Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nơi khởi nguồn một phong trào thi đua

Hoàng Xá| 14/04/2011 06:40

Gió Đại Phong" là tên gọi phong trào thi đua trong nông nghiệp, lồng lộng khắp miền từ đồng bằng lên miền núi, từ Vĩnh Linh, Quảng Bình đến Bắc Cạn, Cao Bằng. Gió Đại Phong gợi cảm hứng dấy lên "Sóng Duyên Hải", thi đua trong công nghiệp, "Ba nhất", xây dựng quân đội tiến lên chính quy, hiện đại... Phong trào được phát động theo chỉ đạo trực tiếp của Bác Hồ. Lực lượng nòng cốt tổ chức, cổ vũ, lan tỏa phong trào là các phương tiện truyền thông...

LTS: "Gió Đại Phong" là tên gọi phong trào thi đua trong nông nghiệp, lồng lộng khắp miền từ đồng bằng lên miền núi, từ Vĩnh Linh, Quảng Bình đến Bắc Cạn, Cao Bằng. Gió Đại Phong gợi cảm hứng dấy lên "Sóng Duyên Hải", thi đua trong công nghiệp, "Ba nhất", xây dựng quân đội tiến lên chính quy, hiện đại... Phong trào được phát động theo chỉ đạo trực tiếp của Bác Hồ. Lực lượng nòng cốt tổ chức, cổ vũ, lan tỏa phong trào là các phương tiện truyền thông...

Nhân 50 năm Bác Hồ viết bài báo "Phong trào Đại Phong" (15/4/1961 - 15/4/2011), Hànộimới xin trân trọng giới thiệu bài viết của nhà báo Phan Quang, nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam và tác giả Hoàng Xá về HTX Nông nghiệp Đại Phong.

Công cuộc hợp tác hóa nông nghiệp ở miền Bắc từ năm 1958 đến 1960 tiến hành thuận lợi, nông dân sôi nổi hưởng ứng. Các hợp tác xã nông nghiệp (HTX) thành lập, đi từ quy mô nhỏ lên vừa và lớn, từ bậc thấp đến bậc cao. Không may năm 1960 thời tiết không thuận, mất mùa hai vụ lúa liền. Thu nhập giảm sút, đời sống khó khăn, nhiều người phân vân. Câu chuyện "vào vào ra ra, chân trong lòng ngoài" làm xóm thôn trầm lắng. Cán bộ cũng có người hoài nghi: "Trước kia, một người ăn hai bát, nay hai người ăn bốn bát, có gì khác?".


Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (người ngoài cùng bên phải) thăm Đại Phong năm 1960.

Trung ương chuẩn bị tổng kết phong trào hợp tác hóa, tiến tới Hội nghị Trung ương bàn về nông nghiệp trong kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961-1965). Bác Hồ mời Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân vừa được phân công thêm nhiệm vụ Trưởng ban Công tác nông thôn đến. Bác bảo: "Phong trào còn mới, khó tránh khỏi khó khăn. Các chú hãy tìm cho ra một vài HTX làm ăn giỏi, tổng kết kinh nghiệm, phát động thi đua, tạo khí thế củng cố HTX, phát triển nông nghiệp".

Chỉ đạo của Bác Hồ cũng là phương hướng cho toàn ngành nông nghiệp cùng các ngành, các địa phương. Báo chí lao vào tìm tòi, phát hiện đơn vị làm ăn giỏi, giới thiệu kinh nghiệm.

Thực tế nơi nào cũng có HTX tốt. Trong số đó Đại Phong (huyện Lệ Thủy, Quảng Bình) nổi bật nhờ có những bước tiến nhanh, mạnh, vững chắc. Cuối năm 1959, báo Nhân dân đã cử phóng viên về nghiên cứu kinh nghiệm thâm canh, tăng vụ, nuôi vịt đàn, dệt chiếu cói, vỡ hoang trồng hoa màu, cây công nghiệp… Ngày 9-1-1961, báo đăng bài của Hà Đăng "Ba lần đuổi kịp trung nông", giới thiệu kinh nghiệm của Đại Phong qua ba lần mở rộng quy mô.

