Xí nghiệp Vận tải biển và Công tác lặn thuộc Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro là một mắt xích quan trọng, góp phần đảm bảo cho các công trình biển được hoạt động bình thường và hiệu quả.
Xí nghiệp Vận tải biển và Công tác lặn (VTB&CTL) là đơn vị thành viên của Vietsovpetro với tên gọi ban đầu là Cục Vận tải biển, được thành lập ngày 2-6-1983 tại kỳ họp Hội đồng Vietsovpetro lần thứ 3. Về chức năng nhiệm vụ của xí nghiệp, nói theo cách ngắn gọn của lãnh đạo xí nghiệp thì đó là: “Đảm bảo các hoạt động bình thường của các công trình biển”.
Sản phẩm dịch vụ của Xí nghiệp VTB&CTL thật sự rất phong phú. Hiện tại, xí nghiệp đảm nhận hàng loạt các dịch vụ liên quan đến công tác vận chuyển và cung cấp hàng hóa trên boong, hàng rời chứa trong bồn như: Dầu DO, nước ngọt cho sinh hoạt… từ cảng dầu khí cho các công trình biển và hàng thải ngược lại, hàng vận chuyển giữa các công trình biển.
Đặc biệt, các phương tiện tàu của xí nghiệp đảm nhiệm những công tác đặc thù khác thuộc về chuyên ngành dầu khí nói chung và các công trình biển nói riêng. Đó là: cung cấp tàu rải ống lắp đặt đường ống dẫn dầu/khí dưới đáy biển (Trường Sa, Côn Sơn); cung cấp tàu cẩu, sà lan, tàu dịch vụ đa năng phục vụ xây dựng, lắp ráp, sửa chữa các công trình biển; cung cấp tàu để khảo sát, hỗ trợ sửa chữa phần ngầm các công trình biển và các giàn khoan di động, tháo lắp hệ thống neo cho các trạm rót dầu không bến; dịch vụ cung cấp tàu kéo, phục vụ cho việc di chuyển các giàn khoan di động, các tàu chứa dầu; trực cứu hộ, chữa cháy cho các công trình biển; thu gom dầu tràn trên biển; cung cấp tàu phục vụ thử vỉa, khảo sát địa chấn…
Và, nhắc đến Xí nghiệp VTB&CTL thì không thể nào không nhắc đến một ban chuyên môn đặc thù của xí nghiệp, đó là Ban Chuyên trách kỹ thuật ngầm hay còn gọi là Ban Lặn, được thành lập năm 1984, theo yêu cầu mở rộng và phát triển mỏ. Cơ cấu tổ chức ban đầu của Ban Lặn có số lượng nhân sự rất ít, cụ thể là chỉ có 1 bác sĩ và 3 thợ lặn thuộc Liên Xô (cũ). Còn tàu lặn thì phải thuê tàu lặn “Sentavr”, sau đó là tàu “Akhtiar” của Tập đoàn Dầu khí Trernomornheftegaz.
Tuy nhiên, đến nay, Ban Lặn đã trở thành một tổ chức lớn mạnh với việc sở hữu 2 tàu lặn hiện đại cùng với đội ngũ chuyên gia và gần 40 thợ lặn dày dạn kinh nghiệm với đủ bằng cấp quốc tế.
Ban Lặn là một đơn vị làm dịch vụ đặc thù với chức năng thực hiện các công tác lặn và kỹ thuật ngầm phục vụ cho hoạt động tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí của Vietsovpetro. Ban đảm nhiệm hầu hết mảng công tác đa dạng dưới nước như: kiểm tra, khảo sát, đo đạc, xây dựng công trình, tháo lắp cơ khí, bảo dưỡng, sửa chữa, tìm kiếm, trục vớt, cứu hộ, phục vụ tàu thuyền… Đây là những công việc có tính chất nặng nhọc, phức tạp và đòi hỏi sự tỉ mỉ mà không có máy móc hay thiết bị hiện đại nào có thể thay thế được người thợ lặn.
