(HNMO) - Để phát triển du lịch bền vững, ngày 16-2, Hiệp hội Du lịch Việt Nam cùng các đơn vị liên quan tổ chức Lễ khởi động dự án “Giảm thiểu RTN trong lĩnh vực du lịch”. Dự án này đã được Chương trình Phát triển liên hợp quốc, chương trình tài trợ các dự án nhỏ, Quỹ Môi trường toàn cầu (UNDP/GEF SGP) chấp thuận tài trợ thực hiện trong hai năm 2023 và 2024.
Thực trạng khách tăng, rác thải tăng
Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết, ô nhiễm rác thải nhựa (RTN) đang là thách thức lớn trên toàn cầu, cũng như tại Việt Nam, trong đó có ngành Du lịch.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Trung Thắng, Phó Viện trưởng, Viện Chiến lược, chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), ước tính lượng RTN và núi ni lông của cả nước chiếm khoảng 10-12% rác thải rắn sinh hoạt, đặc biệt tại một số thành phố có hoạt động du lịch phát triển. Theo UNEP, năm 2018, Việt Nam là một trong những quốc gia có lượng RTN xả ra biển nhiều nhất thế giới. Trung bình mỗi khách du lịch thải ra môi trường từ 5-10 túi ni lông/ngày; 2-4 vỏ chai nhựa, hộp sữa/ngày, chưa kể các sản phẩm, vật dụng cá nhân làm bằng nhựa dùng 1 lần.
Trong khi đó, Viện Nghiên cứu phát triển du lịch cũng đưa ra nghiên cứu, lượng khách du lịch và xu hướng du lịch đại trà tại Việt Nam giai đoạn vừa qua đã xả lượng lớn chất thải, trong đó có RTN. Năm 2019, với hơn 61 triệu lượt khách du lịch (cả quốc tế và nội địa), lượng RTN tại Việt Nam là 116.144 tấn/năm. Nhiều khu du lịch đã và đang phải đối phó với hiện tượng ô nhiễm rác thải, đặc biệt là RTN như: Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh), Sầm Sơn (Thanh Hóa), Đà Nẵng, Phú Quốc (Kiên Giang)... Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch Nguyễn Anh Tuấn cảnh báo, nếu không có các biện pháp giảm thiểu, lượng phát sinh RTN từ hoạt động du lịch năm 2030 sẽ cao gấp khoảng 3 lần so với năm 2019.
Đồng quan điểm này, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu khẳng định, vấn đề ô nhiễm RTN nếu không được giải quyết sẽ ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển bền vững du lịch, tới sự bảo tồn và đa dạng sinh học, vẻ đẹp cảnh quan môi trường, qua đó ảnh hưởng tới sức hấp dẫn, khả năng cạnh tranh của du lịch Việt Nam.
Cần hành động, thay vì lời nói
Trước thực trạng RTN đang ảnh hưởng lớn đến hoạt động du lịch, việc thu hút du khách, ngành Du lịch Việt Nam đã khởi động dự án “Giảm thiểu RTN trong lĩnh vực du lịch Việt Nam”. Hiệp hội sẽ triển khai đồng loạt nhiều hoạt động như: Tổ chức các hội thảo truyền thông nâng cao nhận thức về giảm thiểu RTN tới người dân, du khách, doanh nghiệp du lịch; xây dựng, áp dụng và thí điểm “Bộ tiêu chí công nhận doanh nghiệp du lịch không RTN”; xây dựng và vận hành ứng dụng (apps) về quản lý RTN. Bên cạnh đó, Hiệp hội Du lịch Việt Nam sẽ thí điểm thực hiện các giải pháp giảm thiểu RTN tại một số nhà hàng, khách sạn, khu, điểm du lịch tại 2 tỉnh Ninh Bình, Quảng Nam.
Là địa phương thực hiện thí điểm đầu tiên của dự án, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam Văn Bá Sơn bày tỏ, để triển khai dự án hiệu quả, bên cạnh việc tuyên truyền ý thức cho người dân, du khách và doanh nghiệp trong việc sử dụng vật liệu thân thiện môi trường, cần có cơ chế khuyến khích các đơn vị triển khai du lịch xanh, không sử dụng chất thải nhựa. Việc này cần phải được cộng điểm khi đánh giá chất lượng dịch vụ của doanh nghiệp. Còn Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình Phạm Duy Phong chia sẻ, địa phương sẽ tập trung thu gom rác thải, tập huấn, hướng dẫn người dân cách thức phân loại rác thải, trước mắt thí điểm ở Khu du lịch sinh thái Tràng An, Khu du lịch Vân Long…
Bàn thêm về các giải pháp giúp giảm thiểu RTN trong hoạt động du lịch, Tiến sĩ Nguyễn Trung Thắng cho rằng, mặc dù, Chính phủ, Nhà nước đã ban hành rất nhiều nghị định, luật về bảo vệ môi trường, chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn…, nhưng đến nay, vẫn còn nhiều vi phạm trong việc xả thải. Một trong những nguyên nhân là chế tài xử lý những hành vi vi phạm còn thấp. “Để giảm thiểu RTN trong hoạt động du lịch, ngành Du lịch cần có hành động thiết thực, hướng dẫn cụ thể tới các địa phương, doanh nghiệp”, ông Nguyễn Trung Thắng bày tỏ.
Về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Thu Huyền, Điều phối viên quốc gia (Văn phòng điều phối - Chương trình phát triển Liên hợp quốc) cho biết, cần phải hạn chế RTN từ đầu nguồn, tại các cơ sở lưu trú, vận chuyển, lữ hành, điểm đến. “Xử lý và quản lý tốt việc sử dụng vật liệu tại đầu nguồn cơ sở cung cấp dịch vụ đã hạn chế được tỷ lệ lớn RTN ra môi trường. Còn việc các địa phương, doanh nghiệp du lịch tổ chức các tour nhặt rác như hiện nay cũng là một hoạt động rất đáng nhân rộng, nhưng đó mới chỉ là xử lý ở cuối nguồn”, bà Nguyễn Thị Thu Huyền nói.
Dự án “Giảm thiểu RTN trong lĩnh vực du lịch Việt Nam” mới được khởi động với nhiều hy vọng có thể mang lại lợi ích lâu dài cho ngành Du lịch. Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam khẳng định, trước mắt, Hiệp hội sẽ nỗ lực tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân, du khách, đồng thời, thực hiện thí điểm mô hình, sau đó sẽ nhân rộng tới nhiều địa phương trong cả nước.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.