Hội nghị tổng kết hợp tác hóa nông nghiệp họp tại Hà Nội từ ngày 10 đến 12-1-1961, ở đó Đại Phong được báo cáo điển hình. Hội nghị khẳng định: Phong trào hợp tác hóa thời gian qua thắng lợi to lớn và căn bản. Đã xuất hiện hai nhân tố mới: xóa bỏ chế độ bóc lột cũ ở nông thôn, chuyển từ làm ăn cá thể sang sản xuất hợp tác.

Bác Hồ viết bài: Một hợp tác xã gương mẫu (báo ND, 11-1-1961) nói rõ: "Đó là hợp tác xã Đại Phong (Quảng Bình)". Bác kết luận: "Trong khoảng ba năm, từ một HTX nghèo khó (khởi đầu chỉ có vài chục gia đình đồng bào miền Nam vượt tuyến) phát triển đến 455 hộ sinh hoạt ngang với mức sống của trung nông và đang có đà tiến lên nữa".

Thực hiện chỉ thị của Bác Hồ, đồng chí Nguyễn Chí Thanh dẫn đoàn cán bộ Trung ương vào Quảng Bình cùng Bí thư Tỉnh ủy về Đại Phong, dành năm ngày tìm hiểu, tổng kết tại chỗ kinh nghiệm HTX. Quảng Bình triệu tập Hội nghị cán bộ toàn tỉnh học tập kinh nghiệm Đại Phong. Tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Chí Thanh phát biểu, nêu những bài học lớn của HTX này (báo ND từ 26 đến 28-2-1961).

Phong trào thi đua Học tập, tiến kịp và vượt HTX Đại Phong được phát động. Đó cũng là tiêu đề xã luận của báo Đảng. Tòa soạn dành diện tích lớn cho nội dung nông nghiệp và nông thôn. Toàn bộ hệ thống báo chí: Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã, các báo Quân đội nhân dân, Hà Nội mới, Cứu quốc, Tiền phong, Phụ nữ, Độc lập, Tổ quốc..., báo của các tỉnh đều coi Đại Phong là một chủ đề trọng tâm.

Phong trào mở rộng nhanh chóng. Ngày 15-4-1961, báo Nhân dân đăng bài của Bác Hồ Phong trào Đại Phong: "Từ ngày đồng chí Nguyễn Chí Thanh nêu những ưu điểm và tiến bộ của HTX Đại Phong, đến nay chưa đầy hai tháng, mà khắp cả miền Bắc đã có ngót 1.000 HTX nhận thi đua Học tập Đại Phong, đuổi kịp Đại Phong, vượt quá Đại Phong. Đó là một phong trào rất tốt và rất mạnh mẽ, nó chứng tỏ tinh thần hăng hái, lực lượng to lớn và khả năng dồi dào của đồng bào nông dân ta". Bác Hồ chỉ đạo: "Phải học một cách sáng tạo".

Đến giữa tháng 8-1961, toàn miền Bắc đã có gần 7.000 HTX đăng ký thi đua với Đại Phong. Trong đó, nổi lên điển hình xây dựng người nông dân mới ở xã Tòng Bạt (Sơn Tây) Những thanh niên có thành tích xuất sắc được tôn vinh là "cô gái, chàng trai Đại Phong".

May mắn và đúng như mong đợi, vụ chiêm 1961 miền Bắc được mùa. Ngày 15-6-1961, Bác Hồ về thăm HTX Trần Phú (Hà Nội) giữa mùa gặt chiêm. Nghệ sĩ nhiếp ảnh Đinh Đăng Định chụp ảnh Bác. Giống hệt ông tiên, tay phải chống gậy trúc, tay trái vén ống quần nâu lên quá gối, Bác Hồ cùng bà con nông dân lội trong đồng lúa vừa gặt, lố nhố những đống rạ.