|
Những người thợ lặn làm việc trong điều kiện môi trường độc hại và có nhiều hiểm nguy rình rập. Cụ thể, mỗi thợ lặn phải là những “người thợ tổng hợp” bởi họ phải đảm đương được toàn bộ khối lượng công việc dưới nước từ lắp ráp, hàn, cắt, siêu âm, quay phim, chụp ảnh…; họ làm việc trong môi trường phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện thiên nhiên như sóng biển, tốc độ gió, nhiệt độ nước, nguy cơ tấn công của các sinh vật biển độc hại, nguy hiểm dưới biển sâu do tầm nhìn hạn chế, nguy cơ ngộ độc khí nitơ…
Theo thống kê, từ khi thành lập đến nay, Xí nghiệp VTB&CTL đã vận chuyển cung cấp cho các công trình biển trên 7 triệu tấn hàng, thời gian làm việc của đội tàu là 150 nghìn ngày tàu, đã rải thành công hàng nghìn kilômét đường ống dẫn dầu và khí, cập và giữ hàng nghìn lượt tàu dầu an toàn, tổ chức thực hiện khối lượng lớn các cuộc lặn khảo sát, sửa chữa, lắp đặt phần ngầm các công trình biển. Hàng trăm lần di chuyển, định vị, lắp đặt các giàn khoan tự nâng, các trạm chứa rót dầu không bến an toàn.
Xí nghiệp đã thực hiện nhiều dự án trọng điểm như: hạ thủy lắp chân đế siêu trường siêu trọng Đại Hùng - 02, thi công biển công trình trọng điểm P1, P2 thuộc Bộ Quốc phòng, lắp đặt xây dựng giàn Tê Giác Trắng và FPSO Armada (Hoàng Long JOC)... Ngoài ra, xí nghiệp còn tham gia làm dịch vụ cho các công ty dầu khí trong và ngoài nước tại Lô 09-3, Lô 12/11, BK Thiên Ưng, lắp đặt chân đế Sư Tử Trắng, Dự án P5- P6, P7-P11 của Bộ Quốc phòng… Với tính chất đặc biệt là công tác trên biển nên xí nghiệp đã tích cực phối hợp với các đơn vị như Cảnh sát biển 3, Bộ đội Biên phòng cửa khẩu Bà Rịa - Vũng Tàu… để đảm bảo an ninh trật tự trên biển.
Với các thành tích trong công tác quản lý và khai thác hiệu quả đội tàu của xí nghiệp và các tàu thuê, hoàn thành tốt nhiệm vụ sản xuất của Vietsovpetro cũng như mở rộng việc cung cấp dịch vụ cho các đối tác, Xí nghiệp VTB&CTL đã được lãnh đạo Vietsovpetro, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, Đảng và Nhà nước ghi nhận và trao tặng nhiều phần thưởng cao quý: 1 Huân chương Lao động hạng Nhì và 1 Huân chương Lao động hạng Ba cho tập thể lao động quốc tế Xí nghiệp VTB&CTL, 4 Huân chương Lao động hạng Ba cho 1 tập thể và 3 cá nhân, nhiều Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho các tập thể và cá nhân.
Có thể nói, nhờ vào tâm huyết, cùng với sự linh hoạt, sáng tạo trong cách điều hành và quản lý các phương tiện, sự chuyên nghiệp trong công tác chuyên môn, Xí nghiệp VTB&CTL không chỉ hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu sản xuất hằng năm mà còn là đơn vị góp phần tạo nên những thành tích đáng tự hào của Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro và ngành Dầu khí Việt Nam.
Ở Xí nghiệp VTB&CTL, phương tiện đặc trưng chính là tàu. Hiện tại, xí nghiệp có 3 tàu cẩu công trình có sức nâng từ 300 đến 1.200 tấn; 13 chiếc tàu dịch vụ có công suất từ 4.000 đến 16.000 mã lực; 2 tàu phục vụ công tác lặn; 1 tàu phục vụ trực cứu hộ, cứu hỏa; 3 sà lan và pontoon; 1 tàu khách; 4 trạm lặn và 2 ROV. Trong số đó có một số phương tiện thiết bị hiện đại như tàu dịch vụ đa năng Thiên Ưng 01; tàu lặn hiện đại nhất Long Hải 02; tàu cẩu công trình lớn nhất Hoàng Sa, Trường Sa… |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.