Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nối dài tuyến đê kiểu mẫu

Mạnh Dũng| 23/04/2022 06:38

(HNM) - Không còn cỏ dại um tùm, không còn rác thải, phế thải chất lên mái đê như trước, tuyến đê tả Đáy đi qua địa bàn xã Song Phượng (huyện Đan Phượng) đang khoác trên mình “tấm áo mới”. Những khóm hoa, khóm cây kết hợp thảm cỏ xanh được sắp đặt đẹp mắt. Tuyến đê kiểu mẫu này chính là kết quả từ sự đồng lòng, chung sức của chính quyền và người dân nơi đây và sẽ được nhân rộng, "nối dài" trên khắp địa bàn huyện Đan Phượng...

Người dân xã Song Phượng (huyện Đan Phượng) tham gia xây dựng tuyến đê kiểu mẫu.

Tuyến đê nở hoa

Tuyến đê kiểu mẫu đoạn chạy qua xã Song Phượng rực rỡ hơn bởi không chỉ có nền cỏ lạc màu xanh mà mái đê còn được tô điểm bằng những khóm hoa, lá nhiều màu sắc của hồng, mẫu đơn, trạng nguyên, gấm đỏ, thu hải đường… được trồng theo kiểu hình quả trám, trái tim, ngôi sao, ô van... tạo nên bức tranh sinh động.

Dẫn chúng tôi đi tham quan tuyến đê kiểu mẫu, Chủ tịch UBND xã Song Phượng Bùi Anh Tùng cho biết, tuyến đê trên địa bàn xã Song Phượng là bộ phận của tuyến đê tả Đáy, có chiều dài khoảng 1,8km, đi qua 3 thôn: Thống Nhất, Thuận Thượng, Tháp Thượng. Những năm gần đây, mặc dù tuyến đê được quản lý, phát quang, vệ sinh theo định kỳ nhưng vẫn bị cỏ mọc um tùm, đôi chỗ, một số người thiếu ý thức còn vứt rác thải sinh hoạt, phế thải xây dựng... khiến vừa mất an toàn, vừa chưa bảo đảm mỹ quan.

Để bảo đảm sự vững chắc cho tuyến đê trong phòng, chống lụt bão, tạo cảnh quan sạch, đẹp cho làng quê, giữa tháng 2-2022, Đảng ủy xã Song Phượng phát động phong trào thi đua xây dựng tuyến đê kiểu mẫu trên địa bàn. UBND xã đã xây dựng kế hoạch, thành lập ban chỉ đạo, phân công nhiệm vụ cho từng thành viên; tổ chức tuyên truyền sâu rộng đến cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân với hình thức lồng ghép tuyên truyền trong hội nghị đại biểu nhân dân, sinh hoạt chi bộ và trên hệ thống loa truyền thanh xã…

“Để thực hiện, chúng tôi lên thiết kế toàn bộ tuyến đê và thuê máy san gạt, tạo độ phẳng cho mái đê, dọn sạch phế thải, gạch đá, cỏ rác. Khi có mặt bằng, xã huy động cán bộ, đảng viên, nhân dân tham gia đóng góp ngày công trồng cây, hoa. Những ngày đó, mỗi ngày, xã thường xuyên huy động hơn 100 người tham gia. Do lượng người đông, chúng tôi phải chia thành từng nhóm nhỏ để bảo đảm công tác phòng dịch Covid-19”, Chủ tịch UBND xã Song Phượng Bùi Anh Tùng kể.

Sự tham gia nhiệt tình của người dân đã giúp đẩy nhanh tiến độ. Ban đầu, xã dự tính thực hiện trong khoảng 2 tháng. Tuy nhiên, quá trình triển khai, cán bộ và nhân dân hào hứng tham gia nên chỉ sau 20 ngày, tuyến đê kiểu mẫu dài 1,8km cơ bản hoàn thành. Trước đó, để tạo cảnh quan, việc lựa chọn cây cũng được tính toán kỹ lưỡng. Các loại cỏ, cây được trồng trên đê được tính toán phù hợp, không trồng cây cao, chủ yếu là cây bụi, cây cảnh nhằm bảo đảm kết cấu đê, bảo vệ đất, chống xói mòn, dễ chăm sóc… Theo đó, xã đã chọn trồng cỏ lạc làm nền, bố trí tiểu cảnh bằng các loại hoa: Chiều tím, ngũ sắc, dừa cạn, mười giờ, xác pháo, ngọc trai, hồng, cúc, trạng nguyên, mẫu đơn… được trồng theo hình khối, tạo điểm nhấn ở các đoạn đê...