Tháng 8-1961, Hội nghị Trung ương lần thứ 5 họp, ra Nghị quyết về nông nghiệp. Phat biểu kết thúc Hội nghị, Bác Hồ nói: "Tôi thay mặt Trung ương khen ngợi hợp tác xã Đại Phong và phong trào thi đua với Đại Phong, và nhắc nhở cán bộ cùng xã viên chớ tự mãn với thành tích, mà phải cố gắng tiến bộ nhiều hơn nữa".

Từ một bài báo của Bác Hồ, lồng lộng gió Đại Phong. Năm đầu của kế hoạch 5 năm, nông nghiệp đạt kết quả khả quan. Hội đủ điều kiện về thực tiễn để báo Nhân dân, từ ngày 13 đến 17-1-1962 đăng bài tổng kết, khẳng định "Một phong trào thi đua rộng lớn của nông dân"1.

Còn tiếp...

Phong trào Đại Phong

Từ ngày đồng chí Nguyễn Chí Thanh nêu nhưng ưu điểm và tiến bộ của hợp tác xã Đại Phong, đến nay chưa đầy hai tháng, mà khắp cả miền Bắc đã có ngót 1.000 hợp tác xã nhận thi đua:

Học tập Đại Phong, đuổi kịp Đại Phong, vượt quá Đại Phong.

Đó là một phong trào rất tốt và rất mạnh mẽ, nó chứng tỏ tinh thần hăng hái, lực lượng to lớn và khả năng dồi dào của đồng bào nông dân ta. Tỉnh nào cũng có một số hợp tác xã tiến rất khá. Nhưng vì phong trào mới mẻ, nơi này hoặc nơi kia khó tránh không tránh khỏi thiếu sót này hoặc thiếu sót khác cần phải sửa chữa để tiến bộ tốt. Vài ví dụ:

- Có hợp tác xã chỉ lo tăng diện tích, nhưng không lo tăng năng suất; hoặc lo sản xuất lúa nhưng kém chú ý đến hoa màu và cây công nghiệp; hoặc không ra sức cải tiến nông cụ, thêm nhiều phân bón.

- Có hợp tác xã thì học Đại Phong một cách máy móc như thấy Đại Phong nuôi vịt có lãi, thì hợp tác xã mình không có điều kiện cũng muốn nuôi vịt...

- Có hợp tác xã chưa đủ điều kiện, chuẩn bị chưa tốt, mà đã nóng vội muốn mở rộng quy mô quá to.

- Có hợp tác xã sản xuất khá, nhưng xem thường chăn nuôi, v,v.

Nói tóm lại: thiếu sót ở chỗ chưa toàn diện.

Học Đại Phong phải học một cách sáng tạo và cần phải học những ưu điểm sau đây:

- Củng cố tốt hợp tác xã, chuẩn bị tốt điều kiện, rồi mới mở rộng thành quy mô to.

- Giáo dục cho mỗi xã viên thấm nhuần tinh thần làm chủ hợp tác xã, mỗi cán bộ có tinh thần chí công vô tư; chi bộ phải lãnh đạo chặt chẽ, đảng viên và đoàn viên thanh niên phải làm gương mẫu, làm đầu tàu trong mọi công việc.

- Cán bộ và xã viên đoàn kết chặt chẽ, đồng tâm nhất trí, phấn khởi thực hiện cần kiệm xây dựng hợp tác xã, kế hoạch sản xuất phải toàn diện.

- Các tỉnh ủy và huyện ủy cần lãnh đạo các hợp tác xã một cách chặt chẽ và toàn diện thì phong trào sẽ tiến nhanh, tiến mạnh và tiến vững chắc, do đó kế hoạch sản xuất nông nghiệp chắc chắn sẽ hàn thành và hoàn thành vượt mức.

T. L.
(Báo Nhân dân, số 2582, ngày 15-4-1961)
In lại trong Hồ Chí Minh toàn tập, `1996, tập 10, tr. 343,344.
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nơi khởi nguồn một phong trào thi đua

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.