Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nỗi lo an cư

Quỳnh Phạm| 23/11/2010 06:29

(HNM) - Những số liệu mới nhất từ Bộ GD-ĐT cho thấy, bình quân diện tích đất phục vụ yêu cầu đào tạo (không chỉ là diện tích ở) của mỗi sinh viên (SV) ĐH và CĐ trong các trường công lập hiện nay là quá thấp, khoảng 35,7m2, thua xa tiêu chuẩn đề ra từ năm 1985 (55 đến 85m2).


Dự báo nhu cầu đào tạo cho thấy tỷ lệ 450 SV/vạn dân vào năm 2020, nhu cầu về đất đai xây dựng trường lớp là rất lớn, điều đó đòi hỏi cần có quy hoạch nhằm giải quyết khó khăn về diện tích đất cho các trường ĐH và CĐ.

Quỹ đất hạn hẹp


Khuôn viên Trường Đại học Xây dựng Hà Nội hiện nay.  Ảnh: Trung Kiên

Hà Nội và TP Hồ Chí Minh là nơi có mật độ tập trung trường ĐH, CĐ cao nhất trong mạng lưới trường của cả nước. Trên đất Thủ đô hiện có 46 trường ĐH và 17 trường CĐ, chưa kể gần 40 trường THCN. Tổng số SV tại Hà Nội hiện nay chiếm 43% tổng số SV cả nước. Đây cũng là nơi tập trung nhiều trường ĐH trọng điểm, có quy mô SV rất lớn (ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Kinh tế quốc dân, ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Nông nghiệp I). Theo ông Trần Thanh Bình, Viện trưởng Viện Nghiên cứu thiết kế trường học: Nhìn từ khía cạnh cơ sở vật chất, đặc biệt là về tình hình quy hoạch đất đai thì các trường ở Hà Nội đang ở trong tình trạng yếu kém; đặc điểm nổi bật là tổng quỹ đất nhỏ (chủ yếu là dưới 10ha), thiếu các khu chức năng cơ bản, môi trường sư phạm không bảo đảm..
.
Nguyên do của thực trạng này là sự bùng nổ về quy mô HS, SV cũng như số lượng trường tại Thủ đô. Thứ hai, quỹ đất dành cho trường vốn đã hạn hẹp lại bị chuyển đổi mục đích, bị lấn chiếm nghiêm trọng. Trường ĐH Bách khoa Hà Nội có quy mô 34ha, được thiết kế bảo đảm công suất phục vụ 2.000 SV vào những năm 60 của thế kỷ trước thì tới nay, diện tích đất còn lại không đầy một nửa trong khi quy mô SV đã lớn hơn gấp 10 lần. Nhiều trường mới thành lập "ở" trên những phần đất vốn không được dành cho đào tạo, hoặc phải chung lưng với những cơ sở khác. Trường ĐH Mỏ địa chất có gần 1 vạn SV, được bố trí trong một khách sạn cải tạo lại. Trường ĐH Kiến trúc, Trường ĐH KHTN và KHXH&NV nằm trong khuôn viên các trường trung cấp...

Theo các chuyên gia, cũng bởi thiếu đất mà phần thiết kế các khu chức năng cần có của một trường ĐH, CĐ bị phá vỡ, quy hoạch phân khu chức năng (vốn là công việc trọng yếu, cần có đầu tiên trong thiết kế trường học) không thể thực hiện được như ý tưởng ban đầu.

Không chỉ là chuyện thiếu đất, các trường thường không được đặt ở những khu vực thuận lợi. Không ít dự án xây dựng trường gần đây, dù có kinh phí đầu tư lớn, tới hàng trăm tỷ đồng nhưng vẫn phải triển khai gần các nút giao thông lớn (như dự án xây dựng phục vụ 1,5 vạn SV của ĐH Kinh tế quốc dân); ngược lại, có trường lại được bố trí ở những khu đất xa đường giao thông, rất bất tiện.

Đại diện Viện Nghiên cứu thiết kế trường học nhận định: Nhu cầu giãn trường ĐH ra khỏi nội thành ngày một trở nên bức bách. Hướng đưa 4 vạn SV của ĐH Quốc gia Hà Nội lên Hòa Lạc, cách Hà Nội 30km, ở một vị trí có diện tích lên tới 1.000ha, hay dự án giãn 10 trường ra Tây Mỗ và Đông Ngạc (khoảng 350ha) là sự mở đầu cho một giải pháp tất yếu. Đó là những cố gắng bước đầu, nhưng chưa đủ.

Cần có chính sách phù hợp

Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Viện Kiến trúc Quy hoạch đô thị và nông thôn, Viện Nghiên cứu thiết kế trường học thực hiện nhiệm vụ quy hoạch xây dựng hệ thống trường trong địa bàn có mật độ cơ sở đào tạo cao. Nhà nước sẽ dành những khu đất lớn để di dời số trường trong nội thành, lập những khu ĐH theo mô hình chuỗi hoặc tập trung.

Tuy nhiên, việc đầu tư mở rộng cơ sở trường cùng với hệ thống trang thiết bị cần nguồn vốn lớn, có thể lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Câu hỏi mà nhiều trường đặt ra là tìm vốn ở đâu trong khi ngân sách nhà nước còn hạn chế. Một bài toán được đặt ra là dùng phương án hoán đổi cơ sở hiện tại trong nội thành - vốn có giá trị thương mại rất cao - để lấy vốn đầu tư xây dựng cơ sở mới ở ngoại thành. Ý tưởng này đang được Trường ĐH Sư phạm Thể dục thể thao TP Hồ Chí Minh đưa vào thực tế với sự thống nhất của Bộ GD-ĐT, Bộ Tài chính và UBND TP Hồ Chí Minh. Theo lộ trình dự kiến, UBND TP Hồ Chí Minh sẽ tiến hành bán đấu giá một khu đất có giá trị tương đương khu đất cũ của nhà trường để tạo vốn cơ bản cho trường đầu tư xây dựng cơ sở mới. Sau khi xây dựng các hạng mục đủ bảo đảm cho đào tạo tại cơ sở mới thì trường bàn giao cơ sở cũ cho thành phố.

Theo đại diện lãnh đạo Trường ĐH Sư phạm Thể dục thể thao TP Hồ Chí Minh, đó là một lộ trình rõ và đẹp, song khi triển khai lại gặp quá nhiều khó khăn, phức tạp và quá chậm. Bên cạnh nguyên nhân về cơ chế, chính sách, sự khủng hoảng kinh tế, không thể không kể đến sự quan tâm chưa xứng đáng của các cấp, các ngành. Vị lãnh đạo này đưa ra ví dụ cụ thể: Khu đất dự kiến dùng để tạo vốn cho trường qua 4 năm vẫn chưa bán được. Phương án đền bù, giải phóng mặt bằng cũng gặp khó vì chưa có quy định ưu đãi cho các trường trong thực hiện dự án xây dựng, có lãnh đạo địa phương vẫn xem nhà trường như chủ đầu tư bất động sản.

Trước khó khăn, lãnh đạo nhiều trường đã đề xuất kiến nghị Chính phủ thành lập ban chỉ đạo về đầu tư xây dựng các trường ĐH, CĐ; chỉ đạo và giao các địa phương trách nhiệm đền bù, thu hồi đất và giao đất "sạch" cho các trường công lập có dự án được phê duyệt. Để các trường thoát cảnh "bơi trong dự án" và dự án mãi nằm trên giấy, các trường mong muốn Chính phủ tạo nguồn kinh phí như đã thực hiện đối với các dự án xây dựng ký túc xá SV và cho SV vay học tập.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nỗi lo an cư

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.