(HNM) - Chợ Công nghệ và thiết bị Thủ đô (Techmart 2010) vừa kết thúc với nhiều con số ấn tượng. Đó là việc có hơn 100.000 lượt người đến tham quan và khoảng 160 hợp đồng kinh tế, bản ghi nhớ giao dịch mua bán công nghệ đã được ký kết với tổng giá trị đạt 410 tỷ đồng, thể hiện sự gắn kết giữa hoạt động nghiên cứu và sản xuất...
Đưa công nghệ đến với mọi nhà
Là hoạt động nổi bật nhất của giới khoa học, công nghệ (KHCN) Thủ đô và cả nước chào mừng Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, cuộc ra quân tổng lực này đã mang đến Techmart 2010 hơn 2.000 công nghệ, thiết bị và giải pháp phần mềm. Đó không chỉ là những con robot, những cỗ máy tinh xảo mà còn là nhiều giải pháp kỹ thuật canh tác nông nghiệp công nghệ cao, phù hợp với điều kiện Hà Nội sau mở rộng.
Khách tham quan chợ công nghệ và thiết bị Thủ đô 2010. Ảnh: Bá Hoạt |
Trao đổi với Báo Hànộimới, PGS-TS Hồ Hữu An (ĐH Thành Tây) cho biết, công nghệ "Xây nhà cao tầng cho cây rau" mà ông là tác giả, giúp các gia đình có thể tận dụng sân thượng, ban công để tự trồng rau sạch. Vật liệu để có "khu vườn sinh thái gia đình" rất dễ kiếm vì chủ yếu là dùng các ống nhựa PVC. Công nghệ mới này có thể tạo ra 200-500 cây rau/1m2 ban công mà không cần dùng đất. Các gia đình có thể trồng nhiều loại rau sống, rau cải, ớt, rau dền, bầu... và không cần phải tưới cây, thay vào đó là công nghệ hồi lưu tự động giúp chăm sóc cây trong điều kiện tốt nhất. Chính sự thân thiện đó đã giúp công nghệ của PGS Hồ Hữu An là gian hàng nhận được nhiều quan tâm nhất của khách tham quan Techmart.
Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KHCN Long An là một trong những đơn vị xa nhất tham gia Techmart 2010 nhưng quy trình, công nghệ họ mang đến đây có cơ hội làm thay đổi nhiều vùng quê nghèo của Hà Nội. Sau khi quan sát những con cá khỏe mạnh được mang từ miền Nam ra, ông Nguyễn Văn Đình (xã Khai Thái, Phú Xuyên, Hà Nội) cho biết: "Quy trình sản xuất giống và nuôi thương phẩm cá rô đồng, cá lóc (cá quả) do Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KHCN Long An giới thiệu tại Techmart 2010 rất phù hợp với địa bàn đồng chiêm trũng của Thủ đô. Những con cá lóc nuôi theo quy trình này có thể đạt đến 4,5-5kg và cá rô đồng đạt 0,2-0,3kg chỉ sau nửa năm là thông số đủ để thuyết phục người nông dân chúng tôi".
Rõ ràng, với thị trường rộng lớn như Hà Nội, những giải pháp nêu trên rất phù hợp và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nó cũng cho thấy, KHCN không phải là điều gì quá hàn lâm mà rất đời thường, có thể giúp ích cho cuộc sống mỗi người.
Dấu ấn Thủ đô
Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, Techmart đã và đang trở thành công cụ và giải pháp hàng đầu trong tạo lập và phát triển thị trường công nghệ (TTCN) ở nước ta. Techmart thực sự đã trở thành thương hiệu mạnh, có sức cuốn hút, huy động sự tham gia ngày một sâu, rộng của cộng đồng khoa học và các nhà doanh nghiệp đam mê đổi mới, sáng tạo. Hoạt động giao dịch, mua bán công nghệ và thiết bị đã tăng trung bình 34% so với năm trước đó. Ứng với mỗi tỷ đồng ngân sách nhà nước chi cho việc tổ chức Techmart, đã đem lại từ 124-130 tỷ đồng giao dịch mua bán công nghệ, thiết bị giữa các viện nghiên cứu, trường đại học và các doanh nghiệp, các tập thể, cá nhân trong xã hội. Hàng vạn công nghệ mới, công nghệ thích hợp đưa vào giao dịch như những sản phẩm hàng hóa, được đưa vào áp dụng trong sản xuất kinh doanh và đời sống hằng ngày. Việc đổi mới công nghệ, nâng cao sức cạnh tranh của các doanh nghiệp đã được đẩy mạnh.
TS Lê Xuân Rao, Giám đốc Sở KHCN Hà Nội cho biết, Techmart 2010 có ý nghĩa quan trọng trong việc thể hiện thế mạnh về KHCN Thủ đô trong việc thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển TTCN. So với các Techmart tổ chức trước đó, Techmart 2010 vượt hơn hẳn cả về quy mô và lĩnh vực. Nếu năm 2007 có 221 đơn vị và 277 gian hàng; năm 2008 có 285 đơn vị và 300 gian hàng, thì năm 2010 có gần 400 đơn vị tham gia với 443 gian hàng. Đây là số đã được chọn lọc trong tổng số hơn 500 gian hàng của các đơn vị đăng ký tham gia, bảo đảm các công nghệ, thiết bị giới thiệu, chào bán phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô. Đây rõ ràng là những "con số biết nói" mà Techmart 2010 đọng lại.
Tuy nhiên, sự phát triển của Techmart nói riêng và TTCN của Thủ đô cho thấy một hạn chế là các doanh nghiệp Việt Nam chưa có thói quen thuê tư vấn trong các khâu của quy trình chuyển giao công nghệ, phần lớn chỉ là mua được máy móc thiết bị là xong. Thậm chí nhiều doanh nghiệp không muốn thuê tư vấn trong các quyết định đầu tư đổi mới công nghệ. Trong khi đó, có rất ít đơn vị chuyên về dịch vụ pháp lý về sở hữu trí tuệ, dịch vụ tài chính đầu tư đổi mới công nghệ, các quỹ đầu tư mạo hiểm, nhất là dịch vụ đánh giá - giám định công nghệ còn thiếu. Điều này dẫn đến việc doanh nghiệp dù quan tâm đến công nghệ mới nhưng vì TTCN còn thiếu những trọng tài trung gian chuyên nghiệp nên khi có nhu cầu, họ phải tìm hướng đi riêng mà trong đó có cả những rủi ro. Việc thiếu các dịch vụ hỗ trợ giao dịch rõ ràng là điều một kỳ Techmart chưa thể có ngay lời giải.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.