư luận khi có tới 16 địa phương có tỷ lệ đỗ ở hệ bổ túc THPT cao hơn hệ THPT - một điều rất hiếm xảy ra khi mọi điều kiện phục vụ dạy - học như cơ sở vật chất trường lớp, trang thiết bị, đội ngũ cán bộ, giáo viên của các trung tâm GDTX còn cách xa so với các trường THPT. Ngay ở Hà Nội, bên cạnh nhiều giải pháp về bồi dưỡng HS yếu kém; đổi mới phương pháp dạy học theo sát chuẩn kiến thức kỹ năng, năm học qua, các trung tâm GDTX còn được đầu tư tới hơn 100 tỷ đồng… song tỷ lệ tốt nghiệp cũng chỉ tăng 12%.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cũng đã thừa nhận với báo giới khi số lượng vi phạm Quy chế thi của hệ bổ túc THPT năm 2011 cao gấp 3,5 lần so với ở hệ THPT (trong khi số lượng TS hệ bổ túc THPT chỉ chiếm 1/9 trong tổng số TS dự thi) có nguyên nhân từ việc dạy - học ở hệ này còn nhiều hạn chế. Theo ông, nếu ý thức học tập nghiêm túc thì sẽ tự tin, yên tâm làm bài, còn học chưa tốt thì sẽ vẫn còn loay hoay… Nhận xét này của Thứ trưởng Bộ GD-ĐT có thể hiểu rằng, chuyện vi phạm quy chế ở hệ bổ túc phản ánh chất lượng người dự thi và dù số thí sinh bị xử lý nhiều song kỷ luật phòng thi tại kỳ thi này có thể là lý do chính dẫn đến kết quả thi cao bất thường.
Kiểm tra lại tỷ lệ tốt nghiệp trước ngày 30-8
Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, lãnh đạo Bộ GD-ĐT và các địa phương sẽ phải phân tích kỹ kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2011, đặc biệt lưu ý đến những bất thường ở hệ bổ túc THPT. Bộ GD-ĐT phải sớm có kế hoạch rà soát, chấm phúc khảo để có kết luận chính thức về kết quả thi tốt nghiệp và báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30-8-2011. Phó Thủ tướng yêu cầu sau khi xem xét, nếu khẳng định kết quả này phản ánh đúng thực chất thì cần phát huy. Các địa phương có kết quả tốt cần chứng minh với xã hội khả năng của mình, song nếu nơi nào có sai sót, phải nghiêm khắc nhận lỗi và sửa chữa.
Thống kê của Bộ GD-ĐT cho thấy, tuy tỷ lệ tốt nghiệp trung bình ở hệ THPT của toàn quốc năm 2011 chỉ tăng 3,15% so với năm 2010, song lại xuất hiện nhiều địa phương có mức tăng đến khó tin như Điện Biên từ vị trí đội sổ năm 2010 nay nhảy vọt lên đứng thứ 34 với tỷ lệ 95,65% (tăng 26,54%); Kiên Giang từng đứng thứ 58 nay xếp thứ 24 với tỷ lệ tốt nghiệp 97,35% (tăng 23,22%), Bắc Cạn có tỷ lệ đỗ 94,41% (tăng 25,11%), Ninh Thuận là 91,86% (tăng 22,52%)...
Trước một kết quả thi gây nhiều nghi ngại, không ít ý kiến cho rằng, phong trào "Hai không" (Nói không với bệnh thành tích trong thi cử và tiêu cực trong giáo dục) do Bộ GD-ĐT phát động 5 năm trước đây đã phá sản. Tuy nhiên, như khẳng định của Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển thì: "Hai không" không bị phá sản, chỉ có điều là có đạt được như mong muốn hay không. Minh chứng cho điều ấy là sau 5 năm, đã bớt đi nhiều những "điểm nóng" về gian lận, tiêu cực trong thi cử; tỷ lệ HS yếu, kém giảm; số vụ vi phạm đạo đức nhà giáo trong 6 tháng đầu năm 2011 chỉ còn 3 trường hợp, so với 11 trường hợp của năm 2010 và bằng 1/8 số vụ so với năm 2009; môi trường sư phạm dần trở nên lành mạnh, thân thiện và dân chủ hơn…
Sính thành tích vốn là căn bệnh chung khó chữa của cả xã hội. Ngành GD-ĐT đã dũng cảm chữa trị căn bệnh ấy, song chưa thể điều trị tận gốc. Điều mà dư luận xã hội mong chờ là ngành sẽ chữa bệnh triệt để, đừng vội buông xuôi, thỏa hiệp. Có thế mới mong xóa đi những nỗi lo thực và ngày càng hiển hiện từ những con số đẹp nhưng mong manh mà kết quả kỳ thi tốt nghiệp vừa qua là một điển hình.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.