Chị Giang ơi, nhanh lên, ra đây xem con bọ cạp đậu vào tay anh Tùng này.
- Chị Giang ơi, nhanh lên, ra đây xem con bọ cạp đậu vào tay anh Tùng này.
Tiếng gọi hối hả của cu Tít nhà Giang khiến ba đứa chúng tôi đang chụm đầu vào chơi cờ carô phải buông bút chạy ra xem. Trong đầu tôi hình dung, con bọ cạp độc lắm, nó còn cắn chết người cơ mà, sao lại đậu ở tay anh trai cậu ấy nhỉ. Sự tò mò khiến tôi chạy nhanh hơn tất cả. Thấy chúng tôi ùa ra, anh Tùng chìa cánh tay, nhứ nhứ như muốn dọa. Thì ra, đó chỉ là một hình xăm chứ không phải con bọ cạp thật. Tôi ngây thơ hỏi:
- Ai vẽ cho anh mà đẹp thế? Mặc áo vào có nhòe mất không anh?
- Đây là hình xăm, không phải vẽ bằng bút đâu mà sợ nhòe, mờ. Anh mất cả một ngày để họ xăm tác phẩm này đấy, vừa mất tiền, vừa đau chảy nước mắt ấy chứ!
Ba đứa chúng tôi đứng im ngắm nhìn. Rồi cái Giang nói với anh:
- Bố mẹ mà nhìn thấy thì anh sẽ bị mắng. Sao anh không xin phép bố mẹ?
- Em ngốc lắm, nếu xin phép thì bố mẹ không đồng ý đâu Với lại, anh mặc áo dài, che kín tay, có nhìn thấy gì nữa đâu…
- Chẳng lẽ lúc trời nóng thì anh cũng mặc áo dài tay ạ?
Không quan tâm đến sự phản đối của Giang, anh Tùng dắt xe đạp ra cổng, nơi có mấy anh cùng trong đội bóng đang đợi…
Mấy hôm sau, lớp tôi - lớp 7A được mệnh danh là lớp điểm của trường bị cô hiệu trưởng phê bình trước toàn trường vì có hai bạn xăm ở gáy và mắt cá chân. Cô giảng giải ý nghĩa của những hình xăm, rằng khác với các nước phương Tây, người Việt Nam không có thiện cảm với những người có hình xăm trổ. Rồi cô kết luận: "Sẽ là không hay khi các em xăm chữ phản cảm như "Trả thù đời", "Cuộc sống đảo điên"... hay hình rắn rết trên người".
Sau buổi nói chuyện của cô hiệu trưởng, tôi nhận thấy, "văn hóa" xăm trổ hoàn toàn không phù hợp. Chúng ta hãy cùng suy ngẫm và tẩy chay cái thứ "nghệ thuật" này nhé.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.