Chiều 9-1, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội bế mạc phiên họp thứ 29 sau 1,5 ngày làm việc khẩn trương, tích cực, trách nhiệm, hiệu quả, hoàn thành chương trình đề ra.
Phát biểu bế mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, sau 1,5 ngày làm việc, các nội dung của phiên họp định kỳ của tháng 1-2024, phiên họp thứ 29 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã hoàn thành. Qua cho ý kiến tại phiên họp, hầu hết các nội dung liên quan đến chương trình của kỳ họp bất thường lần thứ năm đã được chuẩn bị cơ bản đáp ứng yêu cầu để tiếp tục hoàn thiện và sẽ trình Quốc hội xem xét, quyết định.
Theo đó, tại kỳ họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự thảo nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia; về việc bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 từ nguồn dự phòng chung tương ứng với nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2022 cho các nhiệm vụ, dự án đầu tư công và bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam từ nguồn dự phòng của Kế hoạch đầu tư công trung hạn; cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Đây đều là những nội dung có trong dự kiến chương trình kỳ họp bất thường lần thứ năm của Quốc hội.
Ngoài ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp bất thường lần thứ năm, Quốc hội khóa XV; xem xét việc giải thích quy định tại Khoản 1 Điều 6 của Luật Đầu tư công và nội dung khác theo thẩm quyền.
Chủ tịch Quốc hội cho biết thêm, riêng đối với dự án Luật Tổ chức tín dụng (sửa đổi), Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ có thêm một buổi làm việc để cho ý kiến về dự án luật này nhằm bảo đảm xem xét các nội dung một cách kỹ lưỡng.
Trước đó, sáng 9-1, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo tóm tắt về việc tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Theo đó, dưới sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Quốc hội và lãnh đạo Chính phủ, trong thời gian qua, các cơ quan của Quốc hội, cơ quan của Chính phủ đã phối hợp chặt chẽ, khẩn trương, hiệu quả trong tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật. Các cơ quan đã dành nhiều thời gian thảo luận, nghiên cứu tiếp thu, giải trình và hoàn thiện phương án kỹ thuật thể hiện chính sách nhằm bảo đảm cách hiểu rõ ràng, thống nhất, phản ánh đúng nội hàm từng chính sách trong dự thảo Luật.
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) sau khi được tiếp thu, chỉnh lý gồm 16 chương và 260 điều. So với dự thảo Luật trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp giữa hai đợt của kỳ họp thứ sáu, dự thảo Luật đã bỏ 5 điều, hoàn thiện, chỉnh lý, sửa đổi 250 điều.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cũng báo cáo tóm tắt một số vấn đề lớn tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật, gồm: Các nội dung thống nhất; một số nội dung xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội; một số nội dung cụ thể tiếp thu, giải trình ý kiến của Thường trực Hội đồng Dân tộc và các ủy ban của Quốc hội...
Tiếp đó, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi); nghe thành viên Chính phủ và Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh giải trình về một số nội dung của dự thảo Luật… Trên cơ sở các ý kiến phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đã phát biểu kết luận về nội dung này.
* Chiều 9-1, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi); xem xét việc giải thích quy định tại Khoản 1 Điều 6 của Luật Đầu tư công.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.