(HNM) - Chính thức ra mắt ngày 27-1-2020 (tức mùng 3 Tết Canh Tý), Bảo tàng Công nghệ thông tin Việt Nam là địa điểm độc đáo thu hút sự quan tâm của nhiều người yêu công nghệ Việt Nam.
Bảo tàng đi vào hoạt động nhờ những nỗ lực và tâm huyết của Tiến sĩ Nguyễn Chí Công, nguyên Trưởng ban Khoa học công nghệ, Hội Tin học Việt Nam cùng sự góp sức của các nhà hảo tâm, các chuyên gia, người yêu công nghệ trong và ngoài nước. Bảo tàng được đặt tại nhà riêng của Tiến sĩ Nguyễn Chí Công, trong khuôn viên rộng 400m2 ở địa chỉ số 89, ngõ 41 Đông Tác, Đống Đa, Hà Nội.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Chí Công, bản thân ông rất thích lịch sử, đi đâu cũng vào các bảo tàng. Bởi vậy, ông ấp ủ muốn có một bảo tàng về công nghệ thông tin. “Người ta làm được thì mình cũng làm được, thậm chí hiện vật của mình có nhiều, lại giá trị. Trên thực tế, ngành Công nghệ thông tin Việt Nam đã có những bước đi đầu tiên từ rất sớm. Tôi nghĩ mình phải giữ lại cho đời sau hiểu”, Tiến sĩ Nguyễn Chí Công nói.
Ý tưởng sưu tập tư liệu, hiện vật cho bảo tàng công nghệ thông tin được hình thành năm 2018, khi Hội Tin học Việt Nam giao cho ông chủ trì viết sử để hướng đến kỷ niệm 30 năm thành lập Hội vào năm 2019. Ông nghĩ, nếu chỉ viết thì chưa đủ để minh chứng cho những trang sử đó mà phải có thêm các hiện vật, hình ảnh, tư liệu... Khi ông nêu ý tưởng này, cộng đồng tin học đã hưởng ứng nhiệt tình.
Việc thành lập Bảo tàng Công nghệ thông tin được lên kế hoạch và xúc tiến thực hiện trong hơn một năm. Dữ liệu trong các máy tính cũ được khôi phục. Rồi những bức ảnh tư liệu cũng phải được số hóa... Rất may là trong số những người đóng góp tư liệu, hiện vật đã có người tình nguyện làm những công việc này.
Ở giai đoạn 1, bảo tàng trưng bày khoảng 300 hiện vật, sách vở và sơ đồ khái quát lịch sử hình thành và phát triển của ngành Công nghệ thông tin thế giới và Việt Nam đến năm 2000.
Thông qua các hiện vật quý cùng các mốc sự kiện, lịch sử, con người…, bảo tàng đã giúp người xem hình dung đầy đủ và sinh động nhất về lịch sử nền công nghệ thông tin thế giới và nước nhà. Đây thực sự là địa điểm gặp gỡ, giao lưu lý tưởng để sinh viên, học sinh làm giàu thêm vốn hiểu biết, vốn sống cũng như những ý tưởng trong công việc và cuộc sống.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Chí Công, nhiều hiện vật trưng bày đã được ông lưu trữ trong hơn nửa thế kỷ theo nghề. “Khi xây dựng bảo tàng, tôi muốn tạo ra một cái nhìn toàn diện. Ngành Công nghệ thông tin muốn đi lên được cần có những chính sách từ nhà nước. Từ những năm 1960, Giáo sư Tạ Quang Bửu đã có những quyết định đầu tiên. Tiếp đó là quá trình đào tạo, gửi những người đầu tiên ra nước ngoài học tập. Trong khi đó, ở miền Nam, máy tính hiện đại cũng xuất hiện từ rất sớm. Điều rất tiếc là có nhiều hiện vật qua thời gian và những biến động của lịch sử, đến nay đã không còn”, Tiến sĩ Nguyễn Chí Công nói.
Thăm bảo tàng, Hiệu trưởng Đại học Trực tuyến FUNiX, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Đại học FPT Nguyễn Thành Nam cho biết: “Hàng nghìn phần cứng, đĩa mềm, sách vở, bức ảnh đánh dấu những cột mốc của ngành Công nghệ thông tin Việt Nam được Tiến sĩ Nguyễn Chí Công bảo quản kỹ càng. Tôi rất vui khi những kỷ vật đó đã sống lại, trong khuôn khổ bảo tàng tư nhân đầu tiên về công nghệ thông tin ở Việt Nam, mà anh Công vừa là giám đốc, vừa là nhân viên lưu trữ, hướng dẫn viên”.
Còn sinh viên Nguyễn Tuấn Anh (Trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội) chia sẻ, rất khâm phục sự tâm huyết, dày công nghiên cứu, sưu tập của Tiến sĩ Nguyễn Chí Công. Đến thăm bảo tàng giúp người xem có thêm nhiều kiến thức bổ ích về quá trình phát triển của nền công nghệ thông tin thế giới và nước ta.
Cũng theo Tiến sĩ Nguyễn Chí Công, bảo tàng không bán vé, ai có nhu cầu tham quan thì liên hệ trước, ông sẽ lên lịch đón tiếp. Hiện tại, vẫn còn hàng nghìn các phần cứng, đĩa mềm, sách vở, bức ảnh… đang được ông bảo quản để tiếp tục trưng bày trong giai đoạn 2, sau khi đầu tư mở rộng bảo tàng. Sắp tới, tất cả hiện vật trong bảo tàng sẽ được mô hình hóa 3D toàn diện để có thể tham quan từ xa.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.