Sáng tạo trong cách làm

Bí thư Đảng ủy xã Song Phượng Nguyễn Thị Quỳnh Lâm chia sẻ, có được thành quả trên, trước hết do người dân xã Song Phượng có truyền thống đoàn kết, chung sức xây dựng quê hương nên khi phát động phong trào đã được nhân dân đồng thuận cao. Bên cạnh đó, quyết tâm cao của cấp ủy, chính quyền, sự vào cuộc của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Song Phượng và các hội, đoàn thể cũng là những yếu tố tạo nên thành công chung này. Quá trình triển khai, cán bộ, đảng viên là những hạt nhân gương mẫu, trực tiếp tham gia lao động, kể cả trong những ngày nghỉ cuối tuần. Tinh thần đó đã lan tỏa mạnh trong các tầng lớp nhân dân khiến mọi người hào hứng tự nguyện góp sức và trở thành phong trào thi đua sôi nổi. Cũng nhờ sức dân, tổng kinh phí thực hiện chỉnh trang tuyến đê khoảng 650 triệu đồng nhưng ngân sách xã chỉ phải bỏ ra 50 triệu đồng chủ yếu dùng để thuê máy san gạt mặt bằng... Còn lại khoảng 600 triệu đồng do các doanh nghiệp, nhân dân đóng góp bằng tiền và ngày công lao động...

Chủ tịch HĐND xã Song Phượng Bùi Văn Đức hào hứng cho biết thêm: “Xã có 3/4 thôn có đê chạy qua, làm đến đâu, chúng tôi huy động người dân trong thôn tham gia tới đó. Riêng thôn Thu Quế không có đê đi qua nhưng chúng tôi vẫn kêu gọi và người dân vẫn tham gia góp sức. Cách làm này được nhân dân đồng tình, tạo khí thế thi đua sôi nổi, bồi đắp tình cảm giữa cán bộ, đảng viên và nhân dân trong xã”.

Là lực lượng nòng cốt tham gia thực hiện tuyến đê kiểu mẫu ở địa phương, Hội Liên hiệp phụ nữ xã Song Phượng đã huy động được hàng nghìn lượt ngày công lao động trồng, chăm sóc cho những cây cỏ, hoa trên tuyến đê. Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Song Phượng Tạ Thị Kim Chung nhớ lại: "Ban đầu, việc triển khai gặp rất nhiều khó khăn.

Đất trên đê vốn rắn chắc lại thêm cây dại mọc dày khiến đất rất cằn. Việc cải tạo đất vất vả hơn khi một số điểm có phế thải xây dựng, sỏi đá chúng tôi phải dọn sạch, trộn thêm phân bón cho cây phát triển. Để giảm kinh phí mua hoa, cỏ trồng trên tuyến đê, hội viên phụ nữ còn tự nhân giống nhiều loại như thanh táo, hoa bỏng nổ trồng được hàng trăm mét vuông".

Hình thành tuyến đê kiểu mẫu đã khó, duy trì lại còn khó hợn. Xác định vậy nên sau khi tuyến đê kiểu mẫu hoàn thành, xã đã chia thành từng đoạn nhỏ, giao Mặt trận Tổ quốc Việt Nam của xã cùng các hội, đoàn thể, các thôn trông nom, chăm sóc. Riêng với phần việc của Hội Liên hiệp phụ nữ, hội viên làm cỏ, chăm sóc cây và trồng bổ sung cây mới trang trí cho tuyến đê. “Tuyến đê kiểu mẫu được xây dựng là công trình văn hóa xanh, sạch, đẹp, góp phần xây dựng nông thôn mới, tạo sự gắn bó của người dân với con đê quê hương. Từ khi đê được chỉnh trang, người dân chúng tôi đã tự giác thay đổi tư duy, nếp sống, nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường cho tuyến đê do chính mình góp sức tạo nên luôn phong quang, sạch đẹp”, bà Bùi Thị Kim ở thôn Tháp Thượng, xã Song Phượng tự hào nói.

Việc xây dựng tuyến đê theo hướng kiểu mẫu cũng đã giúp ngăn chặn được tình trạng lấn chiếm mái đê, nâng cao ý thức bảo vệ, tự quản hành lang đê điều trong nhân dân, tạo cảnh quan sáng, xanh, sạch, đẹp cho khu vực nông thôn. Ghi nhận thành quả này, Bí thư Huyện ủy Đan Phượng Trần Đức Hải đề nghị, Đảng ủy, UBND xã tiếp tục chỉ đạo các đoàn thể và các thôn cùng nhân dân chăm sóc cây, hoa xanh tốt cho tuyến đê luôn đẹp. Từ thành công của xã Song Phượng, huyện Đan Phượng cũng chỉ đạo trưởng các ngành, đoàn thể trong huyện thống nhất, phối hợp với các xã, thị trấn “nối dài” tuyến đê kiểu mẫu nhằm góp phần xây dựng huyện Đan Phượng hoàn thành xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu trước năm 2025.

Những tuyến đê kiểu mẫu được xây dựng không chỉ bảo đảm an toàn chống lũ mà còn là những công trình văn hóa xanh, sạch, đẹp, góp phần xây dựng nông thôn mới và tạo thêm sự gần gũi, gắn bó của người dân với con đê quê hương.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nối dài tuyến đê kiểu mẫu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.